Tuy nhiên, theo đánh giá, số lượng tàu vi phạm vẫn còn; hạ tầng cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, ý thức về tuân thủ các quy định IUU của người dân còn nhiều hạn chế... vẫn đang là những nguyên nhân khiến tấm "thẻ vàng" đối với hải sản của Việt Nam vẫn chưa được gỡ.
Tại cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển vào ngày 13/7 vừa qua tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đã đề ra quyết tâm chấm dứt tình trạng vi phạm các quy định về chống khai thác IUU vào năm 2022 để gỡ "thẻ vàng" của EC. Theo đó, lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển cần đề cao trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, trong đó hệ thống chính trị các địa phương cần hết sức chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thủy sản với các địa phương ven biển, các bộ, ngành có vai trò quan trọng như quốc phòng, công an, ngoại giao... Theo đó, Bộ Quốc phòng chủ trì mở đợt cao điểm trong năm 2021 để tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước; nghiên cứu, sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy bay không người lái… để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển có nguy cơ cao dẫn đến hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bộ Ngoại giao chủ trì, đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước bảo đảm an ninh chủ quyền trên biển, giảm tình trạng tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ trái phép tại khu vực này. Tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam, phối hợp nước sở tại thu thập thông tin, bằng chứng tàu cá vi phạm để cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, xử lý... Ðồng thời, cần thường xuyên làm tốt công tác hợp tác quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm quyền của EC trong công tác phòng, chống khai thác IUU.
Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm của các nước đã gỡ "thẻ vàng" thành công cũng sẽ giúp cho chúng ta có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong vấn đề này. Ðược biết, từ năm 2012 đến nay đã có 25 nước bị cảnh báo thẻ (19 "thẻ vàng" và 6 "thẻ đỏ"), trong đó có 14 nước đã gỡ được thẻ, riêng khu vực Ðông Nam Á có Thái Lan và Philippines đã gỡ được thẻ.
Ðể gỡ "thẻ vàng", Thái Lan đã tập trung các giải pháp mạnh mẽ để cải cách triệt để hệ thống quản lý nghề cá, nguồn nhân lực đáp ứng được các trách nhiệm, và các quy định của luật pháp quốc tế đã cam kết thực hiện, sửa đổi khung pháp lý đáp ứng được các yêu cầu quốc tế trong việc tuân thủ các quy định quốc tế về quản lý nghề cá như biện pháp quốc gia treo cờ, biện pháp quốc gia có cảng, biện pháp quốc gia ven biển, biện pháp thị trường đi kèm với một khung xử phạt nghiêm ngặt.
Với Philippines, mặc dù lý do phạt thẻ vàng chủ yếu tập trung vào các đội tàu khai thác cá ngừ, tuy nhiên họ cũng đã nỗ lực hết sức để thực hiện các giải pháp đồng bộ triệt để như ban hành một đạo luật riêng có tên "Luật Ngăn ngừa, giảm và xóa bỏ khai thác IUU" năm 2015 phù hợp các quy định quốc tế về quản lý nghề cá bền vững và chống khai thác IUU với mức xử phạt cao nhất tương đương với 40 tỷ đồng Việt Nam và chỉ mất 11 tháng để dỡ bỏ "thẻ vàng" thành công.