Cơ hội để Tunisia vượt qua khủng hoảng

Cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi của Tunisia đã diễn ra suôn sẻ, với đa số người dân quốc gia Bắc Phi bày tỏ sự ủng hộ, mở đường cho việc trao nhiều quyền lực hơn cho Tổng thống Kais Saied (C.Xai-ét). Sự kiện này được coi là điểm mấu chốt trong kế hoạch của Tổng thống Saied về cải tổ hệ thống chính trị của Tunisia, một năm sau ngày ông Saied giải tán Chính phủ, đình chỉ hoạt động của Quốc hội và nắm quyền điều hành đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thủ đô Tunis của Tunisia. (Ảnh JUST FUN FACTS)
Một góc thủ đô Tunis của Tunisia. (Ảnh JUST FUN FACTS)

Dự thảo Hiến pháp được đưa ra trưng cầu có nội dung thay thế hệ thống tổng thống-nghị viện được ghi trong Hiến pháp năm 2014 và trao quyền hành pháp tối cao cho tổng thống. Điều này đồng nghĩa việc tổng thống có quyền chỉ định chính phủ mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội. Ngoài ra, tổng thống cũng sẽ đứng đầu các lực lượng vũ trang và có quyền bổ nhiệm các thẩm phán.

Hiến pháp mới là trọng tâm trong kế hoạch của Tổng thống Saied nhằm tái thiết hệ thống chính trị của Tunisia. Văn kiện này được công bố gần một năm sau khi ông Saied giải tán chính phủ của Thủ tướng Hichem Mechichi (H.Mơ-si-si) và đình chỉ hoạt động của Quốc hội, đồng thời nắm quyền điều hành đất nước. Ông Saied muốn có một hệ thống mới thay thế Hiến pháp năm 2014.

Theo đề xuất của ông, “tổng thống thực hiện các chức năng hành pháp với sự giúp việc của chính phủ, và người đứng đầu chính phủ sẽ do tổng thống bổ nhiệm mà không phải bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội”. Tổng thống cũng sẽ là người đứng đầu các lực lượng vũ trang. Bản Hiến pháp mới được cho là sẽ làm giảm vai trò của Quốc hội, tạo ra cơ quan nghị viện mới cho “các vùng và quận”, phù hợp tầm nhìn dài hạn của ông Saied về việc phân cấp quyền lực.

Tunisia rơi vào bế tắc chính trị từ tháng 1/2021, sau khi nảy sinh bất đồng giữa Tổng thống Saied và Thủ tướng Mechichi về việc cải tổ chính phủ. Không chỉ thế, Tunisia cũng đang đối mặt khủng hoảng kinh tế và y tế do đại dịch Covid-19 đẩy hệ thống y tế vào trình trạng quá tải. Hiện Tunisia đứng trước các thách thức như: Tăng trưởng kinh tế yếu (chỉ đạt 3,1% trong năm 2021), nợ công cao (chiếm tới 85,6% GDP), thâm hụt cán cân thương mại và tỷ lệ thất nghiệp cao (gần chạm mốc 18,4%).

Trong khi đó, hoạt động sản xuất lúa mì của Tunisia gặp khó khăn do hạn hán và suốt 10 năm bất ổn chính trị kể từ biến động chính trị năm 2011. Điều này càng làm gia tăng sự phụ thuộc của Tunisia vào việc nhập khẩu. Trong năm 2021, hai phần ba lượng ngũ cốc tiêu thụ của Tunisia là nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó phần lớn từ khu vực Biển Đen.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine-quốc gia cung cấp khoảng 50% lượng lúa mì mềm (được dùng làm bánh mì) nhập khẩu của Tunisia. Để giúp Tunisia giải quyết khó khăn về lương thực hiện nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt một thỏa thuận cho vay trị giá 130 triệu USD dành cho quốc gia Bắc Phi để nhập khẩu một số sản phẩm ngũ cốc như: Lúa mì và lúa mạch mềm, thu mua hạt giống cho các vụ mùa tiếp theo trong chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia cũng như thúc đẩy các nhà sản xuất nâng cao năng suất nhằm đạt khả năng tự cung tự cấp cho Tunisia.

Với thỏa thuận mới nhất này, hỗ trợ tài chính của WB cho Tunisia trong năm 2022 đã lên tới 500 triệu USD, được triển khai trong các lĩnh vực khác như y tế, chương trình an sinh xã hội.

Một số người Tunisia đã hoan nghênh các động thái của ông Saied nhằm chống lại hệ thống chính trị cứng nhắc nổi lên từ cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Ben Ali vào năm 2011. Trong khi đó, cũng có những ý kiến cảnh báo rằng, ông Saied đang đưa đất nước trở lại chế độ chuyên quyền. Tuy nhiên, việc bản Hiến pháp mới được đa số cử tri Tunisia ủng hộ tạo thuận lợi để Tổng thống Saied tiếp tục thực thi các chính sách nhằm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.