Tại đây, Chủ tịch nước lưu ý, ngành kiểm sát tập trung thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình hoạt động, phải đề cao và thực thi các nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà Hiến pháp giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.
Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao cho biết, trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành hữu quan, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật; tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Hằng năm, kết quả các mặt công tác cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, năm sau cao hơn năm trước.
Tiêu biểu trong đó là, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định “chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm” là nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự: tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, như nguyên tắc “suy đoán vô tội”, “trọng chứng hơn trọng cung”, “bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội”, “chứng cứ đến đâu xử lý đến đó”; thực hiện các biện pháp tố tụng bảo đảm chặt chẽ, tăng cường phúc cung trước khi quyết định truy tố; kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với điều tra viên ngay từ đầu của giai đoạn thụ lý tin báo, tố giác tội phạm và khởi tố, điều tra, truy tố.
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN) |
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và chỉ đạo toàn ngành chủ động thực hiện trách nhiệm công tố, xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời , ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành các tiêu chí phân hóa, xử lý đối tượng trong một số vụ án…
Trong công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành chỉ thị yêu cầu phải chủ động, tích cực trong phối hợp, xử lý nguồn tin; chủ động đề ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác điều tra. Kết quả điều tra có nhiều chuyển biến tích cực, không để xảy ra trường hợp oan, sai; tập trung khởi tố điều tra nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ
Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm nghị quyết, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng, về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhiều năm qua đã chỉ đạo toàn ngành đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng ngành... Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn, nhất là những tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm liên quan đến an ninh phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, liên quan tiền ảo, rửa tiền.... Nhiều quy định pháp luật còn bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng….
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Chủ tịch nước quan tâm, chỉ đạo bảo đảm các điều kiện hoạt động của ngành, như xem xét, bổ sung số lượng kiểm sát viên các cấp, nhất là kiểm sát viên trung cấp để bố trí đủ cho lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; nghiên cứu cơ chế phân bổ ngân sách và chế độ, chính sách đặc thù cho Viện Kiểm sát nhân dân; thực hiện liên thông dữ liệu án hình sự giữa Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án…
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến phát biểu, đề xuất của đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị trên thế giới và trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước cùng lúc chúng ta phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong khi các thế lực thù địch gia tăng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng nước ta. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp, đa dạng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan Phòng truyền thống của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. (Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN) |
Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của cả hệ thống chính trị, các lĩnh vực của đời sống xã hội và đạt được những kết quả quan trọng, trong đó, giữ ổn định kinh tế, tiếp tục vượt khó, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại có nhiều thành tựu nổi bật, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới và quan trọng nhất là niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để đạt được kết quả đó có một phần đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân.
Theo Chủ tịch nước, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kiểm sát cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, đồng thời đề nghị ngành nghiêm túc, đánh giá những việc đã làm tốt, việc gì làm chưa tốt, tập trung phân tích nguyên nhân để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và tìm ra những giải pháp tích cực, hữu hiệu khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng ,hiệu quả hoạt động.
Ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất trong báo cáo và phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan tiến hành tố tụng và bộ, ban, ngành hữu quan quán triệt, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Trung ương; đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Bám sát nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; chú trọng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với những tư tưởng, biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nội dung các đề án, dự thảo văn kiện, nghị quyết của Trung ương.
Chủ tịch nước nêu rõ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Phá sản... để khắc phục những vướng mắc, bất cập; đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Đây là những đạo luật phản ánh rõ nét bản chất dân chủ của nền tư pháp nước ta, là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Việc hoàn thiện các dự án luật này nhằm thực hiện sự lãnh đạo của Đảng về yêu cầu cải cách đồng bộ pháp luật trong lĩnh vực tư pháp.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương tổ chức nghiên cứu, bảo đảm chất lượng các Đề án đã được Trung ương giao (về hoàn thiện cơ chế khởi kiện dân sự, khởi kiện hành chính để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước, lợi ích của các chủ thể dân sự là nhóm dễ bị tổn thương; cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xử lý trách nhiệm đối với trường hợp vi phạm trong việc ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng) để tham mưu với Đảng đưa vào nội dung Văn kiện Đại hội XIV - đây là những đề xuất về chính sách mới, rất quan trọng cần phải sớm được nghiên cứu và triển khai thực hiện để khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo cơ chế “phòng ngừa từ sớm, từ xa”, nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Ngành kiểm sát tập trung thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình hoạt động, phải đề cao và thực thi các nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà Hiến pháp giao cho ngành kiểm sát.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành kiểm sát không chỉ là phát hiện cái sai, cái vi phạm, mà quan trọng hơn, là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó. Thông qua mỗi vụ án, vụ việc cụ thể, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu, kể cả sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật.
Nhấn mạnh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định, Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Người cán bộ kiểm sát phải có tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, khách quan; phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, khiêm tốn. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương để nâng cao năng lực hoạt động của ngành, phục vụ thiết thực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Chủ tịch nước đề nghị Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp ủy đảng trong ngành phải hết sức chú trọng công tác cán bộ, gắn công tác này với việc củng cố, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và Chỉ thị của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Cần phải xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, bảo đảm tính kế thừa. Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện nghiêm Đề án 06 trong ngành kiểm sát, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chuyển đổi số mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu xây dựng Viện Kiểm sát hiện đại.
Trước đó, tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ và thăm Phòng truyền thống Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.