Chuyện của chiến sĩ Ðiện Biên

65 năm trước, trên chiến trường Ðiện Biên Phủ, các chàng trai: Phạm Bá Miều, Phạm Ðức Cư, Nguyễn Hữu Chấp, Hoàng Văn Bẩy, Bùi Văn Ðiềm… đã xông vào các trận đánh mà chẳng hề nghĩ tới hiểm nguy. Khi buông tay súng trở về cuộc sống đời thường, họ vẫn vẹn nguyên niềm tin người lính luôn nhắc nhở "phải sống sao cho xứng với sự hy sinh của đồng đội"…

Chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa kể chuyện truyền thống trên đồi A1.
Chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa kể chuyện truyền thống trên đồi A1.

Trong số hơn 500 khách mời tham dự hội thảo khoa học "Chiến thắng Ðiện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực", do Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Ðiện Biên, tổ chức ngày 25-4 tại trung tâm TP Ðiện Biên Phủ, chẳng khó nhận ra những khách mời là chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa. Mang trên mình bộ quân phục sờn cũ, có người phải nhờ con cháu dìu lên bục, vậy mà khi kể về trận đánh năm xưa, những người chiến sĩ ấy vẫn rành rọt từng lời.

Nhớ rõ dấu mốc các trận đánh Him Lam, đồi D1, đồi E trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Nguyễn Hữu Chấp, khẩu đội trưởng cối 82 đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 vẫn nhớ như in khí thế đánh trận mở màn cách đây 65 năm. Ông kể: "Ðể tiến công vào "cánh cửa sắt Him Lam", cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn 312 được quán triệt là trận đánh khó khăn, vì ở đó quân Pháp bố trí một tiểu đoàn có 750 người, thuộc bán lữ đoàn Lê Dương số 13 - một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng trấn giữ. Ðây cũng là trận đánh mở màn chiến dịch, nên yêu cầu từ Bộ Chỉ huy chiến dịch là "phải thắng" mới động viên tinh thần bộ đội ta trên toàn chiến dịch. Ðể thể hiện quyết tâm, các đảng viên đều viết quyết tâm thư sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13-3, không để trận đánh kéo dài sang những ngày hôm sau". 12 giờ đêm 12-3-1954, từ Tà Lèng, ông Chấp cùng đồng đội hành quân chiếm lĩnh trận địa, gần sáng đội hình của Sư đoàn 312 đã đến cánh đồng quanh cứ điểm. Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam dưới trời nắng chang chang lại phải nghe loa của Pháp ra rả: "Ðiện Biên là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời Tướng Giáp mà đánh vào. Ðánh vào không còn đường về với bố mẹ", nhưng không ai nao núng. 17 giờ ngày 13-3-1954, pháo ta tập trung bắn vào Him Lam. Ngay loạt đầu đã trúng cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm nên bộ đội ta hết sức phấn khởi. Sau hơn một giờ chiến đấu, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đã tung bay trên cứ điểm 3; đến 22 giờ 30 phút, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. 23 giờ 30 phút, Sư đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 địch, bắt sống 200 địch và thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Chiến thắng giòn giã trong trận mở màn của Sư đoàn 312 tạo nên một niềm tin mãnh liệt, lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta trên toàn mặt trận…

Suốt 65 năm, trải qua bao dâu bể đời người nhưng ông Chấp luôn nghĩ về những trận đánh khói lửa ngút trời và nghĩ về nơi bao đồng đội đã ngã xuống. Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo: "Tôi bị hỏng một mắt, nhưng đồng đội tôi gửi cả tuổi xuân trên đất này. Mỗi lần nhớ ngày chiến đấu tôi lại nhớ đồng đội nhiều hơn..."!

Với ông Phạm Ðức Cư, nguyên chiến sĩ Ðiện Biên Phủ ở phường Nam Thanh thì kỷ niệm kéo pháo gian khổ cũng đã theo suốt cả cuộc đời. Những ngày cùng đồng đội kéo pháo xuyên rừng, qua sông, qua suối, qua những con dốc dựng đứng bên vực sâu, các ông gần như quên ăn quên ngủ. Sau chín ngày kéo pháo với khoảng cách hơn 10 km, quân ta đã đưa pháo vào trận địa ngay sát đồi Ðộc Lập, thì bất ngờ nhận lệnh kéo pháo ra tập kết tại địa điểm cũ, thay đổi cách đánh từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Quãng đường kéo pháo ra gian khổ nhưng người nào người ấy vẫn chắc dây kéo, không ai rời vị trí. Trên đường kéo pháo ra, qua dốc Chuối nghiêng khoảng 70 độ, dây tời bị đứt, pháo theo đà lao xuống vực, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã lao vào giữ pháo. Kết quả, pháo được cứu đưa về địa điểm tập kết an toàn nhưng đồng chí đã hy sinh khi tuổi vừa 30. Tấm gương hy sinh của khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện tiếp thêm nghị lực, nhiệt huyết cho ông Cư và đồng đội tiếp tục với trận chiến đầy cam go.

