Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, kinh tế đất nước tăng trưởng thấp so những năm trước đây; nhân dân đang khó khăn về thu nhập do hậu quả Covid-19 gây ra. Nguyên nhân chính do các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội, đầu tư nhà nước đều chậm và thấp do nhiệm vụ, kế hoạch được giao. Đầu tư công là một trong những cứu cánh quan trọng để giúp chúng ta vượt qua khó khăn, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần tăng trưởng. Trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương cả nước rất lớn trong điều hành đất nước. Nhất là, chúng ta phải tập trung GNVĐTC gần 28 tỷ USD, tương đương 633 nghìn tỷ đồng.
Tình trạng nhận vốn nhưng không tổ chức thực hiện, chậm giải ngân đã diễn ra nhiều năm, nhiều nơi. Năm nay có tiến bộ hơn trong giải ngân nhưng vẫn là rất thấp, còn số vốn lớn chưa được giải ngân ở các cấp, ngành. Hội nghị nhằm tìm nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, kém cỏi trong GNVĐTC, kể cả vốn ODA. Khách quan nào dẫn đến tình trạng này? Đặc biệt chủ quan chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, kể cả các BQL dự án. Phải tìm ra được nguyên nhân chủ quan là chính, không phải khách quan là chính, để có trách nhiệm trước nhân dân trong việc sử dụng vốn nhà nước trong sự phát triển ngành, địa phương của mình. Tại sao có cùng cơ chế, chính sách nhưng có địa phương giải ngân tốt, có địa phương ì ạch giải ngân chậm. Phải chăng là sự quan liêu thiếu trách nhiệm, lãnh đạo địa phương không trực tiếp giải quyết tháo gỡ khó khăn?
Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải ngân chậm không thể đổ tại khách quan; chúng ta phải quyết tâm GNVĐTC 100%, do đó yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo ngành, các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước. Chúng ta cần thảo luận, đưa ra chế tài nào áp dụng cho người đứng đầu tỉnh, thành phố trong việc chậm giải ngân. Phải đưa ra chế tài là hết sức cần thiết. Phải điều chuyển vốn đầu tư công từ địa phương này sang địa phương khác, từ ngành này sang ngành khác, công trình này sang công trình khác; đồng thời phải có chế tài khác như đánh giá về thi đua khen thưởng.
Chúng ta phải nêu kinh nghiệm tốt của từng địa phương để nhân rộng, áp dụng phù hợp. Thủ tướng nêu kinh nghiệm tốt từ Ninh Bình trong thực hiện GNVĐTC với tỷ lệ cao, từ đó đề nghị các địa phương phải tích cực, kể cả Bí thư, Phó Bí thư Thường trực phải hỗ trợ Chủ tịch UBND tỉnh, huyện xuống vận động ở cấp huyện trong giải phóng mặt bằng (GPMB).
Thủ tướng cho rằng, bệnh quan liêu, xa dân làm ảnh hưởng tiến độ trong công tác này, nhất là GPMB. Thủ tướng nhất trí Hội nghị này sẽ đưa ra chế tài mạnh trong điều hành, xử lý đối với các bộ, ngành, địa phương; nhất là cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, có tình trạng lãnh đạo "ngại đơn, thư", do đó Bí thư, Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND phải tích cực "xắn tay" vào việc. Chậm nhất một lần/tháng phải họp giao ban, kiểm tra. Các đoàn kiểm tra T.Ư, kể cả Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, lãnh đạo các ngành, địa phương phải đi kiểm tra công tác này. Hội nghị này phải nêu ra được vướng mắc trong GNVĐTC ở điểm nào, điều nào Nghị định nào, chỉ ra các mâu thuẫn giữa các luật, Nghị định... không chỉ nói "vướng mắc, vướng mắc" mà phải nói giải pháp cụ thể.
Hội nghị này phải giải quyết được "ba cái đọng": Không được để vốn đọng, không được để có tiền mà không tiêu được; không được để nợ đọng, hạng mục thi công xong, dự án hoàn thành mà không quyết toán; không được để nợ đọng thủ tục dự án - một vấn đề phổ biến hiện nay. Vấn đề là chế độ giao ban, kiểm tra, đôn đốc, tập trung chỉ đạo những vấn đề nóng bỏng; không để tình trạng "biết rồi nói mãi". Phải có biện pháp, chế tài mạnh để điều hành, xử lý, giải quyết vấn đề GNVĐTC. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng sáu tháng cuối năm của các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã phải tích cực, có trách nhiệm trong vấn đề này.
Chúng ta phải thảo luận, rút kinh nghiệm để việc GNVĐTC tốt hơn, không thể nói chung chung, không được tình trạng trì trệ trong GNVĐTC. Nếu chúng ta không cương quyết thì tình trạng này còn kéo dài. Sau hội nghị này, các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục giao ban thường xuyên về tiến độ GNVĐTC.
Tại Hội nghị, các bộ, địa phương đã trình bày tình hình thực hiện GNVĐTC; nêu các khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan những giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân từ nay đến cuối năm.
* Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân sáu tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao); trong đó: vốn trong nước là 145.270,055 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061,952 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065,181 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch). Mặc dù các cấp, ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GNVĐTC, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm vẫn thấp so yêu cầu. Có ba bộ, cơ quan T.Ư và chín địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan T.Ư và ba địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có bảy bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia: Dự án cao tốc bắc - nam phía đông: Theo Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng trên tổng số 8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%. Cụ thể, đối với ba dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu) giải ngân 1.014 tỷ đồng trên tổng số 3.400 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 29,82%.
Đối với năm dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư - PPP (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) giải ngân 1.338 tỷ đồng trên tổng số 3.016 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 44,36%.
Đối với ba dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19-6-2020 giải ngân (chỉ GPMB do chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án) 1.085 tỷ đồng trên tổng số 2.554 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 42,48%. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14. Như vậy, tiến độ thực hiện dự án và giải ngân cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra.
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành: Dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng, lũy kế vốn bố trí từ kế hoạch năm 2018-2020 là 18.195,035 tỷ đồng. Tại khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, Quốc hội đã quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Đồng thời, tại Báo cáo số 3696/BCUBND ngày 3-4-2020, UBND tỉnh Đồng Nai cam kết giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2020. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân là 689,923 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 1.827,391 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch được giao.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai tại văn bản số 8162/BCUBND ngày 14-7-2020, trong sáu tháng cuối năm 2020, sẽ hoàn thành toàn bộ công tác GPMB và bàn giao đất khu vực ưu tiên 1.810 ha trong năm 2020; tiếp tục kiểm đếm, lập phương án bồi thường khu vực còn lại trong năm 2020, bàn giao mặt bằng trong quý II-2021.
Như vậy, tỷ lệ GNVĐTC đã giao của Dự án đạt mức rất thấp, khó có khả năng hoàn thành GPMB, bàn giao đất và giải ngân hết kế hoạch vốn ngân sách T.Ư được giao như đã như cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai và quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội...
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Dự án đã được Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2020 là 932 tỷ đồng. Hiện nay đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến đến ngày 20-8-2020 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế.
Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công sáu tháng năm 2020 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm
Việc GNVĐTC chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: Công tác GPMB, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên...
Bên cạnh đó, niên độ ngân sách Nhà nước là một năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, cho nên kế hoạch thực hiện, thì công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.
Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tiến độ GNVĐTC, đó là những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn, cho nên các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, đời sống người dân, cho nên, GNVĐTC không chỉ đơn thuần góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở kinh tế hạ tầng mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân.
GNVĐTC là "cứu cánh" trong bối cảnh với đại dịch Covid-19, do đó, phải nhận thức ý nghĩa này để có quyết tâm chính trị cao hơn nữa của mọi cấp ủy, chính quyền các địa phương; từ đó thấy rõ trách nhiệm của các Tỉnh ủy, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố để có hành động quyết liệt.
Thủ tướng nêu rõ, năm nay, chúng ta phải giải ngân 28 tỷ USD, tương đương hơn 633 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các địa phương chiếm gần 80%, T.Ư và các bộ, ngành hơn 20%. Qua đây cho thấy, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, nhiều bất cập, nhất là giải ngân vốn ODA là tệ nhất. Giải ngân thời gian qua là kém, nhưng năm nay, giải ngân tốt hơn năm trước. Bên cạnh đó, nhiều địa phương làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể nhưng nhiều địa phương còn trì trệ, không năng động, không chỉ đạo, không bám vào để chỉ đạo. Thủ tướng yêu cầu "không nói chung chung", phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, người trực tiếp làm. Chúng ta phải nhận thức rõ được những bất cập tồn tại để quyết liệt hơn.
