Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng mà còn khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính trở thành nạn nhân, chịu thiệt hại lớn.
Đơn cử, ga là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp kinh doanh ga phải đầu tư chi phí để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đóng thuế, mua bảo hiểm, quảng bá thương hiệu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định... bình ga thường xuyên. Nhưng lâu nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại tình trạng chiết nạp ga trái phép, thu gom, chiếm dụng bình ga. Thậm chí, nhiều đơn vị còn mài chữ nổi trên vỏ bình ga của hãng khác; cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, lô-gô để biến thành bình ga của mình rồi tung ra thị trường.
Trưởng ban Chống gian lận thương mại (Hiệp hội Ga) Đào Trọng Thà cho biết, mặc dù rất cố gắng thu hồi nhưng hằng năm, vẫn còn khoảng 30% số vỏ bình ga đến hạn kiểm định trôi nổi trên thị trường, bị các đối tượng sử dụng để sang chiết nạp ga trái phép, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng uy tín thương hiệu. Những bình ga không bảo đảm an toàn này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hàng trăm vụ cháy, nổ trong thời gian qua.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Su-pe phốt-phát và Hóa chất Lâm Thao Văn Khắc Minh chỉ ra tình trạng đáng báo động về nạn phân bón giả, phân bón nhái trên thị trường hiện nay. Các cơ sở sản xuất phân bón giả thường làm hình thức bao bì gần giống các sản phẩm của công ty có uy tín, từ mầu sắc, kích thước, tên sản phẩm, thậm chí giống cả lô-gô để người mua khó nhận biết. Nhiều đối tượng còn đóng gói phân bón giả vào các bao bì đã qua sử dụng của các công ty có uy tín để lừa người tiêu dùng, kiếm lời. “Thật giả lẫn lộn” đã khiến nhiều người tiêu dùng hiểu nhầm về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, khiến doanh số bán hàng bị giảm sút.
Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam Nguyễn Đức Hiệp nhận xét, đối với doanh nghiệp, nạn hàng giả, hàng nhái gây ra ba hậu quả xấu: Thứ nhất, doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ bởi hàng giả, hàng nhái đã đánh trúng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Thứ hai, uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính bị giảm sút. Thứ ba, môi trường kinh doanh bị xâm phạm. Trong khi cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng là động lực của tăng trưởng, nhưng hàng giả, hàng nhái đã làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp.
Thiệt hại lớn như vậy, nhưng thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, chưa tích cực, chủ động phối hợp lực lượng chức năng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một phần nguyên nhân là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó khăn, hạn chế về các nguồn lực, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là doanh nghiệp chưa quyết liệt, thậm chí còn “ngại”, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Lê Thế Bảo chia sẻ, có doanh nghiệp khi được cơ quan chức năng thông báo về việc phát hiện có hàng nhái, làm giả hàng của doanh nghiệp thì lại đề nghị đừng “làm to chuyện”, đừng công khai. Hoặc khi thấy trên các phương tiện truyền thông đưa thông tin sản phẩm của mình bị làm giả thì lại than thở, thậm chí hốt hoảng. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, nếu người tiêu dùng biết sản phẩm này bị làm giả thì họ sẽ không dám mua hàng nữa. Chủ tịch Hiệp hội Lê Thế Bảo nhận định, nhận thức của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, cho nên ngại bị nói rằng sản phẩm của mình bị làm giả, sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, khó bán hàng. Từ đó cũng ngại tố cáo, khởi kiện, đấu tranh chống hàng giả.
Thiếu đi sự phối hợp của doanh nghiệp, công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của lực lượng chức năng sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nếu hàng giả không được ngăn chặn, về lâu dài doanh nghiệp sẽ đánh mất thương hiệu, khó gây dựng lại được niềm tin của người tiêu dùng. Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc đề nghị các doanh nghiệp cần vào cuộc tích cực hơn nữa, chủ động phối hợp các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cần đầu tư bài bản cho công tác chống hàng giả, đăng ký thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu, quản lý chặt hệ thống phân phối hàng hóa, chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả, tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Đồng thời cần tăng cường các dấu hiệu nhận biết trên sản phẩm, thường xuyên trao đổi với khách hàng về chất lượng sản phẩm và cách phân biệt thật - giả, lập kênh liên lạc để tiếp nhận những phản hồi của khách hàng về chất lượng sản phẩm.
Ngược lại, doanh nghiệp cũng kiến nghị các cơ quan quản lý có cơ chế xử lý, xử phạt các vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ một cách nghiêm minh, đủ sức răn đe. Thống nhất đầu mối tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp và xử lý kịp thời, tích cực, tạo ra cơ chế phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ để doanh nghiệp không mất nhiều thời gian, nguồn lực khi phối hợp. Bên cạnh đó là các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân để nâng cao nhận thức về công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.