“Bóng ma” tín dụng đen
Thời gian gần đây, cụm từ “tín dụng đen” xuất hiện khá thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, và cả qua những lời “truyền miệng” của người dân. Tín dụng đen tồn tại dưới muôn hình vạn trạng và phần lớn trong đó gắn với tội phạm, hoạt động dưới nhiều hình thức tinh vi. Chia sẻ về những hình thức hoạt động của tín dụng đen, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết: Tín dụng đen núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, khi là công ty đăng ký lĩnh vực ngành nghề một đằng nhưng hoạt động một nẻo, khi lại là công ty “treo biển” công ty tài chính nhưng thực chất là không có giấy phép hoạt động chuyên ngành. “Và song hành với các ổ nhóm tín dụng đen là các công ty đòi nợ thuê. Tại tỉnh Lâm Đồng hiện có tới 17 công ty đòi nợ thuê và phần lớn là dính đến tín dụng đen, hoạt động của họ rất phức tạp. Chúng tôi đang buộc phải rà soát và đánh giá lại thực trạng hoạt động của các công ty đòi nợ thuê này” – ông Nguyễn Văn Yên cho biết.
Còn tại Đác Nông, theo báo cáo từ Công an tỉnh, hiện trên địa bàn có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ; trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen. “Các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay,… Nhưng ngược lại, người vay sẽ phải trả lãi suất rất cao từ 200% đến 365%/năm. Nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con; hoặc đã phải bán nhà, bán cửa để trả nợ sau khi bị nhóm đòi nợ thuê khủng bố tinh thần, o ép, đe dọa” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Trần Xuân Hải cho biết thêm.
Trước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và đời sống của người dân, cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động thành lập Đoàn khảo sát tại một số tỉnh, thành phố có nhu cầu vay tiêu dùng lớn, tập trung đông công nhân lao động và hoạt động tín dụng đen phức tạp (như Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đác Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa). Qua đó, để nắm bắt thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng và thực trạng tín dụng đen; từ đó có giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng lành mạnh, an toàn và hiệu quả, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đời sống chính đáng cho người dân.
Theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng, dù hệ thống ngân hàng đã có nhiều nỗ lực nhưng việc triển khai các sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do phần lớn người dân (ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa) ngại tiếp xúc với ngân hàng và chưa quen sử dụng các sản phẩm cho vay linh hoạt theo hạn mức tín dụng, sản phẩm thấu chi tài khoản, thẻ tín dụng mà các NHTM đã đẩy mạnh triển khai thời gian qua. Hầu hết các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống của NHTM vẫn yêu cầu khách hàng phải có tài sản bảo đảm (trong khi thủ tục đăng ký thế chấp tại các phòng tài nguyên môi trường thường kéo dài 15 đến 20 ngày) hoặc cần thời gian để xác nhận bảo lãnh của tổ chức nơi người lao động làm việc, học tập.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thời gian qua, mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên người dân vẫn cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp, nên đã tìm đến các đối tượng cho vay nhanh chóng, thủ tục đơn giản. Mặt khác, các đối tượng là công nhân các khu công nghiệp, người lao động nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ nên khó khăn cho các ngân hàng khi thẩm định cho vay. Việc cho vay tiêu dùng đối với đối tượng công nhân này hiện chủ yếu được thực hiện bởi các công ty tài chính.
Mở rộng cho vay tiêu dùng
Thực tế cho thấy, việc giải quyết nạn tín dụng đen luôn là một bài toán khó không chỉ của riêng Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, bởi nó đòi hỏi cần phải có các giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, cho vay tiêu dùng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp. “Thực tế, lãi suất của các hình thức cho vay tiêu dùng từ ngân hàng hay các tổ chứ tài chính hiện nay dù được cho là cao nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với tín dụng đen và được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận giữa người cho vay và đi vay. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng cũng không đi kèm các hệ luỵ như tín dụng đen” – TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần phải có rất nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Theo đó, cần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với cho vay tiêu dùng; tăng cường mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức cũng như vai trò của cho vay tiêu dùng. Đặc biệt, cần phải có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như giáo dục tài chính; đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về cho vay tiêu dùng.
Hiện nay, nhu cầu vay vốn ngoài xã hội có thể nói là còn khá nhiều. Tuy nhiên, không phải người vay nào cũng đáp ứng đầy đủ điều kiện của ngân hàng. Tổng Giám đốc ngân hàng OCB Nguyễn Đình Tùng thừa nhận, trong xã hội không phải ai cũng là người làm công ăn lương, có thu nhập ổn định,… nhưng những người này vẫn có nhu cầu mua xe hoặc vay tiền để kinh doanh nhỏ lẻ. Đây là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Và lượng khách hàng như thế này chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Sự ra đời của các công ty tài chính để phục vụ lượng khách hàng như vậy là rất cần thiết cho xã hội. “Vì vậy theo tôi, nên có cơ chế khuyến khích các công ty tài chính thành lập nhiều hơn bởi mức độ cạnh tranh càng cao thì khách hàng càng có cơ hội sử dụng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng với giá rẻ. Nhưng đi cùng với đó là phải tăng cường cơ chế quản lý, kiểm soát, giám sát hoạt động” – ông Nguyễn Đình Tùng nêu rõ.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, cần phải dẹp bỏ tín dụng đen bằng cách cấp phép, tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động minh bạch nhưng chịu sự giám sát của NHNN và các cơ quan khác. Thực tế hiện nay, các công ty tài chính đang làm gia tăng thêm cơ hội cho người dân tiếp cận tín dụng tiêu dùng với các thủ tục đơn giản. “Nhu cầu trong nền kinh tế hiện tại rất lớn, nhất là với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình, học sinh sinh viên,… Nếu không có cho vay tiêu dùng, tín dụng đen sẽ phát triển nhanh khủng khiếp, trở thành vấn đề như của Hàn Quốc cách đây 20 năm. Khi đó, Chính phủ nước này đã phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để giảm tối đa tín dụng đen vốn tạo ra nhữngg bất ổn cả về xã hội và thị trường tiền tệ” – TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch - Tổng Giám đốc FE Credit Kalidas Ghose, tài chính tiêu dùng không chỉ giúp hạn chế tín dụng đen mà còn thiết lập hành vi tài chính lành mạnh cho khách hàng. Theo đó, tài chính tiêu dùng giúp người vay tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn nhằm cải thiện cuộc sống, phát triển kinh doanh. Mặt khác, nó cũng giúp kích cầu bán lẻ trong thị trường tiêu dùng khi khách hàng có thể chi tiêu nhiều hơn nhờ được hỗ trợ bởi các khoản vay tiêu dùng. Thông qua cách này, tài chính tiêu dùng cũng góp phần hỗ trợ các ngành khác cùng phát triển. Ngoài ra, các giải pháp và nền tảng cho vay số hóa được giới thiệu gần đây cũng sẽ thiết lập một hệ sinh thái tài chính số cho Việt Nam, đẩy mạnh thanh toán điện tử. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giảm thiểu sử dụng tiền mặt vào năm 2020 của Chính phủ Việt Nam.
Hiện nay, đối tượng và phương thức cho vay của ngân hàng và công ty tài chính khác nhau nên mức độ rủi ro của khoản vay cũng rất khác nhau. Các công ty tài chính hướng đến nhóm đối tượng dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản bảo đảm, thủ tục lại đơn giản, nhanh chóng,… Do đó, đi kèm với rủi ro lớn, chi phí đầu vào và chi phí phục vụ cao thì buộc các công ty tài chính cần được áp mức lãi suất cao tương ứng. Điều này cũng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích hai bên. Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (NHNN) Phạm Xuân Hòe. |