Kể lại diễn biến bốn cuộc tiến công vào đồi A1, bắt đầu từ ngày 30-3-1954 và kết thúc vào 4 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ông Phạm Bá Miều - chiến sĩ Ðiện Biên nhiều lần ngưng chuyện. "Chiến dịch Ðiện Biên Phủ thắng lợi nhưng rất nhiều đồng đội của tôi mãi nằm lại nơi này"!… Nói chưa hết lời người cựu chiến binh 90 tuổi bật khóc. Những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội đè nén tâm can trong mỗi lần kể chuyện…

Bốn năm sau ngày Ðiện Biên Phủ toàn thắng, theo Quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, Sư đoàn 316 được lệnh trở lại Ðiện Biên. Theo đó Trung đoàn 176 được giao nhiệm vụ xây dựng nông trường; Trung đoàn 98 được phân công sửa chữa con đường từ Tuần Giáo đi Ðiện Biên; Trung đoàn 74 (bộ binh) và trung đoàn 8 (pháo binh) thì xây dựng lực lượng quân đội. Sau khi chính thức làm lễ "hạ sao" để trở thành công nhân Nông trường Ðiện Biên, mỗi đại đội là một đội sản xuất, được bố trí xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Ðiện Biên và hai đại đội được bố trí ở khu vực Mường Ảng. Các đơn vị sản xuất vẫn được gọi là C. Năm 1959, với khẩu hiệu "Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy Nông trường làm gia đình", hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã về quê đưa vợ, con lên xây dựng Nông trường. Với tất cả lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, các chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa tiếp tục bước vào "trận chiến" mới, trận chiến "xóa đói nghèo" trên nền chiến trường mà họ từng chiến đấu không tiếc máu xương…

Chở lại những ngày đầu của cuộc chuyển hướng từ chiến trường sang nông trường, ông Hoàng Văn Bẩy, nguyên chiến sĩ Ðiện Biên, cho biết: Có đôi chút ngỡ ngàng vì bàn tay quen cầm súng nay chuyển sang cầm cày, nhưng chỉ thời gian ngắn sau việc đã đâu vào đấy, vì bộ đội ta phần nhiều là "nông dân mặc áo lính". Khi đã bắt được cái men say của đất, cái mùi thơm của lúa mạ, rạ rơm thì máu nông dân trong người lính lại thúc họ lăn xả vào việc. "Năm 1959, nông trường đã tạo ra được giống lúa tốt đặt tên là Ðiện Biên 1, Ðiện Biên 2, được đưa sang làm quà cho nước bạn Cu-ba" - ông Bẩy tự hào khi kể về thành quả ngày đó!

Với ông Phạm Bá Miều "trận chiến" mới kéo dài 21 năm ở huyện nghèo biên giới Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ), với vô vàn gian nan, thử thách. Nhớ nhất là quãng thời gian 5 năm (1958-1963) trực tiếp phụ trách xã Hua Bum, ông Miều bồi hồi kể: "Ðịa bàn lạ, tiếng mình bà con không biết mà tiếng bà con thì mình không hiểu; nhiều người thấy cán bộ người Kinh thì… bỏ chạy, nên đi tìm dân thôi cũng vất vả lắm rồi. Cảm thương khó khăn, thiệt thòi của đồng bào dân tộc thiểu số; quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, mỗi ngày chúng tôi đều lên lịch đến từng nhà gặp gỡ bà con. Ban đầu là làm quen, sau thì tiếp xúc bằng việc làm, dần dà đồng bào quen với cán bộ người Kinh, họ cho cán bộ ở cùng và làm theo cách làm của cán bộ". Không phụ công sức của ông Miều và nhiều đồng chí khác, người dân xã Hua Bum đã nghe theo cán bộ, đã biết cấy lúa, biết nuôi thêm con vịt, con gà cải thiện bữa ăn. Ðời sống đồng bào dân tộc ở Hua Bum dần khá hơn vì không phụ thuộc lối sống nhờ săn bắt, hái lượm.

"Gặp lại nhau đây sau 50 năm là quý lắm rồi" - đó là lời của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (tháng 5-2004), nay 65 năm, thêm nhiều chiến sĩ Ðiện Biên đã thành người "thiên cổ". Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, không ít lần khán phòng lặng đi trước những câu chuyện thật do người thật sẻ chia, về một thời những người lính Ðiện Biên từng "xẻ núi lăn bom" vì độc lập, tự do cho Tổ quốc...