Phóng sự này cho biết, tính đến đầu tháng 6, Việt Nam mới ghi nhận khoảng 330 trường hợp mắc Covid-19 và không có bất cứ trường hợp tử vong nào. Các số liệu thống kê này rất đáng chú ý đối với một quốc gia có dân số gần 100 triệu người và có chung biên giới với Trung Quốc. Kết quả này có được là nhờ Chính phủ Việt Nam đã hành động sớm và quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc giảm thiểu các tác động về kinh tế của dịch Covid-19 là công việc khó khăn hơn nhiều.
Theo NHK, ngay từ đầu, Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng họ đặt người dân lên trước nền kinh tế và thực hiện một loạt biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Ngay sau khi trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên được xác nhận tại Việt Nam vào cuối tháng 1, nhà chức trách nước này đã tiến hành cách ly những người nhiễm bệnh và bất cứ ai mà họ đã tiếp xúc. Vào đầu tháng 2, Chính phủ Việt Nam bắt đầu từ chối cấp phép nhập cảnh cho những người nước ngoài đã từng ở Trung Quốc trong 14 ngày trước đó. Vào tháng 3, dịch bệnh bắt đầu lan rộng, chủ yếu trong số những người trở về từ nước ngoài.
Để ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam bắt đầu cách ly tất cả những người nhập cảnh và từ chối cấp phép nhập cảnh cho tất cả công dân của các quốc gia khác. Ở những khu vực phát hiện các cụm lây nhiễm, chính quyền đã hạn chế sự di chuyển của người dân bằng cách khoanh vùng để dập dịch. Gần một triệu người trên toàn quốc đã bị cách ly. Và từ đầu tháng 4, Chính phủ Việt Nam đã hạn chế người dân đi ra đường nếu không cần thiết và đình chỉ hoạt động của các cửa hàng, ngoại trừ siêu thị và nhà thuốc. Kể từ giữa tháng 4, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng các lệnh cấm. Các trường học, cửa hàng bách hóa và phương tiện giao thông công cộng đều đã hoạt động trở lại ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí, giải bóng đá chuyên nghiệp cũng được phép tổ chức các trận đấu có khán giả.
Đài NHK dẫn lời ông Hasebe Futoshi, Giáo sư Viện Y học Nhiệt đới thuộc Đại học Nagasaki, nói Chính phủ Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt trước khi dịch bệnh bùng phát và khống chế thành công sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Giáo sư Hasebe giải thích, việc thiết lập nhanh chóng hệ thống xét nghiệm và tiến hành các biện pháp cách ly triệt để là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng khống chế dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Hasebe, hệ thống chính trị của Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khống chế dịch bệnh vì nó cho phép chính quyền thực thi các biện pháp hạn chế mang tính bắt buộc đối với người dân. Và việc hầu hết người dân đều tuân thủ là một nhân tố quan trọng.
Nhiều người dân ở Việt Nam đã đánh giá cao cách ứng phó với đại dịch của chính phủ. Kết quả thăm dò dư luận của công ty nghiên cứu lớn YouGov của Anh cho thấy, hơn 90% người Việt Nam cho rằng chính phủ đối phó rất tốt với dịch Covid-19. Mặc dù vậy, dịch bệnh này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã liên tục đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao, khoảng 7%/năm bằng cách tích cực thu hút vốn đầu tư và khách du lịch từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác, song trong quý đầu tiên của năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ là 3,8%. Những trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành dệt may, đã chứng kiến sự sụt giảm về số lượng các đơn hàng từ Mỹ và châu Âu, và do vậy, kim ngạch xuất khẩu của nước này đã giảm mạnh. Trong tháng 4, số lượng du khách đến nước này cũng giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái do việc siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới.
Trong các cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NHK và các phương tiện truyền thông quốc tế khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các biện pháp quyết liệt mà Chính phủ Việt Nam đã triển khai, đang phát huy tác dụng.
Thủ tướng nhấn mạnh "Chúng tôi không vì kinh tế mà bỏ qua cuộc sống của người dân. Đây là một loại virus rất nguy hiểm và chưa có vaccine để phòng ngừa. (Việc triển khai) các biện pháp quyết liệt là rất quan trọng. Thành công của chúng tôi trong việc nhanh chóng khống chế đại dịch sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch trở lại Việt Nam". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách giảm thuế và đưa ra các biện pháp ưu đãi khác.