Giám sát những vấn đề cấp bách, cụ thể từ cơ sở

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là các đoàn đại biểu QH, các vị đại biểu QH chủ động xây dựng, phối hợp hội đồng nhân dân và các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện tốt các chương trình giám sát, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong lĩnh vực này.

Ảnh: Duy Linh
Ảnh: Duy Linh

Trong những ngày này, công tác phòng, chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn cao điểm, cấp bách tại TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác. Đông đảo cử tri và nhân dân mong mỏi, thiết tha đề nghị các cấp chính quyền thực hiện khẩn trương việc tiêm vắc-xin để nhiều người dân tiếp cận nhanh nhất; bên cạnh đó phải đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của công nhân, người lao động, bảo đảm cho quá trình tổ chức sản xuất an toàn sau này khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Nhiều cử tri, đại biểu QH kiến nghị, trước những diễn biến “di cư” ồ ạt, theo cách tự nhiên, tự phát của một bộ phận người lao động dịch chuyển từ TP Hồ Chí Minh về các địa phương, hiện nay thành phố áp dụng nghiêm ngặt việc giãn cách, cần nghiên cứu thực hiện ngay các biện pháp “kiểm soát dịch tễ” đi kèm “an sinh xã hội” vừa cấp bách vừa lâu dài, phù hợp và đồng bộ từ địa phương “đi” và địa phương “đến”. Việc triển khai thực hiện chính sách cần bảo đảm “đúng đối tượng” và “đủ nhu cầu tối thiểu, dài hơi” áp dụng với người dân có hoàn cảnh rất khó khăn - những người không đủ khả năng về tài chính, tự trang trải cuộc sống tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh.

Tại các thành phố lớn, chính quyền các cấp đã và đang tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K phòng chống dịch, từ đó giữ vững và mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”. Để làm tốt việc này, nhiều kiến nghị của các chuyên gia kinh tế, xã hội cho rằng, cần có một chiến lược ổn định bền vững cho những người “có khả năng tự tồn tại ở Sài Gòn”, từ đó có thể huy động giúp Nhà nước ổn định tình hình và làm nòng cốt trong giải quyết các vấn đề tại những khu vực thiếu hụt nguồn nhân lực thực hiện...

Nội dung nữa được quan tâm là trong bối cảnh hiện nay, toàn xã hội tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tuân thủ thực hiện giãn cách nghiêm túc, cử tri cũng kiến nghị Chính phủ, các cấp, bộ, ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, có giải pháp tái thiết kinh tế, xã hội, có các chính sách về an sinh phù hợp tình hình trở về trạng thái bình thường mới...

Những vấn đề đặt ra trên đây và sẽ còn rất nhiều vấn đề thời sự, cấp bách khác nữa diễn ra sắp tới, sẽ được cử tri, nhân dân tiếp tục đề xuất, kiến nghị. Cử tri luôn tin tưởng QH, đại biểu QH sẽ đồng hành cùng Chính phủ, bộ, ngành, các cấp chính quyền trong thực hiện những quyết sách mang tính tổng thể, điều tiết tầm quốc gia khoa học và phù hợp, mang lại kết quả cao nhất. Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, và đã được nêu nhiều lần tại diễn đàn nghị trường, đó là nhiều văn bản, quyết định được soạn thảo, ban hành khi chưa được xem xét kỹ càng nên khi áp dụng sẽ “bị vênh” với thực tiễn. Hoặc có những chủ trương, nghị quyết lớn nhận được sự đồng thuận cao, nhưng khi đi vào cuộc sống lại gặp vướng mắc, khó khăn.

Vì thế, vai trò của từng đại biểu QH, đoàn đại biểu QH trong phối hợp hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương cần tiếp tục chú trọng làm tốt việc giám sát, kiểm tra, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Trước mắt, trong các hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp được tổ chức phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương, các đại biểu QH cần tăng cường chất lượng, hiệu quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết vừa được thông qua tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV. Các đại biểu QH phát huy vai trò cầu nối, thường xuyên bám cơ sở, liên hệ chặt chẽ với cử tri, là “kênh” thẩm thấu trực tiếp hơi thở đời sống của người dân, từ đó giám sát tốt việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của công dân tại địa phương, phản ánh và yêu cầu các cấp chính quyền, bộ, ngành giải quyết kịp thời.

Tinh thần chỉ đạo quyết liệt vừa qua của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam, đó là: Không được để xảy ra tình trạng dân thiếu ăn, dân ốm mà không được chăm sóc. Cần chủ động hơn trong việc đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về thành phố phục vụ người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Cung cấp lương thực, thực phẩm tới tận tay người dân, tổ chức tốt hệ thống bán hàng lưu động, không để dân thiếu đói; bảo đảm điện, nước, viễn thông, an ninh, trật tự cho người dân...

Điều đó cũng đặt ra sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa đoàn đại biểu QH với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trong triển khai nhiệm vụ sắp tới. Bên cạnh công tác giám sát, với uy tín là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, các đại biểu QH ở bất kể vị trí công tác nào, đều giữ vai trò tiên phong trong vận động, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại thời điểm cấp bách hiện nay.