Hoàn thiện cơ chế, chính sách tri ân người có công

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt và luôn nhắc nhở toàn Ðảng, toàn dân ta ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ: “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng...”.

Chương trình gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 tại Hà Nội. (Ảnh: Đăng Khoa)
Chương trình gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 tại Hà Nội. (Ảnh: Đăng Khoa)

Trong suốt 74 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Cả nước, hiện có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng chính sách ưu đãi. 

Hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, trong điều kiện còn khó khăn chung của đất nước. Các phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. 

Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến 2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương vận động được hơn 16,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.600 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.650 sổ với tổng kinh phí gần 103,5 tỷ đồng. Xây dựng mới gần 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.265 tỷ đồng...

Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng kết thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về người có công với cách mạng. 

Pháp lệnh Ưu đãi số 02/2020/UBTVQH14 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi, là dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, ngay trước buổi gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), tổ chức ngày 24/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. 

Theo đó, quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng được nâng cao hơn so với trước, như mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng... Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, như: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ ưu đãi giáo dục; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ...

Tại buổi gặp mặt đầy xúc động với đại diện người có công với cách mạng trong cả nước, Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước. Chính phủ luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công với cách mạng và gia đình chính sách. 

Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất, phù hợp tình hình đất nước, với tinh thần là quan tâm rà soát, không bỏ sót các đối tượng chính sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có hình thức giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự bình yên của nhân dân. Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sĩ…

Thế hệ trẻ hôm nay xin khắc ghi và kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các Anh hùng liệt sĩ, ghi ơn công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, những người đã hiến dâng máu xương, sức trẻ và tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. 

Mỗi cá nhân, đơn vị, từng địa phương, bộ, ngành, cộng đồng tiếp tục duy trì và lan tỏa rộng khắp phong trào đền ơn, đáp nghĩa. Đó là nét đẹp văn hóa, truyền thống nhân văn của người Việt Nam, đã và đang trở thành nghĩa vụ thường trực, thường xuyên, là trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân, của thế hệ hôm nay với thế hệ đi trước.