Con đường tơ lụa từ lũy tre làng ra thế giới

NDO - Giữa cái lạnh se sắt của Hà Nội, tôi bước vào tầng trệt của khu triễn lãm Vân Hồ số 5 Hoa Lư và ngay lập tức cảm giác ấm sực lên mầu sắc rực rỡ của tơ lụa... Ở sàn nhà, một nong tằm đang chăng tơ làm nên những ổ kén vàng ươm, trắng nõn “thêu dệt” nên không khí làng quê quen nghề chăn tằm dệt lụa ngay giữa thủ đô. Và trong không gian đó, một cô gái mặc gấm dệt bằng lụa tơ tằm bước ra, kể cho tôi nghe về “con đường tơ lụa” dài dằng dặc từ Hà Nội về Thái Bình và từ Thái Bình vươn ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách quốc tế đến làng đũi Nam Cao trải nghiệm quay tơ dệt đũi. Ảnh | Hanhsilk
Du khách quốc tế đến làng đũi Nam Cao trải nghiệm quay tơ dệt đũi. Ảnh | Hanhsilk

Khởi nghiệp với một nghề đã suy tàn

Lương Thanh Hạnh - Sáng lập và điều hành Hanhsilk - Chủ Nhiệm HTX Lụa đũi Nam Cao thường nở nụ cười tươi sáng, sống trong nhung lụa theo đúng nghĩa đen của từ này, nhưng lại lựa chọn một lối đi không chút dễ dàng.

“Nhà tôi ba đời không có ai làm về lụa nhưng ông nội của tôi tên là Tằm, bác tên Kén, bà ngoại tên Thêu, rồi bác nữa tên Dệt, mẹ tôi tên Gấm còn chị gái thì tên Vóc. Tất cả đều liên quan đến lụa”, Hạnh cười, kể về duyên nghiệp kỳ lại với tơ lụa. “Tôi học về du lịch, nhưng khởi nghiệp bằng nghề kiến trúc nội thất. Trong quá trình làm, tôi tiếp xúc với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan và tự hỏi những sản phẩm đẹp thế này tại sao mình không sản xuất ở trong nước mà lại đi nhập ở nước ngoài về? Tôi thiết kế chăn ga gối, rèm bằng lụa tơ tằm và nhận thấy lụa tơ tằm của Việt Nam rất đẹp, muốn đi sâu hơn. Dần dần tôi dấn thân vào con đường tơ lụa, đi trong nước và nước ngoài rất nhiều để tìm hiểu về lụa tơ tằm. Càng đi, tôi càng thấy lụa mang vẻ đẹp truyền thống, niềm tự hào của Việt Nam, có thể mang ngoại tệ về cho đất nước, tại sao mình không phát triển lại đi nhập ở nước ngoài về?”.

Hỏi tức là trả lời. Trong hành trình đó, Hạnh đã về làng đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) lúc đó đang suy tàn, chỉ còn ba hộ làm nghề. Hạnh nhận thấy tình yêu với nghề dệt của bà con vẫn còn như tơ tằm vương vấn không dứt ra được khung cửi. Chất của đũi Nam Cao thô nhưng không ráp, Hạnh đã nhận ra ngay thị trường của đũi, không chỉ dành cho hàng thời trang mà còn rèm, sofa, chăn ga gối, tranh, ứng dụng được trong nghề nội thất. Chất thô ấy có được từ sự khổ công, kiên trì của nghệ nhân, cả ngày ngồi kéo tay trong nước lạnh mới có được 70-100 gam sợi đũi chỉ đủ dệt chưa nổi một mét vải.

Giữa thời buổi công nghệ máy móc sản xuất hàng loạt thì hình ảnh những nghệ nhân kéo tay dệt đũi để ra cái chất thô nguyên sơ thuần tự nhiên ấy đã gây ấn tượng mạnh và thúc đẩy Hạnh dấn thân vào con đường gìn giữ và phát triển tinh hoa làng nghề này.

