Cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Hoàng Liên

NDO -

NDĐT- Tuy mới thành lập nhưng Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Sa Pa- Lào Cai) đã nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực để cứu hộ, bảo tồn và phát triển được nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và khu vực Tây Bắc.

Kiểm tra sinh trưởng của Cu li nhỏ ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên.
Kiểm tra sinh trưởng của Cu li nhỏ ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên), nằm trong một thung lũng, trên độ cao hơn một nghìn mét so với mực nước biển, bốn mùa lộng gió hòa lẫn mây trời, bên đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ. Chúng tôi đến Trung tâm, vào đúng lúc đang tiến hành đợt tổng kiểm tra thể chất và rà soát chế độ dinh dưỡng, điều kiện sinh sống của động vật hoang dã đang được nuôi dưỡng tại đây.

Hoàng Ngọc Phong, cán bộ thú y của trung tâm còn rất trẻ, đang khám sức khỏe và kiểm tra chế độ ăn của bốn cá thể cu li (lớn và nhỏ), đây là loài động vật hoang dã quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Anh Phong cho biết, những cá thể cu li này là do cơ quan kiểm lâm các địa phương và người dân bàn giao, hiến tặng cho Trung tâm trong tình trạng suy giảm thể chất, thậm chí bị thương. Với trách nhiệm được giao và tình yêu động vật, cán bộ và nhân viên tại đây đã cứu sống và nuôi dưỡng, chăm sóc những con cu li bé nhỏ thành công, sinh trưởng bình thường.

Được thành lập từ tháng 7-2014, Trung tâm có nhiệm vụ cứu hộ, tái thả động vật hoang dã quý hiếm và lưu trữ, bảo tồn nguồn gien các loại sinh vật quý hiếm, nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng. Trung tâm chỉ có 18 cán bộ, nhân viên, nằm cách xa thị trấn Sa Pa, ở trên núi cao, khí hậu khắc nghiệt, bên cạnh việc cứu hộ động, thực vật quý hiếm còn làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ hơn 30 ha rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Riêng về động vật, trong hai năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận 58 vụ, cứu hộ và bảo tồn 107 cá thể động vật hoang dã, thuộc 33 loài. Các cá thể động vật được cứu hộ như: gấu ngựa, cầy vòi, mèo rừng, cu li, đại bàng hoàng đế, gà lôi trắng, diều hoa… tất cả đều khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Đặc biệt là cá thể gấu ngựa, do một người dân ở Thành phố Lào Cai giao tặng trong tình trạng bị lấy mật liên tục nên suy kiệt đến mức không thể đi nổi, Nhưng nhờ được chăm sóc tốt cá thể gấu này đã hồi phục, sau hơn một năm đã tăng trưởng thêm 25 kg.

Không chỉ cứu hộ, Trung tâm còn bảo tồn, nhân giống thành công một cá thể Khỉ mặt đỏ bằng cách ghép đôi từ hai các thể khỉ bố mẹ, do cơ quan chức năng thu giữ từ ngoài xã hội bàn giao cho trung tâm.

Bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước, Trung tâm còn mở rộng liên kết với Hội động vật Luân Đôn (Anh) và Bảo tàng quốc gia Australia về nghiên cứu bò sát, lưỡng cư. Qua hai năm triển khai, đã tổ chức điều tra phân bố, tình trạng sinh thái loài Rùa đầu to tại VQG Hoàng Liên, từ độ cao 1.300m trở xuống ; điều tra loài lưỡng cư, phát hiện thêm cá thể thuộc hai loài đặc hữu là Cóc núi Sterling và Cóc mày, tại khu vực đai cao 2.800 mét của VQG Hoàng Liên; tập huấn về kỹ năng điều tra thực địa và chăn nuôi rùa, lưỡng cư cho cán bộ VQG Hoàng Liên…

Cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Hoàng Liên ảnh 1

Chuẩn bị thức ăn cho động vật hoang dã ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên.

Vườn quốc gia Hoàng Liên rộng hơn 28.509 ha, thuộc địa phận hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, được phân chia làm ba phân khu, gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu hành chính dịch vụ. Vườn có địa hình bị chia cắt mạnh khá đa dạng và phức tạp, bao gồm chủ yếu là núi cao và trung bình, nhiều đỉnh núi cao hơn 2.000m, cao nhất là đỉnh núi Phan Xi Păng cao 3.143 mét. Vườn được Tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học ASEAN công nhận là Vườn di sản ASEAN từ năm 2006. Tại đây hiện có 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 96 loài thú; 346 loài chim; 63 loài bò sát và lưỡng thê 50 loài, đặc biệt có loài Ếch gai rất hiếm vừa được phát hiện. Trong đó, có những loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như cu li, rùa đầu to, ếch cây, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa... Ngoài ra, VQG Hoàng Liên còn có nhiều loài côn trùng và loài bướm đẹp không những có giá trị bảo tồn mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ.

Không chỉ cứu hộ, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh vật ở Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên mà Trung tâm còn “vươn” ra cả khu vực Tây Bắc. Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên Lương Văn Hào kể câu chuyện kỹ sư lâm sinh Nguyễn Thành Chung một mình một xe máy, vượt quãng đường hơn 300km trong mùa đông giá rét, đến tỉnh Sơn La để cứu hộ một cá thể rùa quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao, từ người dân đi rừng bắt được. Cán bộ của Trung tâm còn “lặn lội” về Yên Bái để cứu hộ hai cá thể Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Sau thời gian nuôi dưỡng, cá thể khỉ mặt đỏ này đã sinh trưởng, phát triển tốt ở VQG Hoàng Liên.

Khó khăn nhất trong công tác bảo tồn, phát triển sự đa dạng sinh học tại VQG Hoàng Liên hiện nay là quy chế của Trung ương và tỉnh về cứu hộ, bảo tồn động vật chưa hoàn thiện, đầy đủ; chưa phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị, cá nhân tham gia trực tiếp vào công việc cứu hộ, bảo tồn và phát triển động- thực vật, giải quyết ngay các mâu thuẫn trong quá trình tiếp nhận, xử lý và lưu giữ, tái thả giữa các đơn vị hành pháp và chuyên môn. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng du lịch rất cao tại Sa Pa tác động mạnh đến môi trường sống của động vật hoang dã tại đây theo chiều hướng gây hại, cần được các quan tâm, khắc phục để bảo vệ và phát triển sự đa dạng sinh học ở VQG Hoàng Liên và khu vực Tây Bắc.