Ðiều đó làm cho việc kiểm soát dịch rất khó khăn. Cúm gia cầm bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hai trường hợp mắc cúm A (H5N1) tại hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đều đã tử vong. Bên cạnh đó, thông tin của Tổ chức Y tế thế giới về kết quả xét nghiệm vi-rút cúm A (H5N1) có nguồn gốc tại Việt Nam tại hai phòng xét nghiệm ở Hà Lan và Nhật Bản cho thấy, vi-rút cúm A (H5N1) có thể biến đổi trở thành chủng dễ dàng lây truyền ở các loài động vật có vú. Kết quả nghiên cứu này đã cảnh báo nguy cơ chủng vi-rút cúm A (H5N1) có thể biến đổi, dễ dàng lây truyền từ người sang người.
Trước tình hình trên, vấn đề chủ động dự phòng cúm A (H5N1) trên người là hết sức cần thiết. Các địa phương cần thực hiện quyết liệt trong phòng, chống dịch cúm trên gia cầm. Ðồng thời, các đơn vị chức năng của ngành y tế phối hợp, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là tiếp tục giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc cúm ở các địa phương; điều tra dịch tễ, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc với ca tử vong do cúm A (H5N1) và đã xử lý triệt để ổ dịch. Duy trì các điểm giám sát các trường hợp cúm tại cộng đồng, tại các điểm giám sát cúm quốc gia và các bệnh viện để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch và theo dõi sự biến đổi gen, tính kháng thuốc của vi-rút cúm A (H5N1) để đưa ra các giải pháp trong công tác dự phòng và điều trị.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết từng bước và giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Ðặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa y tế và thú y để chủ động giám sát dịch cúm xảy ra trên gia cầm và trên người. Tăng cường công tác truyền thông để người dân không giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ. Hoạt động tuyên truyền về phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng theo hướng xây dựng các chuyên đề truyền thông đa dạng nhằm truyền tải thông tin dễ hiểu, dễ nhớ.
Sau gần hai năm không có ca mắc cúm A (H5N1) cho nên cộng đồng có phần lơ là dẫn đến phát hiện muộn khi đó việc điều trị rất khó để đạt kết quả tốt. Do đó, cùng với việc nâng cao ý thức của người dân thì các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là tuyến cơ sở rà soát, cập nhật các biện pháp điều trị; tăng cường phát hiện và điều trị sớm cho người bệnh cúm A (H5N1). Các chuyên gia khuyến cáo, trong thời điểm hiện nay, các trường hợp nhập viện có sốt cao nhiều ngày đều đặt trong trường hợp nghi ngờ mắc cúm A (H5N1) và cho xét nghiệm bệnh phẩm tìm vi-rút cúm. Nếu người mắc bệnh được phát hiện sớm sẽ được điều trị khỏi.