Để ngư dân không bất an trước giá dầu

Dầu là mặt hàng có tác động trực tiếp đối với nhiều hoạt động của ngư dân, đặc biệt là tàu cá khai thác xa bờ. Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, việc điều chỉnh giá xăng, dầu linh hoạt theo thị trường chưa gây khan hiếm dầu trên diện rộng nhưng đã xuất hiện tình trạng thiếu dầu cục bộ ở một số nơi, điển hình như Bình Thuận.
0:00 / 0:00
0:00
Các cửa hàng xăng dầu tại Cảng cá Phan Thiết không còn dầu hồi cuối tháng 8/2022.
Các cửa hàng xăng dầu tại Cảng cá Phan Thiết không còn dầu hồi cuối tháng 8/2022.

Sau thời điểm ngày 5/9, khi giá dầu hỏa và dầu diesel tăng mạnh, để ngư dân không bất an mỗi lần đi biển, việc thắt chặt quản lý thị trường này càng phải được đặt ra nghiêm túc, tránh nguy cơ thiếu dầu giả tạo,...

Chưa tăng giá đã khan hàng

Đó là câu chuyện đã xảy ra tại Bình Thuận trước thời điểm giá dầu tăng vượt giá xăng (ngày 5/9). Theo lịch trình, sáng 1/9, hai cặp tàu cá (bốn chiếc) hành nghề giã của ông Bạch Lòng, phường Bình Tân, thị xã La Gi (Bình Thuận) đã xuất bến tại Cảng cá La Gi để đi đánh bắt hải sản ở vùng biển xa. Tuy nhiên, do không mua được dầu, nên ông phải cho các tàu cá của mình nằm bờ. Theo ông Bạch Lòng, từ cuối tháng 8/2022, trên địa bàn thị xã La Gi, các cơ sở bán xăng dầu đều không còn dầu hoặc có với số lượng ít, nên không thể bán cho các tàu cá để đi biển. Bốn tàu cá của ông cần 40.000 lít dầu (10.000 lít/tàu) để bảo đảm cho chuyến đi biển khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, không có một chủ cơ sở xăng dầu nào ở địa phương có thể cung cấp số lượng dầu nhiều như vậy, dù ông chấp nhận mua với giá cao hơn so với giá niêm yết.

Không riêng gì đội tàu cá của ông Bạch Lòng mà hàng trăm tàu cá của ngư dân ở thị xã La Gi cũng chịu chung cảnh ngộ. Mặc dù đang vào cao điểm của vụ cá nam, thời tiết thuận lợi, ngư dân rất hy vọng vào những chuyến đi biển để có thu nhập, nhưng họ vẫn đành ở trên bờ. Còn tại thành phố Phan Thiết, tình trạng ngư dân không mua được dầu cho tàu cá đã diễn ra từ trước đó 5 ngày. Tại Cảng cá Phan Thiết, nhiều ngư dân mang các can, thùng nhựa đến trạm bán lẻ xăng dầu để mua dầu diesel về chạy tàu, thuyền nhưng đều không mua được.

Từ sáng 27/8, sáu cửa hàng bán xăng dầu ở trong Cảng cá Phan Thiết đều không bán dầu nữa. Nhân viên một cửa hàng xăng dầu tại Cảng thuộc Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Bình Thuận cho biết, ngày 26/8, cửa hàng chỉ nhập kho được 5.000 lít dầu và đã bán hết ngay trong buổi chiều. Cửa hàng cũng không biết đến bao giờ mới có dầu để nhập, bán cho bà con. Nhiều chủ tàu cá chạy đôn chạy đáo huy động lao động trên tàu đi lùng mua dầu ở các cây xăng dầu trong thành phố nhưng chỉ mua được từng can, không đủ số lượng cần thiết cho chuyến biển. Bà Trần Thị Huyền, chủ tàu cá ở xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết nhớ lại, thời điểm cuối tháng 8/2022: "Tàu cá phải neo ở nhà. Nhà cách trung tâm Phan Thiết hơn 10 km, hai vợ chồng chạy hai xe máy chở các can nhựa rỗng (loại 30 lít) vào Phan Thiết để mua dầu. Tôi đi gần chục cửa hàng mà không nơi nào bán".

