Nông dân trồng dứa Cầu Đúc phấn khởi vì trúng mùa, được giá

NDO -

NDĐT- Hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gây rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nông dân phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, đối với người trồng dứa (khóm) vùng bị nhiễm phèn, mặn ở Hậu Giang thì rất phấn khởi vì liên tiếp ba năm nay đều trúng mùa, được giá.

Thu hoạch khóm ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh
Thu hoạch khóm ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh

Thời điểm này nông dân vùng chuyên canh trồng khóm Cầu Đúc ở các xã ven của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, đang vào mùa thu hoạch nghịch vụ (từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch). Đây là một trong mười mặt hàng nông sản chủ lực của Hậu Giang đã có nhãn hiệu, tham gia thị trường khá tốt. Hiện thương lái thu mua khóm loại I (từ 1 kg/trái trở lên) tại rẫy có giá từ 8,5 nghìn – 9 nghìn đồng/trái; khóm dưới loại I thì hai trái tính một. Còn các tiểu thương bán lẻ tại chợ thì dao động từ 15 nghìn -18 nghìn đồng/trái. Đây là giá đứng ở mức cao liên tiếp ba năm trở lại đây.

Bên rẫy khóm chuẩn bị thu hoạch, bà Trần Thị Thảnh, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh phấn khởi cho biết: “Vài ngày nữa, gia đình tôi thu hoạch hai công khóm, số lượng khoảng 1.000 trái. Hiện tôi đã lấy tiền đặt cọc của thương lái với giá 9.000 đồng/trái, tính ra đợt này sẽ thu được lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng và đây là năm thứ ba liên tiếp gia đình tôi có tiền lời cao từ bán khóm”.

Hiện ngoài số lượng khóm chuẩn bị thu hoạch, trên rẫy khóm của bà Thảnh vẫn còn nhiều trái khóm nhỏ, dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 6 tới và đây là thời điểm giá khóm thường đạt mức đỉnh điểm. Điển hình như vụ khóm năm trước, giá khóm đạt đến mức 12.000 đồng/trái loại I. Ngoài ra, bà Thảnh cũng đang tiến hành xử lý khóm cho lần thu hoạch thứ ba trong năm vào tháng 8 và tháng 9. Bà Thảnh chia sẻ: “Không riêng gì tôi mà hầu hết người trồng khóm xứ này đều áp dụng phương pháp xử lý khóm cho trái nghịch vụ và chia ra 4 đợt thu hoạch trong năm, thay vì tập trung vào một mùa thuận như kiểu trồng truyền thống. Nhờ rải vụ mà khóm luôn bán được giá cao gấp 2-3 lần so với vụ thuận vào tháng 4 và 5”.

Còn ông Võ Văn Thanh, có một ha khóm ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, bộc bạch: “Tôi gắn bó với cây khóm gần 50 năm, cũng giống với những loại cây trồng khác, giá khóm thường bấp bênh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ được Nhà nước quan tâm trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để xử lý khóm nghịch vụ và xây dựng thương hiệu khóm Cầu Đúc nên giá bán ngày càng tăng cao và ổn định. Đặc biệt, trong ba năm gần đây, người trồng khóm xứ này sống khỏe lắm, đã có hộ thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ”.

Theo Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, Dương Minh Truyền: Hiện toàn xã có gần 960 ha khóm, chiếm 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương. Xác định là vùng đất bị nhiễm phèn, mặn, trong khi cây khóm Cầu Đúc chịu được nồng độ phèn, mặn cao, nên địa phương chọn là cây trồng chủ lực của xã để triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế của loại cây trồng này. Qua đó, đã thành lập hợp tác xã trồng khóm và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu khóm Cầu Đúc. Nếu giá khóm tiếp tục ổn định ở mức cao như hiện nay thì trong vài năm tới, người dân xã Hỏa Tiến sẽ trở nên khá giàu nhờ vào cây trồng đặc sản này.

Hậu Giang hiện có hơn 1,6 nghìn ha trồng khóm Cầu Đúc, tập trung nhiều ở thành phố Vị Thanh và một số xã của huyện Long Mỹ. Trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh cũng xác định vùng đất nhiễm phèn và hàng năm thường bị ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn nơi đây để xây dựng vùng chuyên canh trồng cây khóm Cầu Đúc. Bởi vì, ngoài loại cây này thì rất ít cây trồng khác thích nghi được. Trước đây, cây khóm cũng từng lâm vào cảnh giá cả bấp bênh. Nhưng những năm gần đây, thị trường tiêu thụ khóm rất thuận lợi và giá bán ổn định ở mức cao, nên người trồng khóm có nguồn thu nhập hấp dẫn. Cụ thể, vào mùa nghịch giá khóm dao động từ 8 nhgìn -12 nghìn đồng/trái loại I; còn mùa thuận cũng ở mức 4 nghìn-5 nghìn đồng/trái loại I. Với mức giá này, người trồng khóm có thể đạt mức lợi nhuận từ 60–70 triệu đồng/ha/năm. Bởi năng suất khóm thường đạt từ 1,8 nghìn -2 nghìn trái/công/năm (tương đương khoảng 15-18 tấn/ha/năm).

Lâu nay, khóm Cầu Đúc đã rất quen thuộc với người tiêu dùng. Nét riêng của thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang so với các giống khóm khác là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, thịt vàng sậm, ít nước, ăn giòn và ngọt thanh. Với đặc tính này, đặc biệt là cây khóm chịu được nồng độ phèn, mặn cao, rất phù hợp để các địa phương trong tỉnh chọn làm cây trồng thích ứng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như trong Chương trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016 - 2020 có đề ra đối với cây khóm là phải xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh có diện tích từ 2 nghìn – 2,5 nghìn ha, nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Với tình hình sản xuất và tiêu thụ khóm thuận lợi như hiện nay, nhiều khả năng diện tích khóm sẽ được nông dân mở rộng lên 3 nghìn ha. Bởi vì bà con ở những khu vực không thể canh tác lúa vì bị nhiễm mặn hay những mảnh vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng khóm.

Để thương hiệu khóm Cầu Đúc tiếp tục vươn xa, giúp người dân sản xuất có thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định, ngoài việc hỗ trợ tiến bộ khoa học kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh còn thực hiện xây dựng Khu bảo tồn gen khóm Queen Cầu Đúc. Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh đang xây dựng vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc tại xã Hỏa Tiến.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện Hợp tác xã trồng khóm Thạnh Thắng, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến lại đang hợp tác với Công ty xuất khẩu Miền Tây trồng khảo nghiệm 56 nghìn chồi khóm lạ ngay trong vùng chuyên canh khóm Cầu Đúc, đáng quan ngại hơn là chỉ cách một con mương với Khu bảo tồn gen khóm Queen Cầu Đúc. Trong khi đó, lãnh đạo HTX rất mù mờ về nguồn gốc xuất xứ của giống khóm này. Hiện loại khóm lạ này trồng khảo nghiệm được 7 tháng, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh và một số cơ quan có liên quan vẫn không hay biết!?

Thiết nghĩ, ngành chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ, vì nhiều khả năng loại khóm lạ này ảnh hưởng đến nguồn giống gen khóm Cầu Đúc đã được tỉnh xây dựng thương hiệu và đang phát triển.