Sáng mãi “chất lính” trong thời bình

NDO -

Dành trọn cả thanh xuân để cống hiến cho đất nước, kể cả khi đã về hưu, đã mang trong mình ít nhiều dọc ngang thương tổn, chất lính bất khuất, kiên cường vẫn tỏa sáng trong người lính cụ Hồ, để tiếp tục dâng hiến cho Tổ quốc, người dân những sản phẩm hữu ích trong thời bình. Thiếu tá về hưu Nguyễn Thị Liên (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một người lính thời bình như vậy.

Thiếu tá Nguyễn Thị Liên.
Thiếu tá Nguyễn Thị Liên.

Nặng lòng với thực phẩm sạch

Nhiệt tình, mạnh mẽ và quyết liệt - đó là ấn tượng của không ít người đi lần đầu tiên được gặp, trò chuyện với thiếu tá Nguyễn Thị Liên, người rất nổi tiếng với thương hiệu thịt lợn sạch GHT. Giữa khu trang trại rộng hàng trăm ha xanh mướt màng cây trái, trong cái gió đậm hơi ẩm của những ngày tháng 7 sáng rực tinh thần tri ân, câu chuyện của người lính về hưu có 15 năm nặng lòng với thực phẩm sạch cứ cuốn chúng tôi theo những dòng suy nghĩ.

Sau gần 30 năm công tác tại Nhà máy Z153 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp, năm 2003, bà Nguyễn Thị Liên về nghỉ chế độ với quân hàm thiếu tá. Đối với nhiều người, nghỉ hưu sẽ là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, nhưng với bà thì khác, vì: “Thói quen luôn chân luôn tay trong những ngày đi lính không thể bỏ được. Đây cũng là khoảng thời gian tôi dồn sức thực hiện ước mơ làm chủ trang trại của mình”, bà Liên nhớ lại.

“Tại sao lại là trang trại?”, tôi hỏi. “Là bởi vì, những năm 2000, mất an toàn thực phẩm thực sự là vấn đề nhức nhối, được nhắc đến nhan nhản trên báo chí”, bà Liên bắt đầu dòng hồi tưởng về những ngày đầu tiên gắn bó với thực phẩm sạch.

Thời gian đầu, bà chỉ nghĩ, trồng cây rau, nuôi con gà, con lợn để gia đình được ăn thực phẩm an toàn. Phần không sử dụng hết thì tặng lại cho bạn bè, anh em. Sau này, vì được chính những người bạn của mình truyền cảm hứng, và vì thấy rằng mình cần làm gì đó cho những người xung quanh mình, bà quyết tâm bắt tay vào thực hiện mô hình trang trại sạch.

Không được đào tạo bài bản về nông nghiệp, bà tìm kiến thức cho mình trên những chương trình như “Chuyện nhà nông”, “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” được phát trên các kênh truyền hình thời điểm đó. Rồi bà tìm đến học hỏi kinh nghiệm ở các trang trại xung quanh.

Rồi cơ duyên đến khi một lần về học tập kinh nghiệm tại một trang trại ở Đông Anh, bà được đọc một tài liệu về nông nghiệp có đoạn viết: “Nếu dùng giun quế làm thức ăn chăn nuôi thì tỷ lệ mắc bệnh gần như bằng không bởi nó có loại enzym làm tăng sức đề kháng. Không chỉ thế, loại enzym này còn giúp cho hương vị của thịt tăng lên". Từ đó, bà quyết định xây dựng mô hình nuôi lợn bằng giun quế với diện tích ban đầu là 400m2. 

Sáng mãi “chất lính” trong thời bình -0
Bà Liên với đàn lợn được nuôi bằng giun quế.

“Giai đoạn đầu cũng khó khăn lắm, song là người lính, mình không được bỏ cuộc. Cứ tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, rồi dần dần tôi cũng thành công. Ban đầu, anh em họ hàng vừa là người thưởng thức, vừa góp ý sản phẩm. Dần dần, tôi mở rộng trang trại thành mô hình cung cấp hàng hóa”, bà Liên vui vẻ cho hay.

Cùng với việc nuôi lợn bằng giun quế, để tăng chất lượng thịt, sau này, bà còn áp dụng phương pháp người Nhật Bản vẫn làm để sản xuất thịt bò Kobe là cho lợn nghe nhạc mỗi ngày. Những con lợn ở trang trại của bà ngày ngày được tắm nắng, nghe nhạc, ăn thức ăn nấu chín từ giun quế cùng với các thảo dược, được tráng miệng bằng các loại rau trái sạch trong vườn nhà. Nuôi ròng rã trong khoảng 7 tháng mới xuất bán, đưa vào lò giết mổ ngay tại trang trại và phân loại, đóng gói, hút chân không. Thành phẩm cuối cùng có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc và mã vạch xác minh… chuyển đi cho các cơ sở tiêu thụ.

Làm ra sản phẩm chất lượng là chưa đủ, khi thịt lợn nuôi giun quế GHT bắt đầu có mặt trên thị trường cũng là lúc nhiều sản phẩm thịt lợn nuôi giun quế khác cũng được các nhà cung cấp đưa ra. Để bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm, bà đã quyết tâm bảo hộ thương hiệu GHT cho các sản phẩm như thịt lợn, giò, xúc xích làm từ thịt lợn. Sau gần 2 năm nộp hồ sơ (tháng 5/2015), đến tháng 4/2017, thương hiệu GHT chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu.

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm thịt lợn GHT đã được nhiều nhà cung cấp thực phẩm sạch tìm đến. Đến nay, sản phẩm đã có mặt thường xuyên tại chuỗi cửa hàng Bác Tôm, Nông sản ngon, thực phẩm Chí Nông. “Mỗi ngày, tôi chỉ xuất bán khoảng 70-100kg. Nguyên nhân bởi làm ra miếng thịt ngon không nhanh được. Tôi muốn từng sản phẩm của mình khi được đưa ra thị trường phải là sản phẩm tốt nhất. Chỉ có thế mới có thể giữ được thương hiệu”, bà Liên nhấn mạnh.

Kéo dài cơ duyên với giun quế

Song song với chăn nuôi lợn, bà Liên nuôi giun quế, vừa để làm thức ăn cho lợn, vừa để làm thuốc. 

Công thức chế biến giun quế thành dược liệu được bà tìm tòi qua nhiều tài liệu, trong đó có tài liệu của ông Nguyễn An Định, con trai nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. “Khi đất nước còn chiến tranh, ông Định đã dùng giun đất chữa dịch sốt xuất huyết. Từ bài thuốc được đính thân ông Định trao lại, tôi cải tiến, sử dụng giun quế thay cho giun đất. Giun được sao vàng, hạ thổ, nghiền mịn và đóng vào các lọ nhựa bảo quản. Tất cả mọi công đoạn rất tỉ mỉ và phải làm thủ công, từ đó cho ra đời bột địa long hỗ trợ điều trị các chứng bệnh về huyết áp, đột quỵ, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em”, bà Liên bộc bạch. 

Sáng mãi “chất lính” trong thời bình -0
Bà Liên với sản phẩm giun quế.

Loại giun để chế biến thuốc và thực phẩm được nuôi riêng. Khu vực nuôi giun phủ bạt kín, tạo môi trường ẩm ướt, dưới đất có các bể sâu, trải phân bò, lợn. Mỗi lứa giun quế, bà nuôi trong 45 ngày. Sau khi thu hoạch giun được mang đi rửa sạch, đóng gói bảo quản trong kho lạnh. Ba tạ giun thu được mỗi tháng chỉ có khoảng 30 kg là phục vụ cho mục đích làm thuốc và thực phẩm. Mùn giun quế để lại (phân giun) được làm thành phân bón thực vật. 

Sau 15 năm phát triển, từ một trang trại, đến nay, bà đã phát triển thêm năm cơ sở nuôi lợn với hàng trăm con lợn và bốn trang trại nuôi giun quế tại Thái Nguyên, Ba Vì, Hải Phòng. Trang trại của bà tạo công ăn việc làm thường xuyên cho bảy lao động với thu nhập 9-11 triệu đồng/người/tháng. Với cách làm bài bản, ngay cả khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại Việt Nam, gây thiệt hại cho không ít người nuôi lợn, trang trại của bà vẫn không bị ảnh hưởng.

“Hiện nay, mỗi tháng, doanh thu từ trang trại khoảng 500-600 triệu đồng, trừ chi phí đi cũng không được nhiều. Nhưng làm nông nghiệp sạch là thế. Tôi mừng vì đã góp một phần cho việc thúc đẩy an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển nông nghiệp sạch cả nước, đồng thời, tạo công ăn việc làm cho những người xung quanh mình”, bà Liên cho hay.