Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó bão số 5

NDO -

Tính đến sáng nay, 9/9, thiệt hại do bão Conson tại Philippines là 19 người mất tích, 19.343 hộ (79.062 người) bị ảnh hưởng, 10.063 người phải sơ tán. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục họp trực tuyến với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để sớm triển khai các phương án ứng phó.

Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão Conson sáng 9/9.
Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão Conson sáng 9/9.

Dự báo hướng đổ bộ của bão số 5 rất khó lường

Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến sáng nay, 9/9, thiệt hại do bão Conson tại Philippines là 19 người mất tích, 19.343 hộ (79.062 người) bị ảnh hưởng, 10.063 người phải sơ tán. Bão này làm 3.058 nhà bị hư hại, 154 đoạn đường và 4 cây cầu bị hỏng; 19 tỉnh, thành phố ở Philippines bị mất điện (hiện đã khôi phục điện trở lại cho 8 địa phương). Bão cũng làm 52.640 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại (với giá trị thiệt hại khoảng 193,796 triệu Peso, tương đương 3,8 triệu USD).

Tại Việt Nam, đến sáng nay, các địa phương ở miền núi phía bắc có kế hoạch sơ tán 154.396 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời sơ tán 143.392 dân ở khu vực ven sông và ngoài đê (nhiều nhất là Phú Thọ, Tuyên Quang). Tại khu vực ven biển và đồng bằng, có thể sơ tán 231.096 dân khu vực ven biển (tập trung tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Định), sơ tán 237.393 dân khu vực ven sông và ngoài đê (Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An nhiều nhất).

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, khoảng 23 giờ đêm qua 8-9, tâm bão Conson đã vào Biển Đông, hiện nay đang hoạt động với cấp 9, giật cấp 11 và có hướng di chuyển chủ yếu là Tây Bắc.

Do ở ngoài khơi Thái Bình Dương đang tồn tại một cơn bão khác là Chanthu tương tác với bão số 5 nên bão số 5 có xu hướng di chuyển chậm lại. Khoảng ngày 11 và 12-9, bão số 5 hoạt động chủ yếu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa với cấp 10-11, giật cấp 13, sau đó tiếp tục di chuyển chậm về phía đất liền nước ta.

Tuy nhiên, hiện nay việc dự báo hướng đổ bộ của bão số 5 rất khó. Theo ông Hoàng Phúc Lâm, trên thế giới, các cơ quan dự báo bão đang đưa ra nhiều mô hình với hướng đi của bão khác nhau. “Thậm chí mô hình của Mỹ còn cho rằng tâm bão có thể đi vào khu vực Đà Nẵng. Còn Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo bão sẽ đi vào vùng biển Bắc Trung bộ”, ông Hoàng Phúc Lâm chia sẻ.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó -0
Họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai quốc gia ứng phó với bão Conson sáng 9/9, tại điểm cầu Hà Nội.

Khẩn trương triển khai các phương án ứng phó

Về công tác sơ tán người và phương tiện trên biển vào nơi tránh trú an toàn, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng Phòng Cứu hộ, cứu nạn - Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng cho biết: Hiện nay, hầu hết tàu thuyền neo đậu ở bờ để thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, sáng nay, 9/9, trên biển vẫn còn khoảng 500 tàu thuyền đang hoạt động, chủ yếu là tàu thuyền của ngư dân ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định và tập trung nhiều ở khu vực biển tại quần đảo Hoàng Sa (nơi dự báo tâm bão số 5 đi qua).

Theo đó, lực lượng biên phòng tuyến biển sẽ bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ, khẩn trương di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm (nhất là ở khu vực Hoàng Sa). Các trường hợp không di chuyển kịp thì phải tìm cách neo đậu tại các đảo nhỏ ở khu vực Hoàng Sa.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho rằng, số lượng tàu thuyền đang tập trung ở khu vực nguy hiểm là khá lớn, đề nghị lực lượng biên phòng cùng các địa phương tăng cường kêu gọi tránh bão, cần nắm chi tiết đến từng tàu, không nắm chung chung và phải chủ động liên lạc để thông báo cho các tàu, không để lặp lại tình trạng như năm 2020, có 2 tàu với 23 ngư dân mất tích do chủ quan với bão, di chuyển chậm khi trú tránh.

Cùng với tuyến biển, hiện nay công tác ứng phó với bão, mưa lũ trên đất liền cũng yêu cầu vào cuộc sớm, không thể chủ quan do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ông Trần Quang Hoài cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công văn hỏa tốc số 92 gửi Bộ Y tế đề nghị khẩn trương có hướng dẫn công tác sơ tán dân để ứng phó mưa lũ, bão trong tình hình dịch Covid-19. Mặc dù Bộ Y tế đã có dự thảo hướng dẫn, nhưng với quy định ở các "vùng đỏ" là “ai ở đâu ở yên đó” theo Chỉ thị 16 mà không có những hướng dẫn chi tiết, linh hoạt thì sẽ rất khó thực hiện công tác sơ tán, hỗ trợ người dân đến nơi an toàn, nhất là sơ tán đến nơi

Đánh giá cao Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chuẩn bị, tập trung tới 500.000 bộ đội để sẵn sàng ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, song ông Trần Quang Hoài đề nghị cần chủ động với các phương án, tránh để xảy ra sự cố như trong vụ sạt lở tại miền Trung (Thủy điện Rào Trăng 3 tại Thừa Thiên - Huế) năm 2020.

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão trên biển Đông, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai quốc gia đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Đối với khu vực miền núi.

- Theo dõi chặt chẽ thông tin, dự báo cảnh báo mưa lũ; tăng cường công tác thông tin truyền thông;

- Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặt biệt là các hồ chứa thủy lợi nhỏ, xung yếu đã đầy nước và các công trình đang thi công dở dang.

-  Đôn đốc các địa phương có phương án thu hoạch, bảo vệ lúa, hoa màu đã đến kỹ thu hoạch hạn chế thiệt hại khi xảy ra lưa, lũ.

- Bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng khắc phục sự cố đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

2. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác để các bộ ngành, địa phương triển khai ứng phó phù hợp, nhất là dự báo cường độ và thời điểm bão đổ bộ, cường độ và diện mưa.

3. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu, thuyền biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh, trú.

4. Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về công tác phòng chống thiên tai, nhất là sơ tán dân trong khu vực phòng chống dịch theo Chỉ thị 16.