Thủ tướng đề nghị các địa phương cần học tập, trao đổi kinh nghiệm để có biện pháp mạnh mẽ hơn. Bên cạnh tháo gỡ khó khăn thì các địa phương phải tập trung hỗ trợ cho đầu tư xã hội, vốn đầu tư tư nhân, FDI. Những địa phương có đầu tư FDI, tư nhân thì phải tập trung tháo gỡ; không được phân biệt đầu tư công với đầu tư tư nhân.
Về biện pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cả nước, từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước trong GNVĐTC, đầu tư tư nhân, FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm, quyết tâm khắc phục tồn tại để làm tốt hơn GNVĐTC, đầu tư xã hội. Các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương phải có chương trình hành động cụ thể trong việc GNVĐTC và đầu tư xã hội; chương trình này phải được viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm người đứng đầu phải được xem xét, đánh giá cán bộ. Chỉ còn 25 đến 26 tuần nữa là kết thúc năm 2020; do đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương báo cáo hai tuần một lần về tình hình giải ngân.
Với luật pháp hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không giải ngân được sang có khả năng giải ngân, nhất là nguồn vốn T.Ư, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA bắt đầu từ đầu tháng 8 tới; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra; xử lý ách tắc từng địa phương, từng ngành, đưa ra những biện pháp cần thiết. Tỉnh kiểm tra đến huyện, xã; T.Ư sẽ kiểm tra các bộ, ngành trọng điểm, nhất là các tỉnh giải ngân chậm. Phân công trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc cụ thể; phải lo làm việc, nếu trì trệ sẽ bị kiểm điểm. Việc giải ngân gắn với thi đua khen thưởng, kỷ luật; đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ; đi liền kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan không hoàn thành nhiệm vụ. Phải có chế tài nghiêm, không thể để tình trạng "ngâm" mãi, không chịu giải ngân, có khối lượng mà không thanh toán. Các địa phương phải đôn đốc, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.
Công khai, minh bạch, biểu dương những ngành, đơn vị, địa phương làm tốt; phê bình, lên án công khai trên báo chí, truyền hình những ngành, địa phương không làm tốt. Lãnh đạo huyện phải biết vướng giải tỏa mặt bằng do đâu, do ai? Việc này cần phải được làm nghiêm, thể hiện phẩm chất, năng lực cán bộ trong thực thi công vụ. Kiên quyết xử lý các bộ phận, cá nhân vô trách nhiệm. Một số bộ cũng còn chậm xử lý, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Về GPMB, Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Phó Bí thư Thường trực phải hỗ trợ các Chủ tịch UBND huyện, xã trong quá trình GPMB; thảo luận với dân, công khai phương án đền bù với dân, có phương án, chế độ thỏa đáng; không để tình trạng "ù lì", không giải quyết công việc. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mới thuyết phục dân bàn giao mặt bằng bởi đây là khâu yếu, chậm hiện nay. Nếu không GPMB được thì cũng phải điều chuyển vốn.
Về thủ tục, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành T.Ư tạo mọi điều kiện thủ tục cho địa phương thực hiện giải ngân; tiếp tục phân cấp, phân quyền công khai, minh bạch, không được để tình trạng "ngâm" hồ sơ quá một tuần ở các bộ. Văn phòng Chính phủ kiểm tra các hồ sơ bị chậm trễ. Phải làm việc cụ thể từng dự án xem chậm chễ ở khâu nào, do đâu? Việc phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề thủ tục là quan trọng.
Thủ tướng đề nghị, ngoài việc đẩy mạnh GNVĐTC cũng phải tích cực chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản là hết sức quan trọng. Chính phủ, các bộ, ngành sẽ kiểm tra địa phương; các địa phương sẽ kiểm tra đến cấp huyện, xã thúc đẩy quá trình đầu tư công thành công. Đây là giải pháp tổng hợp để xử lý vấn đề khó khăn của đất nước trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.