Giá dầu niêm yết trên thị trường chung ở địa bàn thành phố Phan Thiết tại thời điểm cuối tháng 8/2022 (lúc chưa tăng giá) chỉ dao động từ 23.600 đồng/lít đến 23.900 đồng/lít. Có nhiều chủ tàu chấp nhận mua dầu giá cao hơn giá niêm yết nhưng cũng không có, thậm chí còn thuê xe ôm đi các huyện lân cận mua dầu, chấp nhận trả thêm tiền công 100.000 đồng/can. Thực trạng không mua được dầu không chỉ ở cảng Phan Thiết mà còn ở một số cảng cá khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Trước tình hình các cửa hàng bán dầu một cách nhỏ giọt cho tàu cá, lực lượng quản lý thị trường Bình Thuận đã tổ chức đội cơ động để kiểm tra, giám sát. Qua yêu cầu dùng que đo hầm chứa dầu, có việc hầm dầu đã cạn đáy. Lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường cho biết: "Sau khi tiếp nhận nguồn tin về hiện tượng khan hiếm xăng dầu, chúng tôi tổ chức kíp trực 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát kịp thời. Khi có tin báo cửa hàng xăng dầu tự ý tăng giá là chúng tôi sẽ kiểm tra ngay. Hiện tại, chưa phát hiện tình trạng găm hàng. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định...

Chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm dầu

Cà Mau có số lượng tàu khai thác đứng thứ 2 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau Kiên Giang. Đội tàu khai thác của tỉnh cao điểm có lúc lên đến hơn 4.500 chiếc nhưng hiện đã giảm còn khoảng 3.800 tàu cá... Nguồn lợi suy giảm, khai thác kém hiệu quả, giá nhiên liệu tăng cao là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong tình cảnh khó khăn, ngư dân tiếp tục thêm "cú sốc" khi vào ngày 5/9 giá dầu tại các đại lý kinh doanh xăng dầu báo giá mới tăng thêm hơn 1.400 đồng/lít.

Là một trong nhiều ngư dân có tàu khai thác biển vừa trở vào bờ, ông Đoàn Quốc Lượm (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) rất lo lắng. Ông Lượm chia sẻ: "Với mức giá cũ, chúng tôi cố gắng lắm để ra biển cầm cự và để giữ chân ngư phủ. Còn với mức giá này, nhiều khả năng gia đình sẽ cho tàu nằm bờ".

Thị trấn Sông Đốc là miền biển sầm uất của tỉnh Cà Mau, quy tụ đội tàu khai thác biển lớn nhất tỉnh với hơn 1.400 chiếc, trong đó có hơn 700 tàu khai thác xa bờ. Trung bình mỗi chuyến biển dài ngày, mỗi tàu khai thác cần khoảng 10.000 lít dầu, thì với mức giá tăng hiện nay, ngư dân phải gánh thêm khoảng 10% chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến biển.

Thông tin nhanh với phóng viên về biến động giá dầu, ông Nguyễn Đình Triểu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Sông Đốc cho biết: Trong một tuần từ cuối tháng 8 đến hết tuần đầu của tháng 9/2022, tại địa phương có xảy ra tình trạng thiếu dầu cục bộ tại một số điểm kinh doanh nhưng vài giờ sau dầu được vận chuyển về đại lý. "Thời điểm thiếu dầu, tàu cá đang quá trình vào bờ, nên chưa tác động đến ngư dân. Nhưng trong vài ngày tới, ngay chuyến ra khơi ngư dân phải bơm đầy nhiên liệu, việc ảnh hưởng là không tránh khỏi"-ông Triểu nhận định.

Trước tình hình biến động giá dầu theo chiều hướng bất lợi cho ngư dân, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, Đỗ Chí Sĩ cho biết: Ngay khi tiếp nhận thông tin giá dầu tăng, lực lượng chuyên trách của đơn vị đã tỏa ra các địa phương ven biển để tìm hiểu, nắm bắt thêm thông tin từ ngư dân và sẽ có báo cáo cụ thể tình hình với lãnh đạo tỉnh. Trước mắt, theo nhận định của chúng tôi, với mức giá tăng thêm khoảng 1.000 đồng/lít, những chủ tàu khai thác lâu ngày và tiềm lực tài chính yếu sẽ khó lòng cầm cự. Họ hoặc là đậu tàu để chờ giá dầu giảm, hoặc bán tàu, cho thuê tàu để chuyển nghề khác. Còn ngược lại với những chủ tàu tiềm lực tài chính mạnh, khả năng cao họ sẽ tiếp tục ra khơi, duy trì nghề để còn cơ hội gỡ lại và để giữ chân lao động đi biển.

Giám đốc Sở Công thương Cà Mau, Nguyễn Văn Đô cho biết, từ ngày 6/9 đến nay, tình trạng thiếu dầu cục bộ tại một số đại lý kinh doanh xăng dầu không còn. Sau một tuần tăng cường kiểm tra, lực lượng liên ngành của sở chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng trục lợi. Tuy vậy, cũng lần đầu giá dầu ở Cà Mau cao hơn giá xăng, chắc chắn tác động không nhỏ đối với ngư dân khai thác xa bờ, cả những nhà thầu công trình sử dụng nhiều nhiên liệu là dầu nhưng không ký hợp đồng trước với đại lý kinh doanh xăng dầu"...-ông Đô khẳng định.