Cuối cùng thì người dân Mỹ cũng đã chọn được cho mình vị Tổng thống thứ 47, Donald Trump. Với chiến thắng ngoạn mục trước bà Kamala Harris, ông Donald Trump trở thành vị Tổng thống thứ hai của Mỹ đắc cử hai nhiệm kỳ không liên tiếp, sau người đầu tiên là Stephen Grover Cleverland cách đây 132 năm.
Nhưng ấn tượng hơn cả cho sự trở lại của Donald Trump là ông đã quay trở lại ngôi cao của nước Mỹ sau khi phải đối mặt với những cáo buộc hình sự mà cho đến tận lúc ông đắc cử, vẫn chưa ngã ngũ.
Những dấu hiệu khá rõ đã xuất hiện chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu. Một tỷ lệ cử tri lớn, 74%, trong cuộc thăm dò do ABC/Ipsos tổ chức ngày 3/11, đúng hai ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, cho rằng nước Mỹ đã đi sai hướng; đây chính là yếu tố then chốt giúp ông Donald Trump đánh bại bà Kamala Harris. Kể từ năm 1980, con số thống kê về tỷ lệ cử tri nghĩ rằng nước Mỹ “đang đi sai hướng” là yếu tố chắc chắn chính quyền hiện tại sẽ mất Nhà Trắng vào tay đối thủ. Bà Kamala Harris đơn giản là phải chịu trách nhiệm về những gì mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thực thi trong 4 năm qua.
Nhưng đương nhiên rồi, không phải cuộc chiến Ukraine, không phải sự lớn mạnh của Trung Quốc trên thị trường quốc tế, cũng không phải làm thế nào để cứu những người Palestine đang hằng ngày phải chịu thảm cảnh ở dải Gaza trước những cuộc tấn công của Israel, là yếu tố chính dẫn tới quyết định của cử tri Mỹ đặt cược tương lai trong 4 năm tới vào tay ông Trump. Yếu tố căn bản trong mọi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ trước đến nay luôn là đối nội, cụ thể hơn là kinh tế.
Cử tri Mỹ, trước hết và luôn luôn quan tâm đến công ăn việc làm, giá cả ảnh hưởng như thế nào đến bàn ăn trong gia đình họ mỗi tối, đến cơ hội của con em họ trong một nền giáo dục ngày càng đắt đỏ, đến một hệ thống y tế có đủ khả năng quan tâm đến “những người bị bỏ lại phía sau” hay không.
Sách lược thắng lợi
Tâm trạng lo lắng của cử tri Mỹ trước những vấn đề khó khăn trong đời sống hằng ngày đã là yếu tố cơ bản tác động đến quyết định của họ bên thùng phiếu. Bất chấp những con số thống kê về giá cả tăng thấp (chỉ 2,1% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm trước), tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong quý I/2024 đạt ở mức lạc quan (2,8%), trong một cuộc thăm dò do Thời báo New York và Siena College tổ chức ngay trong tháng 10, vẫn có tới 75% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế nước Mỹ “đang trong tình trạng tồi tệ”.
Một quả tạ ném lên bàn cân ngay trước ngày bỏ phiếu là báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lĩnh vực việc làm chỉ có mức tăng trưởng yếu ớt. Không cần biết nguyên nhân của tình trạng này là do những cơn bão liên tiếp đổ vào nước Mỹ cùng với các cuộc đình công của công nhân, cử tri Mỹ ngay lập tức chỉ ngón tay vào chính quyền đương nhiệm.
Và nếu họ có không làm thế thì ông Donald Trump cũng sẵn lòng giúp chỉ ra cho họ bằng phát biểu ở Michigan vào tuần trước ngày bỏ phiếu: “Báo cáo việc làm hoàn toàn mới đó chứng minh một cách dứt khoát rằng Kamala Harris và Joe Biden đã đẩy nền kinh tế của chúng ta (tức nước Mỹ), xuống vực thẳm!”.
Chiến thắng của ông Donald Trump một phần còn nhờ ông đã sử dụng một cách vô cùng hiệu quả con bài chiến lược: vấn đề nhập cư. Ở nhiệm kỳ đầu, ông Donald Trump vượt qua bà Hillary Clinton bằng cách dựng nên một hàng rào thực sự bằng kim loại ở biên giới phía nam nước Mỹ với Mexico, đồng thời còn dựng lên trong lòng nhiều cử tri Mỹ một hàng rào tưởng tượng nhằm chống lại nỗi lo sợ bị người nhập cư giành việc làm, gây ra tội ác. Ở lần chiến thắng thứ hai, ông Donald Trump tiếp tục khai thác thành công đề tài này, tạo cho nhiều cử tri Mỹ cái ấn tượng rằng họ bị người nhập cư bao vây ngay trên đất Mỹ. Vẫn trong cuộc thăm dò ý kiến do Thời báo New York và Siena College tổ chức trước ngày bầu cử, 15% số người được hỏi đã phát biểu rằng vấn đề nhập cư có ảnh hưởng quyết định đến lá phiếu bầu của họ ngày 5/11.
Cuối cùng, chiến thắng của ông Donald Trump cho thấy hoàn cảnh chính trị, xã hội của Mỹ chưa sẵn sàng cho một thực tế người điều hành đất nước là một phụ nữ. Một lần thất bại trong ba lần tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump là trước một người đàn ông: Joe Biden; trong khi ấy, hai lần chiến thắng của ông Trump là trước hai người phụ nữ: lần trước là bà Hillary Clinton, lần này là bà Kamala Harris.
