Trước diễn biến bất thường của thiên nhiên, UBND tỉnh An Giang đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp xử lý, trong đó, giải pháp mềm đã được quyết định triển khai đầu tiên là chỉnh nắn dòng chảy khi nước sông Hậu đang vào mùa kiệt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sạt lở có thể xảy ra.
Cấp thiết cứu nguy
Đi dọc tuyến lộ giao thông liên xã Châu Phong – Long An (thị xã Tân Châu, An Giang), hàng trăm điểm sạt lở chạy dài nhiều km, có những đoạn đã ăn sâu vào đất liền, tiếp giáp ngay với tuyến lộ. “Tuyến lộ này trước đây cách bờ sông tới cả cây số, vậy mà chỉ chưa đầy chục năm qua, dòng nước cứ xoáy, ăn sâu vào đất liền. Có đoạn ăn bứt hết nhà cửa, đất đai. Nếu nó lở nữa thì hàng nghìn ha lúa ba vụ tuyến kinh Vĩnh An này cũng sẽ thành đất bãi bồi luôn mất. Chúng tôi mong sao giúp cho dòng chảy đừng ăn sâu vào đất liền thêm nữa”, ông Nguyễn Văn Bé, một người dân đã gắn bó cả đời với đất Châu Phong trần tình.
Thực tế, qua bến phà Châu Giang, bảng cảnh báo sạt lở đã xuất hiện chạy dọc theo tuyến tỉnh lộ 953 mép dòng sông Hậu. Đây là ngã ba sông giữa kênh Xáng, sông Hậu và kênh Vĩnh An. Ngược theo hướng hương lộ Châu Phong – Long An là điểm nóng nhất sạt lở của xã Châu Phong, đồng chí Phạm Đăng Thân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong cho biết: “Hằng năm, điểm đen sạt lở này đều có hàng chục lần sạt lở lớn nhỏ. Vài năm trở lại đây, tình hình sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tuyến lộ cũng là đê bao duy nhất cho toàn bộ diện tích sản xuất hàng chục nghìn ha hai xã Long An, Châu Phong. Tỉnh, huyện và xã đã hình thành cụm tuyến dân cư cũng chỉ như muối bỏ bể khi số hộ mất nhà, nguy cơ mất nhà cứ liên tục tăng hằng năm mà không cách nào hạn chế do sạt lở gây ra”.
“Chúng tôi đã hoàn thành cụm tuyến di dời tất cả các hộ dân đã bị sạt lở, nhưng số nền nhà quá ít so với nhu cầu thực tế. Còn đến vài trăm hộ phải khẩn cấp di dời nhưng vốn đầu tư cho cụm tuyến mới chưa có, quỹ đất cũng gần cạn mà sạt lở thì cứ liên tục diễn ra. Do đó, địa phương cần Trung ương, tỉnh nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp ứng phó với sạt lở khẩn cấp” - Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu Nguyễn Minh Hùng cho biết.
Ông Hồ Văn Quý, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, số hộ dân đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tại xã Châu Phong, Tân Châu là 428 hộ. Tuy nhiên, chỉ 70 hộ là đã được di dời. 3.400 ha lúa ba vụ của Châu Phong sẽ bị uy hiếp ngay nếu sạt lở tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân chính do dòng chảy ăn quá sâu vào bờ Châu Phong mà lại bị bồi lắng, hình thành các cồn bãi phía bờ Vĩnh Trường, An Phú đến 150m tính thời điểm hiện tại phần lớn dòng chảy xoáy phía bờ Châu Phong gây ra. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề sạt lở ở Châu Phong.
Theo nghiên cứu độc lập của Viện Khoa học – Thủy lợi miền nam cho thấy: Đoạn sông nghiên cứu có chiều dài khoảng 7 km, thuộc sông Hậu đoạn từ ngã ba kênh Xáng Vĩnh An đến ngã ba sông Châu Đốc thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Vĩnh Trường, xã Đa Phước, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Năm 2016, tại khu vực nghiên cứu đoạn sạt lở nằm ngay bờ trái sông Hậu, kéo dài từ kênh Xáng Tân An đến ngã ba sông Châu Ðốc (phà Châu Giang) với tổng chiều dài 6.900m thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Đây là khu vực diễn ra sạt lở mạnh liên tục trong nhiều năm liền tốc độ xâm thực vào bờ từ 5m đến 10m/năm. Khu vực ngã ba sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu của sông Hậu và sông Châu Đốc nên tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông, tạo hố sâu ở khu vực giữa sông, hố độ sâu đạt -30m có chiều dài 130m, rộng 70m, dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở bất ngờ với những mảng trượt lớn đối với đoạn bờ dài 600m đối với bờ phía Châu Phong và khoảng 500m đối với bờ phường Châu Phú B, TP Châu Đốc.
Chiều dài khoảng 1.800m bị sạt lở, bờ sông đã hình thành cung sạt, mép lở ăn sâu vào bờ từ 5-10m, bờ sông dốc thẳng đứng, cung sạt đã bị trôi xuống sông. Hiện có 11 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp, đoạn mé sông sạt lở sát lộ Long An – Châu Phong hiện sạt lở dài 700m có những đoạn sạt lở sát chân đường cách còn khoảng 4-7m. Đây là tuyến giao thông chính của xã vừa là tuyến đê bao bảo vệ 3300 ha lúa ba vụ, đồng thời khu sạt lở này còn đe dọa đến khu TĐC Vĩnh Lợi 2 có 86 hộ dân đang sinh sống. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến các công trình tái định cư và đường giao thông nội đồng.
Đoạn từ khu Lò Gạch đến đình Châu Phong, dài khoảng 1 km nằm ở vị trí đoạn sông cong, dòng chủ lưu ngày càng ép sát và bờ tả sông Hậu, gây khoét rỗng chân, có các cung sạt đã ăn sâu vào mái trong điều kiện mưa bình thường cũng làm các cung sạt trượt phát triển. Đoạn sạt lở nhiều nhất thuộc tổ 10 Ấp Vĩnh Tường 1, cung sạt ăn sâu vào từ 10-15m, xuất hiện cung sạt dài khoảng 50m. Và đoạn từ Miếu Bà đến khu liên ấp Châu Giang – Hòa Long dài khoảng 600m. Sạt lở nhiều nhất thuộc tổ 5 ấp Hòa Long hiện mùa lũ năm nay đã sạt lở thêm vào đất liền từ 3-5m cung sạt dài khoảng 20m. Khu vực này hiện có 15 hộ dân sinh sống sát bờ sông đang bị ảnh hưởng cần di dời khẩn cấp. Nếu sạt lở tiếp tục sẽ ảnh hưởng tới tỉnh lộ 953.
Chỉnh trị dòng chảy
Theo Viện Khoa học – Thủy lợi miền nam: Trên cơ sở số liệu thực đo bùn cát lơ lửng cho cho các năm đặc biệt là mùa lũ tính toán được tổng lượng bùn cát trung bình 3 năm 2008 - 2010 tại Châu Đốc là 5,6 triệu m3/năm, tương đương 9,2 triệu tấn/năm. Qua tính toán cho thấy lượng bùn cát qua khu vực nghiên cứu khá lớn là nguyên nhân gây bồi lấp tại một số vị trí và khu vực trên sông. Số liệu khảo sát thực tế tại khu vực dự án trong tháng 8/2017 cho thấy hàm lượng bùn cát tại khu vực khúc sông cong lớn hơn tại khu vực phà Châu Giang điều này có thể giải thích trong khu vực nghiên cứu khả năng bồi tụ lớn hơn xói lở.
Đứng trước tình hình trên, các chuyên gia về địa chất từ Viện Khoa học – Thủy lợi miền nam đề xuất hai phương án gồm: Thứ nhất, để giải quyết hạn chế sạt lở tỉnh đang thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kè Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,90 km. Đầu tư xây dựng kè Châu Phong với mục tiêu chính là: Bảo đảm ổn định lâu dài bờ sông, hạn chế xảy ra rủi ro khi lũ lớn, an toàn chống lũ đồng thời bảo đảm ổn định sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng, các công trình hạ tầng của khu vực xã Châu Phong. Song song đó, kết hợp chỉnh trang, tạo tuyến đường giao thông ven sông, cải tạo môi trường, sinh thái, cảnh quan khu vực, góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế xã hội, an ninh chính trị và đời sống của nhân dân sinh sống trong vùng. Tuy nhiên, với gần 6 km kè thì nguồn vốn để đầu tư là rất lớn nên phương án trên rất khó thực hiện khi ngân sách T.Ư, địa phương đang khó khăn. Phương án thứ hai ít tốn kém hơn và giải quyết cơ bản cấp bách là chỉnh trị dòng chảy phía bờ Vĩnh Trường, An Phú qua biện pháp nạo vét mở rộng, sâu lòng sông: Đây là phương án sẽ giải quyết được ba mục tiêu chính là giảm áp lực dòng chảy (giảm vận tốc tác động vào bờ lõm) suy giảm dòng chảy xoáy vòng tại khúc sông cong do đó sẽ làm giảm được sạt lở bờ. Tuy nhiên, việc nạo vét chỉ có tác động làm giảm bớt quá trình sạt lở chứ không hoàn toàn chống được sạt lở phía bờ sông xã Châu Phong, vì hiện tại khu vực này đang sạt lở mạnh mái đất tự nhiên khá dốc mất ổn định trượt tổng thể trong khi bên cạnh là tuyến đường giao thông.
