Cô giáo Nguyễn Bảo Châu sinh năm 1992, là cô giáo trẻ của trường, từng theo học chuyên ngành Sư phạm toán tại Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, đến năm 2013, cô chính thức về giảng dạy tại Trường THCS Hùng Vương; ở huyện Lạc Dương có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhớ lại những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô Châu chưa thể quên những bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu, cứ lo sợ mình giảng học trò không hiểu. Khi có thêm kinh nghiệm nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, giờ mỗi ngày đến trường là một niềm vui: “Lớp mình một nửa là con em đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Trong quá trình dạy học, mình nhận thấy có không ít em sợ môn toán, xem môn toán chỉ là những con số khô khan, khó tiếp nhận. Để giúp học sinh hứng thú, yêu thích môn học này, mình đã mày mò tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp truyền thụ mới. Mình lồng ghép phương thức “học mà chơi, chơi mà học” trong mỗi tiết toán. Nhờ vậy, học sinh đã yêu môn toán, chất lượng học tập tiến bộ rõ rệt.
Chăm chú theo dõi câu chuyện của chúng tôi, Cil Rim, học lớp 6A4 do cô Châu chủ nhiệm, nói: “Giờ học môn toán của pôgru ùr Châu thích lắm, được chơi nhiều trò chơi bổ ích, như ô chữ bí mật, cùng leo núi, ai nhanh hơn, hái hoa dân chủ… cả lớp đều vui”.
“Nghề chọn người…”, câu nói này có lẽ đúng với cô giáo trẻ Nguyễn Bảo Châu. Trong giải pháp dự thi cấp tỉnh của cô: “Tổ chức trò chơi học tập trong dạy học môn toán tại Trường THCS Hùng Vương”, cùng với việc giúp học sinh có góc nhìn mới hơn về môn học này, cô giáo Châu đã đưa ra giải pháp đáp ứng xu hướng đổi mới là dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. “Có nhiều cách để khắc sâu kiến thức sau mỗi tiết học. Nhưng, hình thức khắc sâu kiến thức thông qua trò chơi đem lại sự thoải mái, nhẹ nhàng cho cả học sinh và giáo viên. Qua trò chơi, học sinh thêm một lần được thực hành các kiến thức đã học ngắn gọn hơn; giáo viên có thêm một cách kiểm tra nhanh việc nắm kiến thức của học sinh”, cô Châu phân tích.
Các tiết học của cô luôn được áp dụng nhiều kỹ thuật dạy, như “khăn trải bàn” (hoạt động theo nhóm, mỗi học sinh làm việc độc lập vài phút, sau đó chia sẻ, thảo luận và thống nhất câu trả lời); “các mảnh ghép” (là hình thức học tập hợp tác, kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm giải quyết một nhiệm vụ phức hợp; những ý kiến cá nhân sau đó được ghép lại thành kiến thức bài học)... “Mình quan niệm, kiến thức chỉ có giá trị khi được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Do vậy, trong quá trình dạy học, mình chuyển giao nhiệm vụ, bài tập cho từng em. Khi đó, giáo viên sẽ nắm được khả năng của mỗi em để có giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, mình cũng rút ra được những điểm cần bổ sung, chỉnh sửa trong bài giảng”, cô Bảo Châu chia sẻ. Cô giáo Châu cũng nghĩ ra phương pháp: “Nâng cao hiệu quả học tập thông qua định hướng một số phương pháp trong giải hệ phương trình cho học sinh lớp 9”. Bằng việc hệ thống một số phương pháp cơ bản và xây dựng hệ thống bài tập từ đơn giản đến nâng cao, đã giúp học sinh định hình cơ bản khi gặp hệ phương trình và hình thành kỹ năng giải hệ phương trình ngay từ lớp 9.
Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Bảo Châu còn giữ vai trò Bí thư Đoàn trường. Cô giáo Châu luôn cố gắng tìm hiểu, tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích cho đoàn viên, thanh niên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phong trào bảo vệ môi trường, giúp đỡ bạn học khó khăn… do Đoàn trường tổ chức đều thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia. Thầy Đặng Phước Công, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương cho biết: “Cô Bảo Châu luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc; mạnh dạn đổi mới, áp dụng nhiều phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Với tính cách vui vẻ, hòa đồng, cô luôn được đồng nghiệp và học trò quý mến”. Năm học qua, cô đạt thành tích xuất sắc trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và được tặng danh hiệu “giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”.