Chủ tịch Quốc hội yêu cầu công tác giám sát phải “làm đến nơi, đến chốn, có bằng chứng cụ thể”

NDO -

Sáng 4/11, chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu công tác này “phải làm đến nơi, đến chốn, có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực”, đồng thời xác định rõ trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ điểm cầu Nhà Quốc hội kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với sự tham dự của nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, các sở, ban, ngành...

Dự điểm cầu Nhà Quốc hội có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, các bộ, ngành, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị - xã hội.

Để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các chuyên đề sát đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình giám sát chi tiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội chỉ phê chuẩn Nghị quyết phê chuẩn chương trình giám sát của Quốc hội, còn việc thành lập Đoàn giám sát và đề cương, kế hoạch chi tiết từng chuyên đề giám sát giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội - đây là  điểm đổi mới so với trước đây.

Trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 4 giám sát chuyên đề, trong đó 2 giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Trong thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung dành nhiều thời gian và nguồn lực cho công tác chuẩn bị, huy động được tổng thể trí tuệ của đại biểu Quốc hội, sự đóng góp của các cơ quan chức năng rất sâu sát trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát như Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ...

Các kế hoạch, đề cương chi tiết đã được thảo luận rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian thích đáng cho việc xem xét, quyết định ban hành quyết định thành lập các Đoàn giám sát cũng như các kế hoạch, đề cương giám sát chi tiết.

Nhấn mạnh công tác chuẩn bị tốt đã bảo đảm 50% thành công của chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, giám sát thì phải hiệu lực, hiệu quả; muốn vậy, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát…

Trong cả 4 chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có kế hoạch huy động các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương; mời và giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND 63 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện giám sát.

Với lĩnh vực này, khẳng định Quốc hội “phải làm đến nơi, đến chốn¸có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát”, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong từng ngành, lĩnh vực. 

Phát biểu chỉ đạo định hướng công tác giám sát trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.

“Có như vậy, sau giám sát, chúng ta mới hy vọng có thể tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước và yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về phương thức giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiến hành đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, tỉnh, thành phố nào làm ở tỉnh, thành phố đó và có kiểm tra chéo lẫn nhau, HĐND làm độc lập, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đoàn giám sát làm độc lập, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tiến hành độc lập. 

Bên cạnh đó, qua giám sát phải chỉ ra được những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay là do tổ chức thực hiện. Tới đây, phải tăng cường công tác giải trình tại các cơ quan của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên tinh thần chỉ đạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; qua đó làm rõ việc lựa chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và thực chất hơn trong bối cảnh dịch Covid-19, gắn kết quả thực thi văn bản pháp luật trên thực tế; giải pháp huy động có hiệu quả sự tham gia của cơ quan kiểm toán, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và các chuyên gia.