Chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại

NDO -

Bên cạnh những lợi ích về giảm thuế, quá trình hội nhập mạnh mẽ đã và đang khiến doanh nghiệp phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu. Chủ động ứng phó là giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi các vụ kiện và giữ vững thị phần.

Cá tra, cá basa Việt Nam đang được áp mức thuế thấp do chứng minh không vi phạm các biện pháp phòng vệ thương mại.
Cá tra, cá basa Việt Nam đang được áp mức thuế thấp do chứng minh không vi phạm các biện pháp phòng vệ thương mại.

Liên tiếp các vụ kiện phòng vệ thương mại

Giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Công thương đã nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam.

Đây là vụ việc DOC tự khởi xướng điều tra dựa trên các thông tin sẵn có với cáo buộc mặt hàng thép tấm không gỉ đang có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với hàng hóa tương tự của Trung Quốc từ năm 2016 với mức thuế là từ 139% - 267%.

Căn cứ để DOC khởi xướng điều tra là các nhà sản xuất xuất khẩu của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép cán phẳng không gỉ từ Trung Quốc sau đó gia công hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ. Lượng xuất khẩu sản phẩm thép tấm không gỉ từ Việt Nam có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn trước và sau khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc.

Các sản phẩm của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại không hiếm và thép là một trong những mặt hàng phải đối diện với nhiều vụ kiện trong thời gian qua, ở rất nhiều thị trường. Tuy nhiên, vụ việc lần này tương đối hiếm khi cơ quan có thẩm quyền của Mỹ tự khởi xướng mà không căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp.

Điều này cho thấy Mỹ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để bảo đảm hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.

Xu hướng phòng vệ thương mại đang là thực tế doanh nghiệp nhiều ngành hàng phải đối diện, song song với những lợi ích thuế quan mà doanh nghiêp nhận được trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến nay, Bộ Công thương đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 100 vụ việc chống bán phá giá, 18 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 35 vụ việc tự vệ.

Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2020, Bộ đang xử lý 13 vụ việc, đồng thời tiếp nhận xử lý sáu vụ việc tiền khởi xướng. Ngoài ra, Bộ tiếp tục xử lý nhiều vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực thi hành với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Phòng vệ thương mại nhận định, cùng với nỗ lực cảnh báo và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các cơ quan chức năng, đến nay, năng lực phòng vệ thương mại của các ngành sản xuất, xuất khẩu của ta đã được củng cố.

Nhiều ngành hàng (như thủy sản, thép, sợi, ván sợi bằng gỗ…) sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm thường xuyên bị kiện phòng vệ thương mại đã có kinh nghiệm ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Về cơ bản, hầu hết các doanh nghiệp có thái độ tích cực hợp tác tham gia quá trình điều tra của cơ quan điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài. Một số vụ việc, doanh nghiệp đã có sự chủ động, tìm sự tư vấn, hỗ trợ từ phía Cục Phòng vệ thương mại hoặc luật sư thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, ông Chu Thắng Trung cũng cho hay, còn có một số doanh nghiệp chưa thực sự tích cực, từ chối tham gia hoặc tham gia không đầy đủ trong một số vụ việc.

Một trong những lý do của tình trạng này là do hiểu biết về pháp luật phòng vệ thương mại quốc tế của các doanh nghiệp cũng như kinh nghiệm tham gia, ứng phó các vụ việc còn hạn chế. Trong một vài vụ việc, doanh nghiệp cố tình không phối hợp do ngay từ đầu, mục tiêu đầu tư, hoạt động đã là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Chú động ứng phó, kiên trì theo đuổi

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ, cá tra và cá basa xuất khẩu của Việt Nam thường xuyên phải đối diện với các đợt rà soát thuế chống bán phá giá.

Tuy nhiên, ngày 24-4-2020, DOC đã thông báo kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1-8-2017 đến 31-7-2018 đối với sản phẩm cá tra, cá basa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đó, mức thuế cuối cùng áp cho các doanh nghiệp đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với DOC là 0,15 USD/kg (tương ứng khoảng 3,8% giá xuất khẩu), giảm đáng kể so với đợt trước (POR14) là 1,37 USD/kg. Các doanh nghiệp không hợp tác sẽ nhận mức thuế 2,39 USD/kg, giữ nguyên so với POR14. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%.

Chia sẻ kinh nghiệm thoát khỏi các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, để có thể trải qua mười mấy kỳ xem xét hành chính và đạt được những kết quả tốt phải nhờ vào nhiều yếu tố. Quan trọng vẫn là doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, minh bạch về sổ sách, truy xuất được về hồ sơ gốc để có thể đáp ứng mọi yêu cầu thông tin của phía DOC.

"Việc thuê luật sư, văn phòng luật giàu kinh nghiệm, am hiểu thị trường ngay tại nước khởi xướng các vụ việc phòng vệ thương mại cũng giúp doanh nghiệp ngành thủy sản đương đầu với những điều khoản, yêu cầu của nước nhập khẩu", ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Một yếu tố quan trọng nữa là phải kiên trì theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá, bởi nếu bỏ cuộc cũng đồng nghĩa bỏ thị trường lớn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước

Ông Chu Thắng Trung cho hay, Quyết định đã đề ra các hoạt động toàn diện, tập trung vào các nhóm giải pháp về: Đào tạo về phòng vệ thương mại cho ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; cung cấp thông tin phòng vệ thương mại cho các Hiệp hội, ngành sản xuất trong nước; hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại theo hướng hiệu quả, tinh giản và phù hợp với các diễn biến mới; tăng cường công tác thực thi phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, trong các vụ việc cụ thể, Bộ Công thương đang chủ động làm việc, kể cả đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu những tác động bất lợi.

Bộ Công thương cũng đang đấu tranh pháp lý bằng cách đề nghị Chính phủ đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO khi những biện pháp mà các nước áp dụng có dấu hiệu vi phạm quy định WTO.

Doanh nghiệp cũng được khuyến cáo cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện; không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.