Cuộc sống mới vùng nông thôn Đồng Nai

Với nhiều chương trình đầu tư hiệu quả của Nhà nước, 37 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở Đồng Nai đã có những thay đổi đáng kể trong đời sống văn hóa, giáo dục. Những nếp nhà mới, tư duy mới, cuộc sống mới của hơn 200 đồng bào DTTS trong tỉnh đã cho thấy sự vươn lên làm giàu nơi đây.

Đường giao thông nông thôn được xây dựng đến từng thôn, bản của đồng bào DTTS ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Đường giao thông nông thôn được xây dựng đến từng thôn, bản của đồng bào DTTS ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Điếu Út, 39 tuổi, người dân tộc X'tiêng, ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành là một trong những gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Do biết cách làm ăn, hiện anh sở hữu 4,3 ha cây trồng các loại như: lúa, cao-su, điều, tràm... hằng năm thu nhập từ 130 đến 160 triệu đồng.

Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với vùng quê thuần nông còn nhiều khó khăn này. Điểu @t còn dự tính xa hơn: "Với 4,3 ha đất, sắp tới gia đình tôi sẽ trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng, cà-phê, tiêu. Kỹ thuật trồng các loại cây này đã được cán bộ kỹ thuật trạm khuyến nông xuống hướng dẫn. Khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như hệ thống tưới tiết kiệm, các giống cây trồng mới... chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật mà còn hỗ trợ khoảng 30% kinh phí để phát triển các loại cây trồng chủ lực theo định hướng của tỉnh".

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, trong những năm qua, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Đồng Nai đã vươn lên làm giàu. Nếu năm 2012 chỉ có 74 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với lợi nhuận 100 triệu đồng/năm, thì bước sang năm 2013, con số này tăng lên 780 hộ.

Đứng ở bờ ruộng bắp xanh mơn mởn, anh Ma Văn Thìn, dân tộc Tày, ngụ ấp 4, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc bộc bạch, gia đình anh có 2 ha ruộng. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương, anh áp dụng mô hình sản xuất "hai lúa, một bắp".

Sau khi thu hoạch hai vụ lúa xong, anh tiếp tục trồng bắp vụ đông xuân. "Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ 2 ha ruộng này hơn 100 triệu đồng. Nhờ tỉnh Đồng Nai đầu tư lưới điện về nông thôn, người dân luôn chủ động được nước tưới trong mùa khô. Đồng bào DTTS ở đây có việc làm quanh năm, không còn thời gian nhàn rỗi, do đó đời sống cũng dần đổi thay từng ngày. Ai nấy cũng phấn khởi", anh Thìn chia sẻ.

Theo khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, phần lớn đồng bào DTTS sống ở vùng nông thôn trong tỉnh, cuộc sống gắn với sản xuất nông nghiệp. Do đó, địa phương này đã tập trung nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào DTTS theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế của từng vùng để nâng cao đời sống kinh tế. Đồng thời, các huyện của tỉnh cũng xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật, áp dụng các giống mới năng suất cao, phát triển mô hình gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp đồng bào DTTS thay đổi phương thức sản xuất cũ, lạc hậu; xóa bỏ kinh tế tự cung tự cấp, năng suất thấp, chất lượng kém.

Đi trên những con đường nhựa hóa trong khu định canh, định cư của đồng bào các dân tộc tại xã Phú Túc, huyện Định Quán, ông Hoàng Văn Nga, dân tộc Mường nói: "Đời sống tinh thần và vật chất của bà con ở đây luôn được chính quyền địa phương quan tâm.

Ngoài kết cấu hạ tầng, người dân còn được hưởng thụ về văn hóa, học tập. Hiện, tất cả con em được đến trường, có nhiều người là con em đồng bào đi học xong đã về lại địa phương công tác ở xã, ở huyện, giúp người dân phát triển sản xuất".

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai Điểu Bảo cho rằng: "Để đời sống đồng bào DTTS ở Đồng Nai phát triển bền vững, ngoài việc hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ về vốn, đất đai, cây giống, vật nuôi, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển giáo dục con em đồng bào DTTS, phát triển và bảo tồn văn hóa của cộng đồng các dân tộc".

Ngoài phát triển kinh tế, Đồng Nai còn ban hành chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên là người DTTS theo học hệ đại học, cao đẳng chính quy giai đoạn từ năm 2012 -2016. Theo đó, mỗi sinh viên đại học được hỗ trợ 400 nghìn đồng/tháng, sinh viên cao đẳng 300 nghìn đồng/tháng, thời gian hỗ trợ là 10 tháng/năm học. Đến nay, trong toàn tỉnh có 2.200 sinh viên là con em đồng bào DTTS đi học được hỗ trợ tổng cộng 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn Đồng Nai hiện có nhiều trường học dành riêng cho con em đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, để giải quyết công ăn việc làm cho con em đồng bào các dân tộc, tỉnh còn phối hợp Trường cao đẳng Nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) đào tạo nghề, kết hợp giới thiệu việc làm khi các em ra trường.