Đó là vấn đề của các địa phương đầu đến. Nhưng ở đầu đi, điều đáng nói ở đây chính là sự thiếu hụt lao động khi nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch sản xuất trở lại cho những tháng cuối năm với những đơn hàng cần hoàn thành. Thực trạng nêu trên lỗi không thuộc về NLĐ, bởi sau một thời gian dài mất việc, giãn việc, họ đã cạn kiệt tài chính, buộc phải trở về quê hương. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh, thành phố ở miền bắc, miền trung lại đang dôi dư lao động, khó bố trí việc làm do có một lượng lớn công nhân lao động (CNLĐ) trở về quê tránh dịch. Rất đông trong số đó không muốn quay lại DN với tâm lý tránh rủi ro bởi diễn biến dịch bệnh vẫn đang phức tạp, không thể lường trước. Nơi thừa càng thừa, nơi thiếu càng thiếu nhất là lao động được đào tạo, điều này sẽ gây ra những hệ lụy cho xã hội.
Đấy là hồi chuông cảnh báo các nhà quản lý cần nhanh chóng đưa ra những chính sách ứng phó kịp thời. Trong đó, vấn đề bảo đảm an toàn cho CNLĐ cần dựa trên trụ cột y tế và an sinh, góp phần ổn định tâm lý NLĐ, giúp họ ở lại gắn bó hoặc trở lại DN, yên tâm sản xuất.
Muốn vậy, các DN, nhất là các DN phía nam cần lên kế hoạch đón lao động từ các tỉnh, thành phố khác quay trở lại làm việc. Điều này đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa các DN và chính quyền của các địa phương nơi CNLĐ quay trở về nhằm tổ chức thực hiện có bài bản, không để NLĐ quay lại một cách tự phát, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Nhà nước, địa phương cần hỗ trợ DN một phần chi phí phối hợp tổ chức bố trí phương tiện tập trung để đón NLĐ. Khi NLĐ quay lại, các DN ngay lập tức phải có chính sách hỗ trợ ban đầu, có thể là tạm ứng tiền lương để CNLĐ có thể duy trì cuộc sống tối thiểu, ít nhất là trong ngắn hạn. DN cần công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động; nhất là có chính sách khuyến khích đặc biệt cho những NLĐ đã gắn bó với DN lúc khó khăn.
Bên cạnh đó, DN cần nghiêm túc nhìn lại việc đầu tư và kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị y tế, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; cải tạo, cải thiện, nâng cấp môi trường làm việc, chỗ sinh hoạt của NLĐ, nâng cao khả năng ứng phó của DN trước các diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch. Việc đón NLĐ quay trở lại không nên ồ ạt khi DN chưa đủ năng lực vận hành tất cả các dây chuyền sản xuất, sao cho NLĐ có đủ việc làm, bảo đảm thu nhập.
Cùng với đó, các địa phương cần trao quyền tự chủ cho DN: tự mua kit test, tự tổ chức test Covid-19 cho NLĐ để làm căn cứ cho CNLĐ tham gia lưu thông trên quãng đường từ nhà tới DN. Tiếp tục tạo điều kiện cho NLĐ trong các DN tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất đến gần 13 triệu CNLĐ đang bị tác động bởi đại dịch từ gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ưu tiên đối tượng CNLĐ tại 19 tỉnh, thành phố phía nam.
Hiện nay, các địa phương cũng đang giải ngân gói hỗ trợ Chính phủ lần 2 theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ. Tuy nhiên, phản hồi từ nhiều địa phương cho thấy, việc giải ngân các gói hỗ trợ hiện đang quá chậm. NLĐ chưa nhận được hỗ trợ là một trong nhiều nguyên nhân khiến CNLĐ từ chối làm hồ sơ, bỏ về quê. Vì vậy, trong quá trình giải ngân, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, phối hợp đồng bộ giữa DN, NLĐ để NLĐ có thể tiếp cận gói hỗ trợ một cách nhanh nhất, tạo niềm tin của CNLĐ vào các chính sách an sinh của Nhà nước, Chính phủ.
Thời gian tới, các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở phối hợp tốt với DN, vận động, kêu gọi NLĐ quay về DN lao động, sản xuất; bàn bạc, thương lượng với DN trong ban hành các chế độ, chính sách giữ chân NLĐ như: trả lương tạm nghỉ việc, rà soát, chi trả đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định, thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi DN đi vào sản xuất có hiệu quả; viết thư, nhắn tin mời NLĐ trở lại DN; bố trí phương tiện đón NLĐ, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi CNLĐ trở lại. Tiếp tục hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn NLĐ, DN hoàn thiện thủ tục, giấy tờ nhận các gói hỗ trợ. Đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi xác nhận, hoàn thiện thủ tục để NLĐ trở lại làm việc, bảo đảm phòng, chống dịch; vận động chủ nhà trọ tiếp tục giảm giá nhà trọ đối với CNLĐ, tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm, trao các gói quà, các túi an sinh công đoàn đến tận tay CNLĐ ít nhất từ giờ đến cuối năm 2021 khi tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đi vào ổn định.
Đào tạo, việc làm, thu nhập, tích lũy an sinh là nhu cầu thiết yếu của NLĐ. Cung cầu trong thị trường lao động không tách rời quy luật kinh tế thị trường. Đại dịch khủng khiếp đã làm rõ thêm không chỉ tính chất và cơ cấu thị trường lao động mà còn cả điểm mạnh và điểm yếu của DN cũng như của chính sách an sinh xã hội. Đó là thực tiễn buộc không chỉ NLĐ mà còn cả Nhà nước, các địa phương và DN phải tính đến ■