Đàn voi rừng tiếp tục phá hoại hoa màu của người dân ở Đồng Nai

NDO -

NDĐT - Thời gian gần đây, đàn voi rừng liên tục vào khu dân cư, phá hoại hoa màu của nhiều hộ dân ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Trước tình trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã và đang phối hợp chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp để hạn chế thiệt hại do voi rừng gây ra và bảo đảm an toàn cho người dân, cũng như bảo vệ đàn voi rừng.

Đàn voi rừng vào nương rẫy người dân tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Đàn voi rừng vào nương rẫy người dân tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Gia đình ông Lê Quốc Việt, ở ấp 7, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán là một trong những hộ có diện tích hoa màu bị voi rừng phá hoại nhiều nhất. Với hơn 7 ha diện tích trồng chuối đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch, nhưng chỉ sau vài đêm gần đây, hàng nghìn buồng chuối đã bị đàn voi rừng quật ngã, khiến gia đình ông thiệt hại gần như hoàn toàn. “Thường đàn voi rừng đi từ ba con trở lên, quá trình chúng vào kiếm thức ăn đã quật ngã toàn bộ diện tích vườn chuối của gia đình tôi. Không chỉ nhà tôi mà nhiều hộ dân gần đây cũng bị voi rừng phá hoại rẫy hoa màu, với tần suất ngày càng nhiều”, ông Việt cho biết.

Cùng tình cảnh trên, rẫy xoài, chuối từ năm đến 12 năm tuổi của hộ ông Lê Ngọc Ẩn, ở ấp 5, xã Thanh Sơn cũng thường xuyên bị đàn voi rừng tấn công, thiệt hại khoảng 70%. “Việc đàn voi rừng thường xuyên vào khu nương rẫy không chỉ phá hoại hoa màu mà khiến tôi luôn trong tâm trạng thấp thỏm, lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng. Do vậy, tôi mong các ngành chức năng sớm có biện pháp để đàn voi rừng không ra khu vực nương rẫy nữa”, ông Ẩn nói.

Đàn voi rừng tiếp tục phá hoại hoa màu của người dân ở Đồng Nai ảnh 1

Nhiều diện tích rẫy chuối của người dân xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, bị đàn voi rừng phá hoại.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Thanh Sơn, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có ít nhất 96 lần, mỗi lần có từ hai đến chín cá thể voi rừng tấn công, phá hoại chòi, hoa màu của 65 hộ dân. Chỉ riêng từ tháng 10 đến nay, khi các rẫy chuối của người dân vào vụ thu hoạch đã có hơn 30 lần voi rừng về phá hoại.

Hậu quả, đã có năm căn chòi của người dân bị phá sập và hàng nghìn tấn hoa màu như: chuối, xoài, điều,…bị voi rừng phá, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. “Trước việc voi rừng thường xuyên vào khu nương rẫy của người dân, chính quyền địa phương cử lực lượng phối hợp Trạm Kiểm lâm địa bàn Thanh Sơn-Ngọc Định, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân sống ven rừng, nơi voi rừng thường xuyên xuất hiện, không nên ngủ buổi tối ở chòi trong nương rẫy. Đồng thời, sử dụng các dụng cụ, như: đèn pha, loa phóng thanh để xua đuổi voi vào rừng”, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Phạm Thị Hương cho hay.

Còn theo Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai Lê Việt Dũng, đơn vị đã cử lực lượng theo dõi chu kỳ hoạt động của đàn voi rừng để có giải pháp hỗ trợ người dân phòng tránh chúng. Ngoài ra, đối với các trường hợp nhà cửa, cây trồng bị voi rừng phá hoại sẽ tiến hành lập biên bản hiện trạng, đề xuất cơ quan liên quan hỗ trợ kinh phí.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, qua điều tra đã xác định được hiện nay đàn voi rừng ở Đồng Nai có 18 cá thể. Sau nhiều năm chậm triển khai khiến voi rừng liên tục bị sát hại, đến thời điểm này, Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020, đã hoàn thành giai đoạn 1, với số tiền đã giải ngân hơn 50 tỷ đồng, gồm: hệ thống hàng rào điện có chiều dài 50 km, đi qua các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán; tuyến đường cặp theo hàng rào điện và các chòi giám sát voi, bảng cảnh báo... Các hạng mục trên đã được bàn giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, Vườn quốc gia Cát Tiên quản lý, vận hành.

Đàn voi rừng tiếp tục phá hoại hoa màu của người dân ở Đồng Nai ảnh 2

Hệ thống hàng rào điện của Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai.

Hiện, UBND tỉnh Đồng Nai đã đồng ý về chủ trương xây dựng thêm 20 km hàng rào điện từ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu đến xã Thanh Sơn, huyện Định Quán để bảo vệ khoảng 9.000 ha đất nông nghiệp, với hơn 50 nghìn người dân. Chi cục Kiểm lâm đang khẩn trương lập báo cáo khả thi để trình các cơ quan chức năng phê duyệt thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng, hàng rào điện là một trong những biện pháp hạn chế xung đột giữa người và voi. Thế nhưng voi là động vật rất thông minh nên chúng sẽ tìm cách đối phó. Do vậy, dư luận đặt vấn đề khi được đầu tư hệ thống hàng rào điện đồng bộ, liệu đàn voi rừng còn vào khu dân cư hay không?.