Hơn 400 năm trước, làng đũi Nam Cao, nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa, chủ yếu cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc. Hơn 20 năm trước đũi Nam Cao đã từng được xuất khẩu nhiều sang Lào, Thái Lan, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân. Nhưng nghề dệt đũi bắt đầu đi xuống khi trận sóng thần ở Phuket, Thái Lan năm 2012 cuốn trôi đi hết nhà cửa, hàng hóa, tài sản của các doanh nghiệp lụa tại đây. Những mối hàng bên đó “bùng” nợ thương lái Việt Nam và thương lái lại “bùng” của dân. Người dân mất tiền, cụt vốn, lại không có đầu ra cho đũi nên nghề dệt sa sút dần.

Hạnh nhớ khi đến gặp một bà cụ từng có cái khung cửi bằng gỗ lim là của hồi môn vốn rất có giá trị nhưng rồi vì lâu ngày không dùng đến đã phải bỏ xó trong chuồng bò. Nếu Hạnh không kịp đến “giải cứu” thì cái khung cửi ấy đã bị dỡ ra để nấu bánh chưng. Hạnh và một người bạn mượn chiếc xe bò cho khung cửi nặng trịch ấy lên đẩy đi trong mưa phùn. Hành trình khôi phục lại lại nghề dệt đũi bắt đầu như thế.

Hạnh chia sẻ: “Mười mấy năm trước nhiều người cho là tôi “điên” khi đang có một công ty nội thất ăn nên làm ra ở Hà Nội mà đi về một vùng nông thôn ở Thái Bình để khởi nghiệp một nghề rất mới với mình. Tôi đến với đũi, lụa từ con số 0, từ đất đai, kỹ thuật, không phải dân địa phương, không hiểu thị trường... tôi chỉ có sự chân thành, tình yêu với lụa. Chính điều này đã lay động những nghệ nhân cùng tôi gây dựng lại nghề dệt đũi ở Nam Cao.. Tôi đã bỏ tiền túi đưa các nghệ nhân dệt đũi đi nước ngoài để quảng bá hình ảnh làng dệt đũi Nam Cao và nghề dệt Việt Nam ra thế giới. Và trong quá trình đó các nghệ nhân thực sự cảm nhận được đây mới là công việc ý nghĩa với họ chứ không phải như quan niệm trước đây cho rằng dệt đũi là một công việc nghèo hèn dành cho những người già cả. Họ tự hào về nghề truyền thống của cha ông để lại”.

Những dấu mốc trên “con đường tơ lụa”

Hạnh thuê một ngôi nhà làm xưởng dệt ở làng đũi Nam Cao. Những chiếc khung cửi trước đây mạng nhện giăng đầy giờ đưa ra, bắt đầu những vòng quay kéo tơ. Hạnh cũng bắt đầu “ba cùng” với người dân, tự mày mò học hỏi về nghề dệt để từ đó cải tiến lại kỹ thuật cho phù hợp để bán được sản phẩm. Hạnh loay hoay tìm kiếm thị trường, ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, quảng bá lụa...

Con đường tơ lụa từ lũy tre làng ra thế giới ảnh 1

Những sản phẩm của Hanhsilk

Con đường tơ lụa của Hạnh đã có những cột mốc đáng nhớ. Năm 2012 thành lập Hanhsilk - công ty của cô gái ở tuổi 27 đầy khát vọng đưa lụa là gấm vóc của Việt Nam ra thế giới. Năm 2016, HTX Lụa đũi Nam Cao ra đời với khoảng vài chục gia đình còn tha thiết với đũi và đặt niềm tin vào Hạnh. Sau hành trình khó khăn gây dựng niềm tin và đưa những ruộng dâu xanh trở lại, nong tằm nhả tơ và khung cửi đã quay, Hạnh đã nhận được đơn hàng đầu tiên từ một đoàn khách người Pháp đến tận làng nghề trải nghiệm. Cứ thế, hữu xạ tự nhiên hương, những sản phẩm từ tơ lụa sau lũy tre làng đã được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Đến nay, đã có hơn 1.000 loại sản phẩm, 80% được tiêu thụ tại thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tôi cầm trên tay chiếc khăn mặt bằng lụa tơ tằm được thiết kế tinh tế, cảm giác êm mát tự nhiên. Tất cả những sản phẩm của HTX Lụa đũi Nam Cao đều được làm ra hướng tới những giá trị “chất” và “thật”, sản xuất xanh, tiêu dùng sạch với một loạt quy trình khắt khe gần 20 công đoạn như: nuôi tằm, nhả tơ, thu kén, kéo đũi, quay tơ, đánh ống và dệt vải, nhuộm vải, thiết kế.

Kể từ ngày chỉ có ba nghệ nhân cầm cự với nghề, đến nay HTX dệt đũi Nam Cao đã có gần 200 nghệ nhân miệt mài với công việc trồng dâu nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa với một tư duy mới, hướng ra biển lớn. Làng nghề truyền thống không chỉ được khôi phục mà còn bước vào thời kỳ phát đạt, với doanh số hàng chục tỷ đồng mỗi năm, HTX tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nông dân với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Sau hơn 6 năm, Hanhsilk đã có hai vùng nguyên liệu, đáp ứng đủ cho đơn hàng xuất khẩu đa dạng, từ vải đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm... Một vùng trồng dâu được phát triển tại Vũ Thư, Thái Bình với diện tích khoảng 300 ha và các vùng miền trong cả nước.

Hạnh đã góp phần xây dựng nên hệ sinh thái dâu tằm tơ lụa của Việt Nam như vùng dâu tằm tơ lụa ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), làng thêu Minh Lãng (Thường Tín, Hà Nội).

Hạnh muốn kể câu chuyện về tơ lụa nghìn năm và đương đại ấy bằng cách mở tour đưa du khách về tham quan làng nghề dệt đũi Nam Cao. Mới đây, một ngày cuối năm rét căm căm, Hạnh đã dẫn gần 50 du khách về Thái Bình tham quan và trải nghiệm các công đoạn từ nấu kén, kéo sợi, quay tơ dệt vải, tham dự cuộc thi tay nghề giỏi của các nghệ nhân. Cô mong ước hằng năm sẽ có khoảng 10-20 nghìn du khách du lịch làng nghề, tạo nên một điểm nhấn cho du lịch Thái Bình. Và nữ chủ nhiệm HTX có phong cách của công dân toàn cầu này lại trở về với công việc của mình trước đây, làm hướng dẫn viên du lịch, kể lại những câu chuyện về tơ lụa bằng trải nghiệm của chính mình.

Chẳng biết tự bao giờ, người ta gọi Hạnh là “cô gái lụa”. “Cô gái lụa” ấy đã đi nhiều nơi ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng lúc nào cũng lụi cụi mang theo con tằm, lá dâu, túi kén, lụa, đũi thô để kể một câu chuyện sống động về quy trình sản xuất lụa Việt.

Con đường tơ lụa từ lũy tre làng ra thế giới ảnh 2
Bà Vandara Siphandone, Phu nhân Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, và bà Lê Thị Bích Trân, Phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều 6/1 tham quan làng nghề dệt đũi ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

10 năm trước nhiều người nghĩ Hạnh “điên” khi về một vùng quê hẻo lánh để khôi phục một làng nghề đã mai một. 10 năm sau, con đường của “cô gái lụa” đang đi lại là xu hướng của thế giới: trở về với những sản phẩm thuần tự nhiên, bảo vệ môi trường. Trên “con đường tơ lụa” mà Hạnh đi đó, hạnh phúc dường như nằm ở hành trình chứ không phải đích đến.