Chưa có bất cứ một nghiên cứu nghiêm túc nào cho thấy nguyên nhân thắng lợi của ông Trump có liên quan trực tiếp đến vấn đề giới tính nhưng thăm dò của Thời báo New York và Siena College tổ chức trước ngày bầu cử cho thấy ông Donald Trump dẫn trước bà Kamala Harris khá xa trong nhóm cử tri nam giới với tỷ lệ 55% so với 41%. Đây là một khoảng chênh lệch đáng kể cho thấy các đối thủ phụ nữ của ông Donald Trump bất lợi như thế nào trong các cuộc đọ sức với ông, một người đã 78 tuổi nhưng vẫn có khả năng nói không ngừng nghỉ suốt hơn 100 phút trong cuộc tranh luận duy nhất với bà Kamala Harris được truyền hình trực tiếp khắp nước Mỹ và toàn thế giới. Phong cách phát biểu phóng khoáng, ngẫu hứng, đôi khi có thể gây sốc của ông Trump cũng giành được thiện cảm của các cử tri nam giới, đặc biệt là người da đen và gốc latin.
Thất bại của đảng Dân chủ
Để có thể lý giải trọn vẹn những nguyên nhân chính yếu dẫn tới chiến thắng của ông Donald Trump, cần thêm nhiều thời gian và những nghiên cứu nghiêm túc, khách quan. Nhưng tựu trung, có thể thấy người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Trump bởi họ lo lắng khi thấy chính quyền của đảng Dân chủ quá thiên về một số vấn đề văn hóa xã hội.
Đơn cử như vấn đề liên quan đến quyền của người chuyển giới. Thời còn làm Tổng thống nhiệm kỳ đầu, ông Donald Trump tuy vẫn duy trì một số luật chống phân biệt đối xử hiện hành của liên bang nhưng chính quyền của ông đã hủy bỏ một số biện pháp bảo vệ dành cho người lao động LGBTQ+ và các biện pháp bảo vệ chống phân biệt đối xử theo giới tính trong các hợp đồng liên bang. Một trong những chính sách gây tranh cãi của ông Trump là quyết định cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội Mỹ. Quyết định này đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều tổ chức bảo vệ quyền LGBTQ+ và các cựu quân nhân.
Một tháng trước cuộc bầu cử, ông Trump và các nhóm người ủng hộ Cộng hòa đã chi ra 65 triệu USD cho quảng cáo tập trung vào vấn đề chuyển giới. Đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump cũng đã khéo léo “khai quật” những đoạn video ghi lại bà Kamala Harris, khi còn làm Tổng chưởng lý California, có những phát biểu gây tranh cãi về vấn đề chuyển đổi giới tính.
Chủ nghĩa biệt lập kiểu mới?
Điều gì sẽ đến với nước Mỹ (và cả thế giới) sau khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng?
Những tuyên bố đầu tiên sau khi được coi là giành chiến thắng của ông Trump cho thấy dường như ông sẽ đi theo những nét chính yếu, cả về đối nội lẫn đối ngoại, để thực hiện các chính sách mà ông đã không ít lần nói với cử tri Mỹ.
Về kinh tế, ông Trump cùng ekip của mình chắc chắn tìm cách để giảm bớt, dần dần phấn đấu chấm dứt lạm phát, yếu tố mà không ít lần ông chỉ trích cá nhân nhằm vào ứng cử viên, Tổng thống J.Biden và bà K.Harris coi đây là tử huyệt của nền kinh tế Mỹ dưới quyền của ông J.Biden.
Khả năng lớn là ông Trump cũng sẽ ngày càng cứng rắn trong chính sách nhập cư, một trọng tâm trong nội dung vận động tranh cử đã giúp ông giành chiến thắng. Đóng cửa biên giới với Mexico, thực hiện chính sách truy quét và trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ, đó là những điểm mà ông Trump sẽ làm trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới để thực thi chính sách nhập cư khắt khe của ông.
Quyền phá thai, một trong những nội dung gây tranh cãi bậc nhất trong suốt quá trình 4 năm dưới chính quyền của Tổng thống J.Biden, có lẽ sẽ được ông Trump trao cho các bang và không ký lệnh cấm phá thai trên toàn quốc.
Về đối ngoại, nước Mỹ có khả năng quay về chủ nghĩa biệt lập kiểu mới. Như nhiệm kỳ đầu đã cho thấy, ông Trump không giấu giếm sự hoài nghi về lý do tồn tại của NATO, thậm chí còn đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi tổ chức quân sự này. Ở nhiệm kỳ mới, có thể ông Trump sẽ không bày tỏ một cách cực đoan quan điểm của mình về NATO, nhưng chủ nghĩa hoài nghi chính trị sẽ xuất hiện trở lại.
Chưa biết ông Trump sẽ thực hiện các lời hứa của mình với cử tri ra sao, nhưng cam kết của ông về việc “chấm dứt xung đột Nga - Ukraine” trong vòng một ngày chỉ nên coi là tuyên bố nhằm thu hút cử tri ủng hộ ông trong một cuộc bầu cử cụ thể mà thôi.
Khó có thể đưa ra những dự đoán, suy luận về đường hướng nước Mỹ đi theo, sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống một lần nữa. Nhưng có thể đoán chắc được là nước Mỹ sẽ khác, rất nhiều, so với trước khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống.