Song để biến tiềm năng này thành hiện thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền các tỉnh trong khu vực và các nhà đầu tư tâm huyết, trách nhiệm.
Trực tiếp khảo sát, nắm bắt tại thực địa là Trạm đo sức gió tại xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) vào một ngày đầu tháng 6 vừa qua, ông Miguel A. Rodriguez, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Siemens Gamesa, cho biết: Qua khảo sát của chúng tôi tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, mức gió đều đạt hơn 6m/giây; riêng tại huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên, mức gió đạt cao ở mức 7m/giây. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió tại khu vực Tây Bắc là rất lớn.
Thông tin thêm về tiềm năng điện gió tại tỉnh, Giám đốc Sở Công thương Điện Biên Vũ Hồng Sơn cho biết: Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn và Viện Năng lượng, nhiều khu vực trong tỉnh có vận tốc gió trung bình 7m/giây đến 10m/giây ở độ cao 100m, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác điện gió. Cụ thể, tại các dãy núi thuộc xã Keo Lôm, Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) có tốc độ gió trung bình hơn 7,93m/giây.
Khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang thuộc xã Na Ư và xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) tốc độ gió trung bình hơn 7,81m/giây; khu vực các xã: Mường Mươn, Na Sang (huyện Mường Chà) tốc độ gió trung bình 7,68m/giây; dãy núi khu vực đèo Tằng Quái thuộc các xã: Mường Đăng, Ẳng Cang, Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) có tốc độ gió trung bình 7,7m/giây; thị xã Mường Lay và khu vực đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo) có tốc độ gió trung bình từ 7,24 đến 7,7m/giây. Nếu có thể khai thác điện năng từ gió tại các khu vực này thì tổng công suất điện gió tại Điện Biên có thể đạt gần 3.000MW.
Cũng địa hình núi cao do được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc-đông nam và có xu hướng thấp dần từ bắc xuống nam, nghiêng dần từ tây sang đông, do vậy một số khu vực trong tỉnh Lai Châu có tiềm năng phát triển điện gió, như: Khu vực huyện Nậm Nhùn có vận tốc gió từ 6 đến 18m/giây; khu vực giáp ranh huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên có vận tốc gió từ 9 đến 12m/giây. Tổng công suất điện gió có thể khai thác ở hai địa bàn này gần 150MW.
Nhận thấy tiềm năng và tầm quan trọng nguồn điện gió trong khu vực, thời gian qua các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, như: Điện Biên, Lai Châu đã chủ động kêu gọi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào nghiên cứu, khảo sát đề xuất triển khai các dự án điện gió. Thời điểm hiện tại, có bốn nhà đầu tư, gồm: Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Tập đoàn Bamboo Capital; Công ty Wind Power Development A/S; Công ty TNHH Long Sơn; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và Giao thông đủ điều kiện được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió trên địa bàn với tổng công suất của bốn nhà đầu tư là 1.480MW. Tại tỉnh Lai Châu cũng đã có một số nhà đầu tư đang nghiên cứu để thực hiện khảo sát và đầu tư xây dựng dự án điện gió tại các huyện: Nậm Nhùn, Than Uyên, Tân Uyên và Sìn Hồ.
Đánh giá cao tiềm năng điện gió tại khu vực Tây Bắc, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), thông tin: Phát huy tiềm năng điện gió của khu vực Tây Bắc là phù hợp nhu cầu sử dụng điện tại khu vực, đồng thời giải tỏa công suất từ khu vực Tây Bắc về phía trung tâm phụ tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Không những thế, nguồn điện gió này còn góp phần quan trọng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng núi còn rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, trong quy hoạch điện 8, chúng tôi sẽ xem xét tăng cường thêm nguồn cung năng lượng tái tạo với nguồn cung đặc biệt là các dự án điện gió ở Tây Bắc.
Với Điện Biên, việc phát triển các dự án điện gió còn tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng an ninh tại địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô phân tích: Kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn lại xa trung tâm kinh tế là hạn chế về lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Song nếu khai thác được tiềm năng điện gió với công suất gần 1.500MW thì mỗi năm tỉnh nghèo Điện Biên có thêm nguồn thu vào ngân sách gần 1.500 tỷ đồng. Và chắc chắn nguồn thu này góp phần quan trọng, ý nghĩa giúp Điện Biên có nguồn lực hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương thực hiện các mô hình xóa nghèo, làm giàu, xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Tây Bắc.
Đề án quy hoạch điện 8 có nội dung phân bổ cơ cấu nguồn, xác định đến năm 2030, nguồn điện từ năng lượng tái tạo như: điện gió, mặt trời, điện sinh khối sẽ chiếm khoảng 25% tổng quy mô công suất nguồn và đến năm 2045 đạt hơn 42%.
Như vậy, việc sớm bổ sung nguồn điện gió khu vực Tây Bắc vào quy hoạch điện 8 rất cần thiết, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế-xã hội của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc với các tỉnh, thành phố trong cả nước ■
Bài, ảnh: LÊ LAN và TRẦN TUẤN