Bóng đá đôi khi thật kỳ lạ. Tại Tây Ban Nha, MU mang đến màn trình diễn cứng nhắc, buồn tẻ và trông giống như sẽ hài lòng với một trận hòa. Trong khi đó, Villarreal có tham vọng về một chiến thắng. Michael Carrick nói rằng ông có một kế hoạch. Đó là cách tiếp cận thận trọng, giảm thiểu rủi ro với ưu tiên giữ sạch lưới rồi hy vọng vào vận may.
Và vận may đã tới. Đột nhiên MU ghi bàn, đột nhiên họ trở thành người thắng cuộc và cầm trên tay tấm vé vào vòng knock-out với tư cách đầu bảng. Ronaldo có bàn thắng thứ 799, Jadon Sancho có bàn đầu tiên trong màu áo MU, và Carrick là huấn luyện viên người Anh đầu tiên thắng trận đầu dẫn dắt MU kể từ năm 1931.
Nhưng chưa hết. Fred, người bị chỉ trích suốt triều đại Solskjaer nay hóa người hùng. Năng nổ, toàn diện và còn hơn thế nữa, tiền vệ người Brazil ghi dấu ấn trong cả 2 bàn thắng. Mọi thứ thật tuyệt vời, và một số người bắt đầu nghĩ về một hợp đồng dài hạn cho Carrick, ít nhất là tạm quyền đến hết mùa giải. Dù sao thì MU cũng đang khó khăn trong việc tìm kiếm người thay thế.
Vậy Carrick đã làm gì trong chiến thắng? Trong buổi sáng thứ hai (22/11), huấn luyện viên 49 tuổi đã có cuộc trò chuyện riêng với Bruno Fernandes tại Carrington. Nội dung bao gồm việc đưa tiền vệ người Bồ Đào Nha lên ghế dự bị và Donny van de Beek được chọn. Hệ thống chiến thuật cũng được điều chỉnh thành 4-3-3, hoặc có thời điểm giống như 4-5-1.
Không có sự hờn dỗi từ Bruno, để khi vào sân cùng Marcus Rashford, anh mang đến sự cải thiện lớn cho mặt trận tấn công. Thái độ thi đấu cũng là một điểm đáng khích lệ bên cạnh cấu trúc phòng ngự có kỷ luật và vững chắc hơn. Họ gây áp lực hiệu quả và gặt hái phần thưởng.
Tuy nhiên, chẳng phải triều đại Solskjaer cũng bắt đầu như thế này sao? Khi ấy MU cũng thắng không chỉ 1 mà rất nhiều trận, năng nổ pressing và rất giỏi kết liễu đối phương. Lúc đó Solskjaer chỉ là huấn luyện viên tạm quyền. Mọi thứ chỉ dần trở nên tồi tệ khi ông nhận quyết định bổ nhiệm chính thức.
Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên, nhưng một nghiên cứu tại Premier League cho thấy, các huấn luyện viên tạm quyền có xu hướng mang lại thành công ngoài mong đợi. Ở Chelsea, Guus Hiddink từng giành Cúp FA ở lần tạm quyền đầu tiên, sau đó tạo nên kỷ lục về chuỗi bất bại dài nhất với một tân huấn luyện viên. Nhưng đó vẫn chưa là gì nếu so với Di Matteo, người thậm chí còn vô địch Champions League. Còn rất nhiều thí dụ khác, như Marco Silva ở Hull, Craig Shakespeare tại Leicester; hoặc mở rộng hơn, Jupp Heynckes ở Bayern và Peter Stoger, Edin Terzic tại Dortmund.
Thường thì các huấn luyện viên tạm quyền chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn và dồn sức cho từng trận đấu, thay vì lên kế hoạch cho cả mùa giải hoặc xa hơn nữa. Vì vậy không có cuộc cách mạng nào to tát khiến xáo trộn mọi thứ. Họ chỉ thực hiện các điều chỉnh nhỏ mà họ nghĩ là sai lầm ở triều đại trước, đồng thời thoải mái triển khai một số ý tưởng mới. Một điều quan trọng khác, họ cởi bỏ áp lực và khuyến khích các cầu thủ cùng đưa ra giải pháp.
Didier Drogba từng tiết lộ bí mật trong chiến thắng trước Barca ở bán kết Champions League 2012, rằng Jose Bosingwa đã bác bỏ ý kiến của Di Matteo và vạch ra kế hoạch chi tiết rằng ai nên đá vị trí nào. Không vấn đề gì, Matteo đồng ý tất cả. Sau đó, lịch sử được viết ra.
Tất nhiên không phải ai cũng may mắn sở hữu dàn hảo thủ lão luyện và chơi với nhau nhiều năm như Di Matteo đã có. Nhưng mọi huấn luyện viên tạm quyền đều có thể tin tưởng những học trò họ vừa tiếp quản sẽ chơi hết sức mình để chứng minh năng lực, rằng họ không có lỗi trong sự thất bại của huấn luyện viên cũ và xứng đáng có mặt trong đội hình của huấn luyện viên mới.
Tất cả tạo nên cái mà người ta gọi là hiệu ứng thay huấn luyện viên. Tuy nhiên điều này sẽ trôi qua nhanh chóng và câu lạc bộ sẽ trở lại hố sâu tuyệt vọng nếu không có kế hoạch dài hơi và một huấn luyện viên đủ tầm. MU cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy quên Carrick đi, công cuộc tìm kiếm người thay thế Solskjaer vẫn tiếp tục.