Có được một chủ đề tâm đắc, hợp xu hướng phát triển của xã hội và hợp gu sáng tác sẽ thổi bùng ngọn lửa đam mê sáng tạo. Bên cạnh đó, việc có được những "bà đỡ tác phẩm" là môi trường sáng tác, môi trường sử dụng tác phẩm là điều kiện lý tưởng cho những cảm hứng sáng tạo mới.
Như hoạt động mỹ thuật trong thời gian qua là một ví dụ. Lâu nay, đề tài "Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng" được Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam duy trì rất tốt. Qua thời gian đã hình thành nên cả một "hệ sinh thái" cho các tác phẩm sáng tác về đề tài này. Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác đã khéo léo thu hút lực lượng văn nghệ sĩ bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Từ việc đặt hàng tác phẩm, khơi gợi cảm hứng cho tới những hoạt động như đưa các họa sĩ, nhà điêu khắc đi tham quan, thâm nhập thực tế tại các đơn vị quân đội, tổ chức triển lãm, tổ chức trại sáng tác. Chưa hết, Ban Tổ chức cũng xây dựng hệ thống các câu lạc bộ quy tụ nhiều nghệ sĩ sáng tác cùng một chủ đề, đề tài. Kết quả của việc làm này là đã tạo ra lượng tác phẩm dồi dào và xa hơn là đội ngũ kế cận sáng tác về một đề tài khó, dù rằng nhiều nghệ sĩ trẻ không biết đến chiến tranh. Các bộ môn nghệ thuật khác như ca nhạc, vũ kịch, văn thơ, điện ảnh cũng có sự khuyến khích tương tự. Bên cạnh đó, việc tổng kết và trao giải cũng tạo ra không khí thi đua sôi nổi, qua đó phát hiện ra tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Có thể kể tới các tác phẩm Mùi cỏ cháy (điện ảnh), Nhiệm vụ hoàn thành (sân khấu), Lá đỏ (nhạc kịch), Bầu trời Hà Nội (điêu khắc)…
Bài học kinh nghiệm của các ban vận động sáng tác là phải thường xuyên nắm chắc và thu hút lực lượng sáng tác. Kéo họ về với mình bằng nhiều hoạt động tạo cảm hứng sáng tác. Đơn cử như việc tổ chức cho các nghệ sĩ đi tham quan các đơn vị quân đội. Rõ ràng hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại ngày nay đã khác xa với thời chiến tranh; khí tài rồi trang phục cũng vậy không chỉ có đôi dép lốp, chiếc mũ tai bèo, chiếc gậy Trường Sơn… Vấn đề phải trao cho các nghệ sĩ những hình dung chân thực, gắn với cuộc sống hiện tại thì mới tạo ra niềm cảm hứng sáng tác mang hơi thở thời đại. Những nghệ sĩ trẻ phần lớn đều năng động, họ có thể tìm hiểu những hình ảnh qua nhiều nguồn khác nhau, nhưng họ không thể nào có những trải nghiệm để sinh ra rung động. Thực tế cho thấy sau giai đoạn nào tổ chức được nhiều cuộc thâm nhập thực tế thì số lượng tác phẩm cũng trở nên dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại. Qua những hình thức này, các đơn vị đã định hướng được sáng tác theo chủ đề mình mong muốn.
Trở lại với việc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho các văn nghệ sĩ, trí thức. Phân tích và chỉ ra điểm hay, điểm mới trong Nghị quyết để văn nghệ sĩ, trí thức nâng cao nhận thức chính trị là cần thiết. Song để đưa những nhận thức đó trở thành nội dung của các tác phẩm, sáng tạo lại cần một quá trình khơi gợi cảm hứng sáng tác. Ví dụ khi nói đến "khát vọng phát triển đất nước" cần có những gợi ý cụ thể hơn vào những đề tài như xây dựng nông thôn mới, cải tiến khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp… Cũng cần tạo điều kiện cho giới văn nghệ sĩ, trí thức tiếp cận với những công trình tiêu biểu cho "khát vọng phát triển đất nước" như những giàn khoan dầu, phòng thí nghiệm sản xuất vắc-xin, trải nghiệm sống với gian khổ, rủi ro, sẵn sàng hy sinh của các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang trên tuyến đầu chống dịch… để có những hình dung thực tế, chân thực, gắn với hiện thực cuộc sống. Với sự đầu tư bài bản, lâu dài tin rằng lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức sẽ tích cực sáng tạo đem những tác phẩm đúng chủ đề, đúng định hướng mà xã hội mong muốn.