Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương

Cụ thể hóa phong trào "Vùng 5 Hải quân, chung sức xây dựng nông thôn mới", thời gian qua, Tiểu đoàn ra-đa 551, Vùng 5 đã xây dựng thành công mô hình "Mỗi cơ quan, cá nhân gắn với một địa chỉ tình thương", giúp đỡ nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 615 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) giúp người dân chuyển téc nước sinh hoạt.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 615 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) giúp người dân chuyển téc nước sinh hoạt.

Các trạm ra-đa thuộc Tiểu đoàn 551 đóng quân trên các đảo Hòn Khoai, Nam Du, Phú Quốc, Hòn Chuối, Thổ Chu, Hòn Ðốc (tỉnh Kiên Giang). Ðời sống của nhân dân nơi các đơn vị đóng quân còn nhiều khó khăn. Hưởng ứng cuộc vận động của xã An Sơn, huyện Kiên Hải và xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) phát động, từ năm 2015, Trạm ra-đa 600 (Nam Du) và Trạm ra-đa 625 (Hòn Ðốc) đã thực hiện mô hình "Mỗi cơ quan, cá nhân gắn với một địa chỉ tình thương". Theo đó, cấp ủy, chỉ huy Trạm ra-đa 600 và Trạm ra-đa 625 phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân lựa chọn một địa chỉ trong số các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ.

Trung tá Nguyễn Trọng Hòa, Chính trị viên Tiểu đoàn 551 cho biết: Hằng tháng, các trạm trích từ quỹ tăng gia, chăn nuôi, mua 20 kg gạo tặng hộ dân đã được chọn. Thấy được hiệu quả, ý nghĩa của mô hình, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 551 tích cực hưởng ứng, tham gia. Mỗi trạm ra-đa đảm nhiệm hỗ trợ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Gia đình anh Lê Văn Giang, 44 tuổi, ở khóm 1, thị trấn Sông Ðốc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng anh Giang không có việc làm ổn định, có bốn con và nuôi thêm một cháu. Ðón nhận 25 kg gạo từ tay Thượng úy Hoàng Văn Thuận, Chính trị viên Trạm 615 trao tặng, anh Giang cảm động nói: "Gia đình tôi con, cháu đông; vợ chồng tôi làm thuê nhưng dịp này cũng ít việc, cho nên hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ các anh bộ đội Hải quân giúp đỡ, nhà tôi cũng đỡ phần nào khó khăn".

Bà Nguyễn Thị Hoa, 56 tuổi, sống một mình ở tổ 5, ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Bà bị khuyết tật, chân tay yếu, hạn chế khả năng lao động. Biết hoàn cảnh gia đình bà, hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 610 hỗ trợ bà 20 kg gạo. Những khi cần lợp lại mái nhà, rào lại vườn, hoặc các công việc nặng nhọc khác, Trạm đều kịp thời cử cán bộ, chiến sĩ xuống giúp đỡ bà. Bà Hoa chia sẻ: "Tôi sức khỏe yếu không làm được việc gì, nhà lại neo người. Nhờ có các anh bộ đội Hải quân giúp đỡ, nên tôi yên tâm hơn trong cuộc sống".

Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc Nguyễn Trọng Hồng cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy Trạm ra-đa 610 đã phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác dân vận. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, một hộ nghèo trong xã. Ðây là hoạt động rất thiết thực, phát huy truyền thống "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam.

Ðẩy mạnh việc thực hiện "Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương", hằng tháng, Ðảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 551 cùng cấp ủy, chỉ huy các trạm đưa nội dung thực hiện mô hình vào nghị quyết lãnh đạo công tác dân vận. Hằng tháng, hằng năm đều lấy kết quả hoạt động công tác dân vận là một nội dung tiêu chí quan trọng để bình xét, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp và cán bộ. Từ phong trào nêu trên, riêng năm 2020, toàn Tiểu đoàn đã quyên góp ủng hộ được 1.080 kg gạo.

Trung tá Nguyễn Trọng Hòa, Chính trị viên Tiểu đoàn 551 khẳng định: Ðảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát danh sách hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để triển khai mô hình một cách chặt chẽ, hiệu quả sát điều kiện thực tế của từng đơn vị. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm quyên góp, giúp đỡ để đẩy mạnh các hoạt động của mô hình, giúp đỡ nhân dân nơi đóng quân.

Bài và ảnh: Hoàng Minh

(Báo Hải quân)