Cứ vào dịp sinh nhật Bác, nhiều gia đình ở Cù lao Dung lại đội những mâm bánh, mâm xôi được làm từ nếp dẻo, gạo thơm ngon nhất của miền quê sông nước dâng lên Bác. Hình ảnh những cụ già tay run run thắp nén nhang thơm với tấm lòng thành kính khiến ai ai cũng nhớ Bác khôn nguôi. Đoàn viên, thanh niên, học sinh từ các nơi cũng tụ hội về đây để dâng hương, báo công với Bác... Ông bà, cha mẹ nhắc nhở cháu con, bà con lối xóm động viên nhau, làm theo tấm gương đạo đức của Bác, làm nhiều việc tốt, lao động sản xuất, học tập thật giỏi, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ để xứng đáng là con cháu Bác Hồ.
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ giữa lòng địch mà nhân dân vẫn kiên cường lập và gìn giữ Đền thờ Bác ở vùng sông nước cù lao, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thạnh Đông Huỳnh Văn Ngọc xúc động kể: Giữa lúc nhân dân cù lao quyết liệt dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thì bất ngờ nghe tin Bác mất, ai nấy đều bàng hoàng xúc động, ôm nhau mà nước mắt giàn giụa... Hàng nghìn bà con nơi đây có mặt tại lễ truy điệu Bác Hồ trong niềm tiếc thương vô hạn, mọi người đồng lòng lập Đền thờ Bác trên đất cù lao này để ngày đêm đồng bào miền nam dâng hương tưởng nhớ Bác. Một cuộc vận động đóng góp sức người, sức của chưa từng có ngay giữa lòng địch, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Sau nhiều tháng trời chuẩn bị, đúng ngày kỷ niệm Đảng ta tròn 40 năm tuổi 3-2-1970, mới chính thức thi công. Để việc xây dựng đền thờ không bị trở ngại do địch bắn phá, đồng bào Cù lao Dung ráo riết phân công nhau mỗi người một việc. Thanh niên lo đốn cây trong rừng cù lao, gọt đẽo để sẵn; phụ nữ ở nhà lo chẻ lạt, chằm lá, chuẩn bị sẵn sàng để chở đến ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Đông dựng đền thờ nhằm bảo đảm nhanh gọn, tránh tập trung đông người, khiến địch chú ý. Những người khác hỗ trợ, lo cơm nước cho nhóm thợ dựng đền; lực lượng du kích tập trung bao vây đồn gần đó để thu hút địch. Trong những ngày ấy, máy bay, tàu chiến của địch liên tục quần thảo, đánh phá, khiến nhóm thợ phải làm vào buổi chiều tối và đêm. Ban ngày thì ngụy trang đền bằng cây lá để địch không phát hiện. Sau tám tháng thi công, ngôi đền được đồng bào xây dựng hoàn thành, hàng nghìn người bất chấp bom đạn kẻ thù về dự lễ khánh thành vào 19-5-1970, đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày sinh của Bác. Đền thờ Bác Hồ được thiết kế theo kiểu đền miếu dân gian giản dị, gần gũi với đồng bào Nam Bộ. Lập Đền thờ Bác đã khó, việc gìn giữ, bảo vệ ngôi đền lại càng khó hơn, vì đồn địch cách Đền thờ Bác chỉ vài trăm mét.
Nhiều lần bọn chúng kéo đến đàn áp bà con, lùng sục đốt phá nhà cửa của nhân dân khắp nơi. Bọn chúng vô cùng sửng sốt không hiểu tại sao giữa cù lao sông nước xa xôi, hẻo lánh này lại mọc lên Đền thờ Bác. Chúng tức tối, mở rất nhiều đợt càn quét, phá đền, truy xét, tìm người xây đền, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm của du kích và nhân dân các xã cù lao sông nước, ta quyết giữ đền, diệt hàng trăm tên địch. Mỗi lần chúng kéo đến Đền thờ Bác, nếu không bị du kích đánh bật thì cũng bị hàng trăm người dân trong xã tìm mọi cách ngăn cản,... Phần do kính trọng Bác Hồ, phần vì khiếp sợ trước ý chí sắt đá, quyết tâm bảo vệ ngôi đền của đồng bào, bọn địch đành rút lui. Đền thờ Bác Hồ được giữ gìn nguyên vẹn đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng.
Đất nước thống nhất, quân và dân Sóc Trăng dồn sức xây dựng huyện Cù lao Dung ngày càng tươi đẹp. Điện đã vượt sông Hậu thắp sáng cù lao anh hùng, những ngôi trường mới mọc lên; đường sá được trải nhựa, đổ bê-tông phẳng phiu; đời sống nhân dân không ngừng nâng cao...
Năm 2010, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sóc Trăng khởi công xây dựng công trình "Tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ". Công trình khang trang, gồm nhiều hạng mục như: đền chính, cổng chính, nhà hội, nhà quản lý trưng bày, sân lễ, đường nội bộ, ao sen, đồi nhân tạo, công trình cây xanh, hệ thống điện, nước... với tổng diện tích được mở rộng hơn 22 nghìn m2. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Cù lao Dung Nguyễn Quí Đức cho biết, Đảng bộ, nhân dân Cù lao Dung rất tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, về quá trình xây dựng và gìn giữ Đền thờ Bác, càng tự hào hơn khi ngày nay ngôi đền đã được xây dựng khang trang, là nơi để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh đến viếng Bác, được nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người, về truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Cù lao Dung trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mỗi lần kết nạp đảng viên, đoàn viên mới hay tổ chức các chuyến về nguồn... các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh cũng thường xuyên đến đây dâng hương tưởng nhớ Bác.
Hằng năm, vào các ngày lễ hội, Tết cổ truyền dân tộc, nhất là ngày sinh của Bác, Đền thờ Bác Hồ ở đất cù lao trở thành địa chỉ đỏ, để đồng bào đến bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Người, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nơi hội tụ tấm lòng của bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ miền nam với Bác.