Đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư ở 28 tỉnh ven biển

NDO -

NDĐT - Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) lần này đưa ra trình tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV có bổ sung thêm một Chương về Kiểm ngư, đồng thời đề xuất bên cạnh lực lượng Kiểm ngư Trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển.

Đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư ở 28 tỉnh ven biển

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) trước Quốc hội, sáng 6-6, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Chương VI trong dự án Luật về Lực lượng Kiểm ngư là chương mới so với Luật Thủy sản 2003, quy định cụ thể về chức năng kiểm ngư; nhiệm vụ kiểm ngư; quyền hạn và trách nhiệm của kiểm ngư; phối hợp trong hoạt động của lượng kiểm ngư. Và nội dung này đang có ba loại ý kiến khác nhau, theo đó:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư Trung ương (có các chi cục tại các vùng - gọi tắt là Kiểm ngư vùng) như hiện nay. Theo đó, sẽ không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh, nhưng có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản, luật hóa các quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư trong dự thảo Luật.

Lý do mà các đại biểu đưa ra là, Báo cáo tổng kết 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản chưa đánh giá kỹ về hoạt động và hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản cũng như lực lượng kiểm ngư. Vì thế, theo các đại biểu, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là chưa phù hợp mà chỉ cần tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra và có sự phối hợp tốt của Kiểm ngư vùng. Ngoài ra, việc thành lập thêm lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh sẽ không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 39.

Ngoài ra, quy định về Kiểm ngư trong dự thảo Luật còn khá đơn giản, tuy Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29-11-2012 về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư đã qua bốn năm triển khai thực hiện. Vì thế, Ban soạn thảo cần rà soát, luật hóa các quy định để bảo đảm tính cụ thể của Luật, đảm bảo tính pháp lý cao nhất cho lực lượng kiểm ngư hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân và phối hợp cùng với các lực lượng chấp pháp khác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư Trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển như dự thảo Luật trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tại các chi cục thủy sản; lý do đề xuất bởi vì lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ do đang hoạt động theo Luật Thanh tra, không có các công cụ hỗ trợ đi kèm, chưa có các chế tài cưỡng chế như các kiểm ngư viên, không được hưởng chính sách, chế độ khi thực hiện thanh tra trên biển như kiểm ngư viên.

Loại ý kiến thứ ba đề nghị bên cạnh lực lượng Kiểm ngư Trung ương, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà thành lập thêm Kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản tại địa phương. Và đây sẽ là công cụ mạnh giúp khắc phục tình hình khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản ở địa phương.

Chính phủ sẽ căn cứ tính chất, yêu cầu của từng địa phương để quy định thành lập lực lượng kiểm ngư tại một số tỉnh cho phù hợp, như tỉnh có bờ biển dài, có địa hình phức tạp, có lượng tàu thuyền hoạt động lớn...

Việc chuyển đổi từ lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy sản sang kiểm ngư tại một số tỉnh có vùng biển đặc thù cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm biên chế, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 39.

Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cơ bản tán thành với dự thảo Luật quy định các chính sách về đầu tư, hỗ trợ kinh phí, chính sách khuyến khích cho các hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản hiện nay ngày càng cạn kiệt, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gần bờ gặp nhiều khó khăn; đồng thời, để phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững thì việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là rất cần thiết.

Luật Thủy sản được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26-11-2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2004. Sau 13 năm thực hiện, Luật Thủy sản năm 2003 và hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho các hoạt động thủy sản từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến, xuất khẩu, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…, nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về thủy sản, góp phần khai thác tiềm năng của nước ta trong hoạt động thủy sản và góp phần đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam có bờ biển dài 3260 km, diện tích vùng nội thủy và lãnh hải 226.000 km2, diện tích vùng đặc quyền kinh tế hơn 01 triệu km2, khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ và khoảng 1,7 triệu ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.