Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại 63 Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Tại Hội nghị đã có 12 lượt ý kiến của lãnh đạo các cơ quan T.Ư và các địa phương, cơ bản đồng tình với báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia và nêu ra những vấn đề cần tập trung để tổ chức cuộc bầu cử thuận lợi và thành công.
Tập trung thực hiện ba nhiệm vụ lớn
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đều nhấn mạnh trong tháng 5 và trong quý này không phải là nhiệm vụ kép nữa mà là ba nhiệm vụ song song, đó là: Tập trung toàn bộ ưu tiên về công sức, thời gian, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tập trung cao độ cho việc tổ chức bầu cử và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Qua báo cáo tại các địa phương và kết quả kiểm tra, giám sát tại 53 tỉnh, thành phố của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhận định: Đến nay, mọi công việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho Ngày bầu cử 23-5. Qua phản ánh của lãnh đạo các địa phương, tất cả các địa bàn khó khăn nhất hiện nay như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng (đang có diễn biến dịch Covid- 19 rất phức tạp) đều khẳng định quyết tâm chính trị rất cao là tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá kết quả triển khai, thực hiện vừa qua cho thấy, nội dung hướng dẫn của Trung ương, Hội đồng Bầu cử quốc gia là khung chung nhưng tùy hoàn cảnh từng địa phương có những đặc điểm rất khác nhau, công tác chuẩn bị bầu cử đã được thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học, rất chủ động và sáng tạo, với trách nhiệm rất cao của cả hệ thống chính trị. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng, cuộc bầu cử nói chung và Ngày bầu cử 23-5 tới đây sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công rất tốt đẹp.
Đặc biệt lưu ý thời gian chỉ còn năm ngày nữa là đến ngày bầu cử nhưng tình hình có những diễn biến phức tạp, nhất là dịch Covid-19 và những rủi ro tiềm ẩn về thiên tai, bão lũ, trật tự an toàn xã hội... Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, yêu cầu không được chủ quan, lơ là. Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban Bầu cử các cấp và các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử; chủ động xây dựng phương án tổ chức bầu cử phù hợp tình hình từng địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, tập dượt kỹ càng các phương án nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức bầu cử thành công. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với đề xuất của nhiều địa phương về việc cần tiếp tục tập huấn bổ sung cho cán bộ tham gia bầu cử, nhất là các tổ bầu cử; dự phòng nguồn nhân lực để bổ sung kịp thời cho các Tổ bầu cử trong trường hợp phải tách tổ bầu cử để thực hiện nhiệm vụ tại những nơi có khu cách ly tập trung.
Chủ động ứng phó với các tình huống
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chủ động trong thời gian qua của các bộ, ngành, các địa phương. Tại nhiều địa phương đã tổ chức xét nghiệm cho tất cả đội ngũ nhân sự tham gia công tác tổ chức bầu cử, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người ứng cử và đang tập trung tiêm phòng cho nhân sự tham gia tổ chức bầu cử, nhất là ở những địa bàn có rủi ro cao. Do đội ngũ nhân sự tham gia công tác bầu cử rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị địa phương nào có khó khăn thì cần phản ánh sớm để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Với những vấn đề, khó khăn, vướng mắc mới phát sinh, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu ủy ban bầu cử cấp dưới báo cáo ủy ban bầu cử cấp trên, ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia để được hướng dẫn giải quyết. Qua phản ánh thực tế tại một số tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải kịp thời nắm bắt tình hình số lượng cử tri thực tế trên địa bàn, bảo đảm số lượng cử tri đi bầu đạt cao nhất. Vấn đề rất khó hiện nay là phải cập nhật sự biến động của cử tri, phát thẻ cử tri cũng như bảo đảm quyền cho người ứng cử và quyền công dân để bảo đảm tỷ lệ đi bầu cử đạt cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cách xử lý linh hoạt trong việc tổ chức các địa điểm tổ chức bầu cử tại các địa bàn trong diện đang giãn cách xã hội, trong khu vực cách ly tập trung hoặc khu vực phong tỏa theo đúng hướng dẫn, linh động và sáng tạo, phù hợp từng điều kiện. Đề cập ý kiến của đồng chí Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng về tình hình xảy ra mưa lũ bất ngờ, cần có phương án dự phòng với các thùng phiếu phụ, thùng phiếu lưu động. Mặt khác, cần rà soát chuẩn bị, định hướng, kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình chuẩn bị tổ chức vận động bầu cử của những người ứng cử, bảo đảm công bằng trong vận động bầu cử.
Về công tác thông tin, tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia lưu ý cần chú trọng hơn nữa công tác thông tin từ cơ sở. Theo đó, càng gần đến ngày bầu cử, càng phải truyền thông sâu hơn về quyền bầu cử của công dân; truyền thông về các bước cụ thể, nguyên tắc trong quá trình tổ chức bỏ phiếu…
Cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng trực quan sinh động, hiệu quả hơn; trong đó phát huy hiệu quả thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội. Với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần phát huy tốt vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo có uy tín tham gia công tác tuyên truyền về bầu cử. Đồng thời, tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động, kể cả trên không gian mạng.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và đề nghị của các địa phương về việc nên tổ chức bầu cử sớm ở những địa bàn phức tạp về phòng, chống dịch. Địa phương nào có nhu cầu bầu cử sớm thì cần có văn bản cụ thể để Hội đồng Bầu cử quốc gia trả lời, hướng dẫn kịp thời.
Trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, y tế cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử. Các tổ bầu cử khi tổ chức khai mạc bầu cử cần bảo đảm trang trọng nhưng gọn nhẹ; thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 về các biện pháp phòng, chống dịch…
Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành hữu quan quan tâm việc cấp phát đủ kinh phí cũng như bổ sung kinh phí cho các địa phương có phát sinh nhiều do tác động của phòng, chống dịch Covid-19 và ứng phó với thiên tai; việc thực hiện kế hoạch các phần việc tiếp theo sau khi kết thúc ngày bầu cử…
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chăm lo tới đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời giải quyết khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra, nhất là với gia đình chính sách, hộ nghèo; bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở…