Tinh gọn tổ chức các đơn vị tuyên giáo và dân vận

Mô hình ban tuyên vận xã, phường và tổ tuyên vận thôn, bản của Tỉnh ủy Lào Cai là cách làm sáng tạo, với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo quán triệt, thực hiện nghị quyết của Ðảng tại cơ sở. Sau gần mười năm hoạt động, mô hình góp phần thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ của địa phương, đồng thời là kinh nghiệm trong thực hiện đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Lãnh đạo xã Bản Sen (Mường Khương - Lào Cai), trao đổi kỹ thuật trồng chè cao sản với người dân. Ảnh: LA VĂN TUẤT
Lãnh đạo xã Bản Sen (Mường Khương - Lào Cai), trao đổi kỹ thuật trồng chè cao sản với người dân. Ảnh: LA VĂN TUẤT

Là hai cơ quan có nhiều nhiệm vụ tương đồng nên việc sắp xếp mô hình tổ chức các đơn vị thực hiện công tác tư tưởng, tuyên giáo và dân vận của Ðảng đang được nhiều cấp ủy, chính quyền, đơn vị quan tâm. Nhưng để có mô hình đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu quả, vẫn còn những ý kiến khác nhau.

Thống nhất chỉ đạo

Bác Cồ Bá Thìn, Tổ trưởng Tổ tuyên vận thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát cho biết, sau nhiều cố gắng, nỗ lực, tổ công tác đã vận động người dân trong bản xóa bỏ tục lễ "ra nắng" trong đám tang của người H’Mông. Ðây là một trong những hủ tục tồn tại lâu đời, đồng bào thường đưa người đã mất ra đồi nương phơi nắng rồi mổ trâu làm lễ, trước khi chôn cất. Trong nhiều năm, nhiều thế hệ cán bộ xuống tuyên truyền, vận động nhưng chưa bỏ được.

Theo đồng chí Dương Ðức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, có được kết quả trong công tác vận động người dân tại thôn Tả Phìn như vậy là nhờ sự đổi mới về mô hình tổ chức công tác tuyên giáo và vận động nhân dân tại cơ sở. Trước năm 2012, tại các xã, phường tỉnh Lào Cai tồn tại song song hai đơn vị phụ trách công tác tuyên giáo và dân vận là Ban Tuyên giáo và Khối Dân vận. Quá trình hoạt động tại cơ sở, mô hình này đã phát sinh nhiều bất cập. Ðó là, thành phần tham gia trùng nhau, hoạt động không thường xuyên, có biểu hiện hình thức, bỏ sót việc, tuyên truyền chồng lấn, thậm chí không ít nơi thiếu thống nhất trong tuyên truyền vận động... Nhận thức rõ hạn chế, năm 2012, Tỉnh ủy Lào Cai triển khai mô hình ban tuyên vận xã, phường và tổ tuyên vận thôn, bản. Ðây không phải là sự lắp ghép cơ học mà là hợp nhất hai đơn vị tuyên giáo và dân vận, bảo đảm tính thống nhất trong công tác lãnh đạo và điều hành công tác tư tưởng, tuyên truyền và dân vận của Ðảng ở cơ sở.

Theo Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng, mô hình tuyên vận giúp cấp ủy cấp trên thống nhất chỉ đạo công tác tuyên truyền và vận động nhân dân ở cơ sở, giải quyết nhiều vướng mắc. Mường Khương trước đây là điểm nóng về tình trạng xâm lấn, phát rừng để làm nương, vi phạm sử dụng đất lâm nghiệp, đất có rừng. Nhưng hầu hết các vụ việc chỉ được cấp ủy, chính quyền xã xử phạt hành chính, không đủ răn đe. Ðể chấn chỉnh, Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn triển khai quyết liệt công tác bảo vệ rừng. Cùng với đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân thì những trường hợp (kể cả người thân cán bộ) cố tình sai phạm, đều đề nghị cơ quan chức năng khởi tố. Cùng với xử lý nghiêm, Huyện ủy vận động cán bộ quyên góp, dành tiền lương đưa tới các gia đình khó khăn chia sẻ với người dân. Với những giải pháp đó, đồng bào cam kết không phá rừng làm nương, không chặt gỗ trái phép, đồng thời tích cực nhận trồng và bảo vệ rừng.

Giảm đầu mối, gọn tổ chức

Ðánh giá về kết quả hoạt động của mô hình tuyên vận tại cơ sở, đồng chí Dương Ðức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, công tác triển khai nghị quyết của cấp ủy, chính quyền tại cơ sở hiệu quả hơn, do đặc điểm vừa tuyên truyền kết hợp vận động, cầm tay chỉ việc phù hợp với điều kiện vùng có đông đồng bào dân tộc. Sau gần 10 năm thực hiện, Ban Tuyên vận, Tổ tuyên vận đã kết nối các lực lượng ở cơ sở, thúc đẩy và xây dựng thành công hơn 3.700 điển hình "dân vận khéo" trên các lĩnh vực; việc nắm bắt dư luận xã hội kịp thời và sâu sát hơn. Trình độ, năng lực cán bộ cơ sở được nâng lên rõ rệt.

Xét về tổ chức bộ máy, mô hình tuyên vận hoàn toàn phù hợp với chủ trương tinh gọn về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Tại cấp xã, Ban Tuyên vận bố trí khoảng bảy thành viên. Tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố có ba thành viên (chi bộ quản lý nhiều tổ dân phố có thể bố trí năm thành viên) hoạt động kiêm nhiệm. Tổ trưởng tổ tuyên vận là bí thư hoặc phó bí thư chi bộ, các thành viên là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện Mặt trận Tổ quốc hoặc đoàn thể chính trị - xã hội, người có uy tín. So với trước đây, số lượng biên chế, chế độ chính sách đối với cán bộ cấp xã không thay đổi. Sự thay đổi về mô hình tổ chức là nền tảng để nội dung, phương pháp, cách thức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong khâu chỉ đạo, thực hiện, đánh giá. Quan trọng hơn, mô hình tuyên vận đã bố trí một cán bộ chuyên trách làm công tác đảng chịu trách nhiệm tham mưu, thực hiện công tác tư tưởng và vận động tại cấp xã nhưng vẫn không tăng biên chế, không tăng chế độ chính sách (trước đây không có).

Ðể giúp công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động mô hình tuyên vận tại cơ sở hoạt động tốt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (trực tiếp là Ban Chỉ đạo Công tác tư tưởng) luôn quan tâm sát sao, cụ thể. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chuyên trách công tác tư tưởng, hướng dẫn nội dung công tác tuyên vận. Ban Dân vận Tỉnh ủy phụ trách công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ kiến thức tuyên vận. Công tác tuyên vận được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của các huyện ủy, thành ủy trong tỉnh; lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy thường xuyên dự hội nghị tuyên vận tại cơ sở để kịp thời chỉ đạo, định hướng và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy về công tác tuyên vận. Trước yêu cầu của tình hình mới, Tỉnh ủy Lào Cai tiếp tục có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình tuyên vận như chỉ đạo xây dựng chức danh Phó ban Tuyên vận chuyên trách trong triển khai đề án vị trí việc làm tại các xã, phường thị trấn; tìm và bố trí các nguồn lực để hỗ trợ cán bộ làm công tác tuyên vận tại các địa bàn khó khăn...

Trên thực tế, dù chưa có địa phương nào áp dụng mô hình tuyên vận tại cơ sở như tỉnh Lào Cai nhưng đã có một số địa phương thí điểm hợp nhất hai cơ quan tuyên giáo và dân vận cấp huyện. Thí dụ như huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) và thị xã Quảng Trị (Quảng Trị). Theo báo cáo của các địa phương, mô hình thí điểm Ban Tuyên giáo - Dân vận đã dần ổn định, việc thực hiện một đầu mối lãnh đạo tạo thuận lợi trong điều hành, đề ra giải pháp và thống nhất thực hiện nhiệm vụ, hạn chế chồng chéo trong phân công nhiệm vụ. Tuy nhiên cũng có những vấn đề đặt ra như cơ chế chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chế độ chính sách, sắp xếp, bố trí cán bộ…

Tiếp tục triển khai công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đã chỉ ra, cũng là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào tháng 8/2021. Thực tiễn từ mô hình tuyên vận tại cơ sở của tỉnh Lào Cai là kinh nghiệm mà các địa phương có thể tham khảo trong quá trình nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức các đơn vị thực hiện công tác tư tưởng, tuyên truyền và dân vận của Ðảng ở các cấp.

Văn Toán, Quốc Hồng