Công trình Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành

Một sự kiện tràn đầy niềm vui và ý nghĩa đến với người dân Bình Định, là công trình Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác.

Công trình Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TUYẾN
Công trình Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TUYẾN

Tỉnh Bình Định là một trong năm địa phương cả nước (gồm Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh) được vinh dự lưu giữ những dấu tích về các sự kiện liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ thời còn trẻ. Thời gian Người lưu lại Bình Định không lâu nhưng đây cũng là mảnh đất góp phần hun đúc chí khí, tinh thần yêu nước thương dân, hình thành nhân cách người thanh niên Nguyễn Tất Thành; để sau này Việt Nam và thế giới có một Anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới: Hồ Chí Minh.

Theo nhiều tài liệu, Nguyễn Tất Thành từng theo cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến Bình Định trong thời gian cụ làm tri huyện Bình Khê. Và sự kiện tác động mạnh đến tư tưởng Nguyễn Tất Thành chính là biến cố Bình Khê, khi người cha thân yêu bị giáng chức. Ở tuổi 20, nhận rõ hơn bao giờ hết tình cảnh đen tối, bế tắc của đất nước, Người đi đến sự chọn lựa quan trọng là vượt trùng dương sang phương Tây tìm đường cứu nước.

Không chỉ là nơi diễn ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành, mảnh đất Bình Khê, Bình Định cũng là nơi chứng kiến cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống những ngày sum họp đẹp đẽ cuối cùng và diễn ra cuộc chia tay lịch sử của hai cha con để rồi Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình vạn dặm tìm đường cứu dân, cứu nước và không bao giờ được gặp lại người cha thân yêu của mình nữa.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động và công trình tưởng nhớ sự kiện Nguyễn Tất Thành ở Bình Định - sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh; có ý nghĩa lịch sử và giáo dục truyền thống lớn lao, sâu sắc của Bình Định và cả nước. Năm 2015, nguyện vọng và đề xuất dựng Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại trung tâm TP Quy Nhơn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định được Ban Bí thư T.Ư Đảng, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành do các nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2017), Vũ Đại Bình và Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) thực hiện. Tượng cao 10,8 m bằng chất liệu đồng, đặt trên bệ cao 4,7 m bằng bê-tông cốt thép bọc đồng.

Bố cục tượng đài hài hòa, giàu biểu đạt: Cụ Nguyễn Sinh Sắc đứng phía bắc, Nguyễn Tất Thành đứng phía nam; cả hai cùng nhìn ra hướng Biển Đông; một tay người cha đưa ra phía trước, tay kia đặt nhẹ sau lưng con trai. Nguyễn Sinh Sắc mang phong thái của bậc nho sĩ với áo dài, khăn xếp, chân đi guốc mộc, vầng trán cao và dáng vẻ khoan thai. Nguyễn Tất Thành dáng dấp thư sinh với áo sơ-mi dài tay, quần âu; chăm chú nghe cha dặn dò, khuôn mặt toát lên vẻ thông minh, rắn rỏi, cương nghị.

Phía sau tượng đài là tấm phù điêu lớn bằng đá xanh dáng vòng cung, dài 76 m, thể hiện năm nội dung chính trong hành trình dấn thân tìm đường cứu nước theo chiều dài đất nước từ bắc vào nam. Đó là: Hình ảnh quê hương Nam Đàn nơi Bác sinh ra và lớn lên có ngôi nhà lá đơn sơ, dòng sông Lam, đầm hoa sen...; Huế, nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từng sống và học tập với hình ảnh Trường Quốc học, cầu Trường Tiền, sông Hương, phong trào biểu tình chống thực dân...; Bình Định với địa điểm gặp gỡ của hai cha con ở huyện Bình Khê, đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, những khung cảnh thiên nhiên, văn hóa - nghệ thuật truyền thống...; hình ảnh di tích tháp Chăm vùng Nam Trung Bộ nơi Nguyễn Tất Thành từng qua và Trường Dục Thanh nơi Người đến dạy học một thời; hình ảnh Sài Gòn những năm tháng thực dân Pháp đô hộ với bến cảng Nhà Rồng và con tàu La-tút-xơ Trê-vin (Latouche Tréville), những người lao động bị bóc lột đã góp phần hun đúc thêm lòng quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ...

Tượng đài đặt giữa không gian rộng 3.125 m2, trong tổng thể khuôn viên quảng trường rộng lớn trung tâm TP Quy Nhơn, có diện tích 11.000 m2 với các hạng mục sân vườn, đường dạo bộ, bồn hoa, cây xanh, điện chiếu sáng... Tượng đài hướng ra phía biển, đón ánh nắng mặt trời mỗi sớm mai, tạo ấn tượng và những xúc cảm khoáng đạt, tự hào.

Sau hai bức tượng Bác Hồ ở Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) và Trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành là công trình tượng đài thứ ba về thời trẻ của Bác, cũng là tác phẩm đầu tiên về hình ảnh cha và con của Người. Tượng đài là biểu tượng đẹp đẽ của sự gắn bó máu thịt giữa tình cảm gia đình, cha - con với tình yêu quê hương đất nước.

Kể từ khi rời Bình Định, Bác Hồ không có dịp trở lại nơi đây, nhưng mảnh đất giàu khí phách này luôn ở trong tim Người, và hình ảnh Người cũng sống mãi trong lòng nhân dân Bình Định; trở thành ánh sáng soi đường cho người dân nơi đây anh dũng kiên cường vượt qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và vươn lên trong sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương giàu mạnh.