Chuyện trả lương ở doanh nghiệp

Chuyện trả lương ở doanh nghiệp

Cuộc sống của người lao động ngành dệt-may còn vất vả

Người ta nói rằng, lao động ở ngành dệt-may làm việc vất vả, ngồi còng lưng, mắt nhìn lâu thì mỏi và mờ, "hít" bụi vải đầy lồng ngực, nhưng đồng lương chưa thể làm "ấm bụng" cả gia đình.

Nhiều lần đi công tác ở TP Hồ Chí Minh và một số khu công nghiệp ở Ðồng Nai, Bình Dương, chúng tôi thấy các doanh nghiệp dệt-may treo băng-rôn thông báo tuyển hàng nghìn lao động, nhưng số đến tuyển cũng không nhiều, lại thêm số lao động đang làm việc, vì lương thấp vẫn bỏ việc đều đều. Vì thế, các doanh nghiệp dệt-may ở phía nam phải tuyển lao động ở các tỉnh phía bắc, miền trung hoặc đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm chúng tôi về thị trấn Tràm Chim (Ðồng Tháp), thấy cán bộ phòng lao động ở đây đang tuyển hàng trăm lao động cung cấp cho các khu công nghiệp ở vùng Ðông Nam Bộ. Một số cán bộ ở Trung tâm dịch vụ việc làm cho biết: Tuyển lao động dệt-may hết lớp này đến lớp khác mà vẫn chưa đủ. Nghe vậy, tưởng nghề này "hút" lao động, nhưng không phải, vì lớp trước đến, vì thu nhập thấp, lại ra đi tìm nghề khác, lớp sau lại đến thay thế.

Ở phía bắc, Công ty cổ phần may 10 (Tổng công ty Dệt-may) tình hình không đến nỗi "bi đát", vì ở đây, doanh nghiệp tần tảo lo trả lương, lo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho anh chị em.

Ông Ðinh Việt Thanh, cán bộ lao động-tiền lương, cho biết: Công ty may 10 có hơn 7.000 lao động với 75% là lao động nữ. Sản phẩm chủ yếu là  vét-tông, áo giắc-két và áo sơ-mi, với tỷ lệ hàng xuất khẩu chiếm 85%. Lao động ở đây chủ yếu là thợ may công nghiệp, thợ kỹ thuật vẽ mẫu, tạo mẫu và dáng của sản phẩm.

- Vậy, thu nhập của người lao động ở đây được trả như thế nào? Tôi hỏi. Anh Ðinh Việt Thanh trả lời: Vẫn dựa vào thang, bảng lương Nhà nước ban hành và lương sản xuất, kinh doanh với đơn giá, định mức, số lượng sản phẩm làm ra của người lao động. Sau khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 350 nghìn đồng/tháng, một lao động có tay nghề khá, đã vào làm việc được dăm năm, thì thu nhập đạt khoảng 1,4 triệu đồng, gồm 350 nghìn đồng nhân hệ số để có khoảng 1.050.000 đồng, và nhà máy bù thêm một khoản tiền bằng mức lương tối thiểu, để đạt 1,4 triệu đồng.

Cũng với cách tính này, lao động mới vào làm việc có thu nhập chỉ khoảng bảy, tám trăm nghìn đến gần một triệu đồng. Thu nhập như vậy, quả thật là thấp, trong khi giá dịch vụ, giá nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng không ngừng tăng. Tuy nhiên, ông Ðinh Việt Thanh nhấn mạnh, trả được công như thế cho người lao động đã là một cố gắng lớn của doanh nghiệp, vì lương tăng, chi phí đầu vào tăng, giá thuê đất từ chỗ chỉ vài trăm triệu đồng nay dự tính tăng lên 1,3 tỷ đồng/năm, giá bán sản phẩm và giá gia công hàng may do cạnh tranh lại có xu hướng giảm, cho nên tăng được thu nhập ở khu vực dệt-may cho người lao động là một bài toán rất khó giải. Mặc dù giá trị xã hội của ngành dệt-may rất lớn: Toàn ngành hiện có 2.000 doanh nghiệp, thu hút và tạo việc làm, thu nhập cho hai triệu lao động.

Thu nhập khá ở lĩnh vực dịch vụ

Hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) trong cả nước gồm 90 đơn vị hoạt động như một doanh nghiệp. Trong số đơn vị đó (gồm Sở giao dịch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các chi nhánh ở quận, huyện, thị trấn đông dân cư) được phân loại gồm khoảng 10 đơn vị làm ăn giỏi, có mức huy động, cho vay, đem lại lợi nhuận cao; khoảng 10 đơn vị làm ăn dở, số còn lại kinh doanh tương đối khá.

Tuy có sự điều tiết của Incombank trung ương, nhưng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn có thu nhập nhỉnh hơn vì giá cả tiêu dùng và dịch vụ cao hơn, đồng thời kinh doanh đạt hiệu quả lớn hơn.

Ông Trịnh Công Thắng, Phó Tổng giám đốc Incombank, cho biết: Ngân hàng Công thương Việt Nam dựa vào thang bảng lương của Nhà nước ban hành để trả lương, nhưng đồng thời, là đơn vị sản xuất kinh doanh, cho nên Incombank dựa vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc để trả lương cho người lao động, tùy theo người lao động ấy làm việc ở vị trí nào (cán bộ quản lý, tín dụng, kế toán hoặc thủ kho...), trình độ ra sao, chất lượng, hiệu quả công việc như thế nào. Nếu gọi việc trả công theo thang, bảng lương của Nhà nước là V1, thì lương kinh doanh sẽ là V2. Trong một tháng, người lao động sẽ có lương V1 với hệ số bằng 1, lương kinh doanh V2 với hệ số là 1,3. Ðối với một lao động bình thường, đã làm việc được một số năm, thu nhập bình quân từ V1+V2 đạt khoảng từ 2,3 đến 2,7 triệu đồng. Ðiều quan trọng là, ở V1, vài ba năm mới được tăng bậc, nhưng ở V2, tùy theo số lượng và hiệu quả công việc đạt được, hằng năm, có thể là hằng quý, người lao động được xem xét để nâng bậc, nâng hệ số hưởng lương kinh doanh.

Cách trả lương V1 (cố định) và V2 (năng động) rõ ràng là một động lực khuyến khích người lao động làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Ở Sở Giao dịch I Hà Nội của Incombank, Giám đốc Nguyễn Thị Ngọ cho biết: Do có lợi thế gồm hàng trăm nghìn khách hàng truyền thống, trong đó nhiều khách hàng lớn thuộc ngành xây dựng, điện, đường sắt, hàng không... với lượng tiền giao dịch hằng năm (huy động vốn và cho vay) rất lớn, cho nên Sở Giao dịch I Hà Nội đạt lợi nhuận cao nhất trong hệ thống Incombank Việt Nam. Với cách trả lương V1+V2, thu nhập bình quân của một lao động (thuộc khu vực kinh doanh tiền tệ) ở đây đạt khoảng ba triệu đồng/tháng, kích thích người lao động làm việc hăng say, khắc phục được tình trạng trả lương bình quân chủ nghĩa trước đây.

Chị Cao Kim Oanh, Trưởng phòng Kho quỹ, khu vực được coi là làm việc vất vả nhất, hằng ngày tiền đi về (thu, chi) qua phòng lên tới hàng chục tỷ đồng, kiểm đếm, nhập kho, xuất kho, có ngày phải tới 21 giờ đêm mới được về nhà. Chị Oanh đạt thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/tháng, có thể là thấp so với thu nhập ở các vị trí làm việc khác của Sở Giao dịch I.

Giám đốc Nguyễn Thị Ngọ nhận xét, cách tính lương kể trên là tiến bộ vì có động lực, kích thích người lao động làm việc. Tuy nhiên, so với chất lượng, hiệu quả kinh doanh thực tế của đơn vị, thì việc trả công như vậy vẫn chưa tương xứng, cần "hấp dẫn" hơn nữa.

Lương ở một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài

Tập đoàn Shell nổi tiếng và có chi nhánh ở nhiều quốc gia trên thế giới, vào Việt Nam và liên doanh với Vietracimex (Bộ Giao thông vận tải) từ năm 1994, đến năm 2001, Shell-Việt Nam trở thành doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Sản phẩm của hãng gồm các mặt hàng xăng, dầu nhờn, ga, nhựa đường...

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Shell-Việt Nam Nguyễn Huy Tám cho biết, nhờ kinh nghiệm hàng trăm năm sản xuất và kinh doanh, Shell có nguyên tắc trả lương, có hệ thống thang bảng lương quy định mức trả lương cho từng chức danh, ở từng giai đoạn của nghề nghiệp và vị trí công tác, đồng thời Shell tự hào là một trong những hãng có mức trả lương vào loại khá ở nhóm những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Trong việc trả lương cho người lao động, Shell tôn trọng những quy định pháp luật và thang, bảng lương của Nhà nước Việt Nam, đồng thời với cách trả lương tiên tiến, Shell trả lương ở mức khá cho người lao động. Cách trả cũng hiện đại, trước thì cho vào phong bì dán kín, nay trả vào tài khoản cá nhân, người lao động rút tiền từ thẻ ATM theo nguyên tắc, lương của ai, người ấy nhận, và chỉ có người ấy mới biết lương của mình là bao nhiêu.

Chúng tôi về Cửa Lò (Nghệ An) nơi Shell có cảng, hệ thống bồn chứa nhựa đường, đội xe bồn chuyên dụng để chở nhựa đường bán cho khách hàng từ Ðà Nẵng đến các tỉnh phía bắc như Ðiện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn...

Anh Nguyễn Châu Nam, quản lý Shell khu vực Cửa Lò, cho biết: Hãng Shell nhập nhựa đường từ chính chi nhánh Shell Singapore vào Việt Nam. Nhựa đường được chở bằng tàu đặc chủng, sau đó được bơm từ tàu vào bồn chứa, rồi từ bồn chứa nhựa đường được bơm vào xe bồn chở đến địa điểm giao nhận, phục vụ công trình làm đường giao thông, đường nội bộ theo yêu cầu của khách hàng. Quá trình chở nhựa đường trên tàu, bơm vào bồn chứa rồi vào xe, nhựa đường luôn được các thiết bị gia nhiệt và bảo ôn bảo đảm luôn nóng ở nhiệt độ từ 140 đến 150oC, và giữ nhựa đường ở dạng lỏng, để khi đến công trình, nhựa đường nóng được trộn với bột đá, đá dăm trở thành hỗn hợp kiểu bê-tông để trải mặt đường giao thông.

Theo anh Nam, công việc nặng nhọc, vất vả nhất chính là những lao động lái xe bồn có trọng tải từ 10 đến 20 tấn, chở nhựa đường giao đến chân công trình. Anh Nguyễn Phi Thường, vừa hoàn thành việc giao nhựa đường lên Cao Bằng với độ dài đi về 1.200 km, cho biết: Nhựa đường thuộc dạng lỏng được chở trên xe bồn, cho nên khi xe đi qua đường đèo, có độ nghiêng, lái xe phải rất cẩn thận, nếu không, xe bị nghiêng, nhựa đường ở dạng lỏng chảy về một bên xe, làm xe dễ bị lật xuống đường hoặc rơi xuống vực. Vì thế, lái xe ở đây phải tuân theo kỷ luật làm việc rất nghiêm túc: 4-9-12. Nghĩa là, chạy xe được bốn tiếng phải nghỉ ít nhất là 15 phút, trực tiếp lái xe không được quá chín giờ trong ngày, nếu có thêm việc học hành, hội họp, trong ngày thì không được quá 12 tiếng. Có như vậy, người lao động mới giữ được sức khỏe, sự tỉnh táo để hoàn thành công việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, đồng thời bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho người lao động và hàng hóa trong quá trình lưu thông.

Công việc vất vả và căng như thế, cho nên ngoài phần lương cơ bản (theo cách trả lương tiên tiến) hãng Shell còn có một số chế độ thưởng cho người lao động. Gạn hỏi mãi, anh Thường mới tiết lộ, thu nhập một tháng của anh gồm lương cơ bản và thưởng khoảng hơn bốn triệu đồng/tháng, bảo đảm mức sống cho gia đình.

Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài, việc trả lương cho người lao động không cao, thậm chí việc nợ lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra thường xuyên. Chúng tôi cho rằng, cần có sự quản lý và kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn để các doanh nghiệp kể trên thực hiện đúng chế độ trả lương, tăng mức lương cho người lao động theo thời gian làm việc và cố gắng nâng cao tay nghề, trình độ nghề của người lao động.

Lương và thu nhập, vì thế, không hề là chuyện nhỏ. Nếu trả công tương xứng với mồ hôi và trí tuệ của người lao động, lương trở thành động lực, khuyến khích người lao động làm việc hết mình vì sự phát triển của doanh nghiệp.