Niềm thương nhớ cuối năm

"Năm nay có về quê không?", câu hỏi giản dị ấy, năm nay, nghe nhiều người hỏi quá. Hay chính bởi sự đặc biệt của một năm giãn cách, dịch bệnh, đau thương mất mát và cả sự hồi sinh, kỳ vọng đang nhen lên hy vọng trong mưa bụi tiết xuân, đã làm nên cái chộn rộn, mong mỏi ấy?

Góc chợ tết quê.
Góc chợ tết quê.

Dường như bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo, khi các phiên chợ bắt đầu phong phú sắc màu, đông đúc người mua bán, thời gian như trôi nhanh hơn, không gian quánh dần lại trong lo toan sấp ngửa cuối năm, trong hoài niệm với hương thơm mùi già và làn hương trầm tỏa, thì khái niệm "quê hương", "về quê" mới ngày một rõ hơn, da diết, khắc khoải, nhớ thương hơn.

Lần đầu tiên đứa con trai lớp 9 về quê phụ giúp thắp hương khu mộ tổ tiên nội ngoại, lễ mễ xách đồ theo bố men qua những lối mòn vạt cỏ đông đã úa, qua những hàng mộ quanh quẩn sợi khói hương cũ-mới vấn vương, lòng thấy vui khi đứa "trẻ trâu" thích hát rap, chân tay lòng khòng, áo quần, tóc tai tự do ngày nào như biến đổi hẳn. Không sốt ruột, không cáu bẳn, nó kiên nhẫn đi theo, rồi hỏi vì sao nơi thắp 7 nén hương, nơi thắp 9 nén; vì sao có gia đình cả ông bà, bố mẹ, các em nhỏ đi cùng cả đoàn thành kính, phấn khởi thế; vì sao người ta cắm hương cho cả các mộ không phải người thân nhà mình? vì sao lại rắc gạo, muối quanh mộ; vì sao bát hương lại có những điếu thuốc lá cắm vào chân hương để làm gì...?

Ấy là phong tục, là lễ nghĩa, là truyền thống thờ cúng tổ tiên, tri ân ông bà, cha mẹ, tưởng nhớ họ hàng đã khuất! Ðể kính cáo với các cụ một năm qua mình đã làm được những gì. Ðể nhớ và mời "các cụ" về ăn Tết với con cháu! Dương gian tùy gia cảnh, dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bày biện bàn thờ để đón năm mới thế nào thì cũng lo nhổ cỏ, thắp hương, cắm hoa, mua quần áo mới, sửa sang "nhà cửa" cho các cụ đón Tết như thế. Không nệ vật chất, dẫu thế nào cũng có nén hương, lá trầu, chén nước, gói bánh lòng thành.

Nhưng dường như, quan trọng nhất là được sống trong không gian Tết máu thịt của mình, dù chỉ trong khoảnh khắc, để mà tĩnh tâm, thanh thản. Mới đây, trên chương trình Xuân quê hương, vị kiến trúc sư Việt kiều tại Ðức, giờ làm Trưởng văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống đã bày tỏ niềm vui thấy quê hương ngày càng phát triển, nhưng cũng chân thành chia sẻ một câu rất thật: "Tết Việt với người Việt xa xứ thật buồn!". Cái buồn ấy không phải là nghèo khó vật chất, mà là nỗi buồn khoảnh khắc, là nỗi nhớ định danh mình là người Việt Nam. Không còn cái thời chỉ mơ một tấm bánh chưng gói lá dong, một cành đào phai, cành mai vàng đón Tết cổ truyền khi toàn cầu hóa và sự phát triển của đất nước đã san lấp dần nhiều khoảng cách. Nhưng dẫu thế nào, Zalo, Viber, mạng xã hội cũng không xóa được cảm giác xốn xang trong mỗi người con xa xứ khi máy bay hạ cánh xuống đường băng, để cảm nhận hơi lạnh mùa đông miền bắc và ánh nắng rực rỡ phương nam; để bồi hồi khi về tới cánh cổng thân thuộc nhà mình; được chạm vào vòng tay người thân, cha mẹ ông bà, được sống lại với ký ức của quê hương, tiên tổ.

Ra đi để trở về, càng hiện đại thì càng cần dân tộc! Quê hương chắp cánh cho con người, gửi gắm trao truyền cho con người khát vọng vươn lên, và lại càng không, không bao giờ thôi bao dung, chia sẻ cho mỗi người mỗi lúc trở về, dù trong lúc vui hay lúc buồn. Lúc chiến tranh loạn lạc-sơ tán về quê. Lúc khó khăn thiếu thốn, quê hương là nơi tiếp tế, nơi đùm bọc cân gạo, cân lạc, con gà, bó rau. Lúc dịch bệnh, quê hương dù nghèo khó vẫn mở lòng đón những người con xa, và khi đau thương, tử sinh trong gang tấc, đó vẫn là nơi cuối cùng để những linh hồn vắn số muốn trở về, để được nương tựa, được xoa dịu. Hàng chục nghìn người, từng đoàn tàu, từng chuyến máy bay, từng dòng xe máy về quê; nỗ lực ngoại giao vắc-xin và chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có; những bác sĩ kiệt sức vì cứu người; những người lính vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu dân, đưa dân về quê, thành kính giao tận tay thân nhân họ hũ tro cốt người đã khuất... - có lẽ, đó là những hình ảnh cảm động đến ám ảnh nhất của năm 2021 sóng gió! Thế giới, đất nước đã qua một năm khó khăn, thương tích, và đã nỗ lực đứng lên bằng nghị lực hồi sinh.

Nhạc sĩ, ca sĩ Ðen Vâu có lý khi viết những lời ca từ chân thật: "Bước ra đời là ông này bà nọ. Trở về nhà là một đứa con ngoan". Lời rap hiện đại ấy được NSND Bạch Tuyết chuyển soạn sang ca vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng đấy mà cũng suy tư trăn trở, vừa là văn hóa, vừa là đạo đức; vừa nghĩa vụ và trách nhiệm. Về quê sau 365 ngày vất vả, ta có gì trong Tâm để hương khói với tổ tiên? Câu hỏi ấy trả lời không dễ, dẫu là chuyện mưu sinh; vượt qua thách thức, hay những thôi thúc thăng hoa sáng tạo, vươn lên.

Năm nay, vì hoàn cảnh, chắc sẽ có rất nhiều những người con xa xứ không thể về quê đón Tết. Song vẫn còn đó cái Tết xa quê ấm nghĩa đồng bào. Nhưng, như một thôi thúc cảm thức, quê hương vẫn luôn hiển hiện, ngự trị trong lòng họ!

Quê hương và Tổ quốc, bệ đỡ tinh thần đó cho ta niềm tin, sức mạnh và niềm tự trọng để đứng giữa đất trời!