Đáng chú ý, qua nhiều vụ việc gần đây cho thấy đang nổi lên tình trạng đối tượng cướp tài sản có sử dụng vũ khí nguy hiểm như súng, dao, kiếm… Vụ cướp xảy ra ở Hải Phòng vào ngày 7/1, thủ phạm đã nổ súng khiến các nhân viên ngân hàng khiếp sợ sau đó lấy đi hơn ba tỷ đồng. Ngày 16/1, tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, hai đối tượng đã vào tận nhà nạn nhân, dùng súng bắn chỉ thiên, uy hiếp khiến cặp vợ chồng phải đưa hàng trăm triệu đồng. Qua công tác điều tra, lấy lời khai, thủ phạm các vụ cướp đều cho biết, những loại vũ khí nguy hiểm được các đối tượng mua khá dễ dàng thông qua mạng xã hội. Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng buôn bán vũ khí trên không gian mạng. Nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ là mối hậu họa khôn lường.
Như thường lệ hằng năm, lực lượng công an trên cả nước đã và đang thực hiện nghiêm đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đánh giá của cơ quan công an, nhiều vụ cướp tài sản, đối tượng gây án mang tính bột phát, đôi khi chỉ là một phút quẫn bách không có tiền tiêu xài, cần tiền để trả nợ, chữa bệnh, cho người thân… các đối tượng cũng có thể nảy sinh ý đồ cướp tài sản. Trong khi đó, một số vụ án có nguyên nhân từ việc bị hại tự khoe khoang tiền, tài sản cá nhân trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích quảng cáo sự giàu có, để “câu view” phục vụ cho việc kinh doanh. Đối với các vụ cướp tài sản của lái xe taxi, mặc dù lái xe đã được cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều lần, nhưng vẫn nhận và chở khách đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường, không rõ điểm đến để đối tượng lợi dụng gây án. Công tác nắm tình hình, quản lý trên các trang mạng xã hội của các cơ quan chức năng còn chưa chủ động, chưa kịp thời phát hiện các thông tin liên quan để tổ chức phòng ngừa, đặc biệt là các hội, nhóm kín, có tư tưởng tiêu cực, vi phạm pháp luật, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ...
Để phòng ngừa có hiệu quả tội phạm cướp tài sản sử dụng vũ khí nguy hiểm, cơ quan công an khuyến cáo người dân, cần nâng cao cảnh giác đến mức tối đa với tinh thần “phòng còn hơn chống”. Mỗi cá nhân phải có sự tự phòng ngừa, liên hệ chặt chẽ với công an cơ sở, đầu mối là cảnh sát khu vực. Không công khai các thông tin cá nhân, địa chỉ, hình ảnh của bản thân, con cái, người thân trong gia đình, không khoe khoang, thể hiện sự giàu có trên các hội, nhóm mạng xã hội để làm mục tiêu cho các đối tượng gây án để ý, theo dõi. Đối với những người hành nghề xe ôm, lái xe taxi cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, tham gia các buổi tuyên truyền do cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng tổ chức để tìm hiểu về phương thức, thủ đoạn, cách phòng ngừa tội phạm. Chủ động phát hiện các trường hợp khách có biểu hiện nghi vấn đi lòng vòng, đi đến khu vực vắng người, không có điểm đến rõ ràng. Khi bị các đối tượng khống chế, đe dọa để cướp tài sản thì phải thật bình tĩnh, chấp hành các yêu cầu của đối tượng không nên chống lại, nhanh trí lợi dụng sơ hở của đối tượng để thoát ra khỏi xe, hô hoán để người dân hỗ trợ. Đối với các ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, doanh nghiệp... không nên trưng bày quá nhiều vàng bạc, đá quý làm đối tượng chú ý, làm mục tiêu gây án; nên đóng cửa hàng trước 18 giờ hằng ngày. Chủ động tổ chức lắp đặt hệ thống chuông báo động kết nối cơ quan công an và camera giám sát. Đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cần bảo đảm có sức khỏe, kỹ năng ứng phó tốt, có thể khống chế, bắt giữ đối tượng có ý đồ xấu khi cần thiết.