Theo ông Hồ Văn Quý, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang: “Việc xói lở diễn ra không ngừng và qua tính toán nghiên cứu cho thấy việc nạo vét chỉnh trị đoạn sông có tác động tích cực làm giảm nguy cơ xói lở kết hợp với tận thu nguồn vật liệu nạo vét phục vụ các nhu cầu san lấp của địa phương. Việc thực hiện dự án phù hợp với chủ trương và quy hoạch của tỉnh.
Xem xét hài hòa lợi ích
Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh An Giang giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND hai địa phương Tân Châu, An Phú họp dân để thông báo việc tiến hành dự án chỉnh trị dòng chảy ứng phó sạt lở khẩn cấp bờ tả phía Châu Phong. Sau các bước tiến hành nghiên cứu, đo đạc, tính toán dự án, ngày 25-10-2017, UBND xã Vĩnh Trường, An Phú tiến hành họp dân về dự án và có sự đồng thuận của những người dự họp. Theo đó, đây là biện pháp chỉnh trị dòng chảy, không phải khai thác cát hay bán tài nguyên cát cho doanh nghiệp. Song song đó, dự án mang tính cấp thiết ứng phó sạt lở cho phía bờ Châu Phong, trong khu vực đất bãi bồi giữa dòng sông do Nhà nước quản lý. Ngày 29-12-2017, UBND tỉnh An Giang chính thức cấp giấy phép thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy bờ sông Hậu thuộc xã Châu Phong – thị xã Tân Châu. Đến ngày 8-1-2018, Sở TN và MT An Giang có công văn số 63/STNMT-KS do Giám đốc sở Trần Đặng Đức ký gửi lãnh đạo hai địa phương Tân Châu, An Phú về việc chính thức triển khai dự án. Thế nhưng, khi đơn vị thi công tiến hành thì gặp phải sự phản ứng quyết liệt, một số cá nhân manh động dùng hung khí tấn công đơn vị thi công, buộc dự án tạm thời ngưng.
Các phương tiện phục vụ dự án đã ngưng hoạt động do người dân phản đối.
Ngày 25-1-2018, trong buổi đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân khu vực thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, sự đồng thuận cũng không đạt được. Theo bà Phạm Thị Chi, ngụ ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường thì, trước khi đến đối thoại các hộ đã họp và quyết định không cho thực hiện dự án vì lấy cát sẽ gây lở, mất đất bãi bồi của các hộ dân. Còn bà Nguyễn Thị Thúy, 65 tuổi, cùng ngụ ấp Vĩnh Nghĩa nói “Sông sâu bên lở bên bồi, nên bên nào được bồi thì được hưởng. Nếu lấy cát bên này thì mất đất, sạt lở ai chịu nên không cho thực hiện dự án hút cát”. Ông Nguyễn Văn Nhà, có đất bãi bồi cho rằng “Ai có thể đo được độ sâu mà đơn vị hút cát lấy. Lấy sâu cả 11m để hút cát thì sẽ khiến mất đất là chắc chắn. Do đó, chúng tôi cương quyết không cho hút cát”.
Đứng trước tình hình trên, ông Nguyễn Ngọc Huynh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho rằng: “Bà con chưa hiểu được cái được của dự án là chỉnh trị dòng chảy nhằm giảm sạt lở phía bờ Châu Phong. Nếu sạt lở phía Châu Phong thì ngân sách T.Ư, tỉnh, huyện sẽ tốn kém gấp nghìn lần khi thực hiện dự án. Mặt khác, việc chỉnh trị dòng chảy thực hiện công khai, giám sát của người dân và chính quyền, đồng thời ngân sách địa phương cũng có thêm nguồn để thực hiện dự án di dời người dân vùng sạt lở có cuộc sống tốt hơn. Phải biết cùng hy sinh để vì cái chung, cái lớn hơn. Một điểm khác là bà con ở Vĩnh Trường chưa hiểu, đất bãi bồi là đất công, tất cả đều do Nhà nước quản lý, việc chỉnh trị dòng chảy giữa sông, hoàn toàn không dính đến phần đất thuộc sở hữu của bà con. Điểm còn lại là có sự xuất hiện của một số đối tượng kích động, xúi giục tính chất manh động nên chính quyền sẽ vừa mềm mỏng giải thích, vừa cương quyết xử lý các phần tử xấu. Chúng tôi quyết tâm vì cái chung nhất để dự án sớm triển khai”.
Mong rằng việc hài hòa lợi ích và thấy được cái lợi chung là yêu cầu tiên quyết để thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy chống sạt lở bờ sông Hậu xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. Người dân cũng cần hiểu đúng về tính khả thi, cấp bách của dự án. Mặt khác, chính quyền địa phương cần giải thích, chỉ ra những điểm tối ưu của dự án một cách đơn giản nhất để người dân được thông suốt và phải cương quyết xử lý các đối tượng xấu lợi dụng vụ việc để kích động, gây rối an ninh trật tự địa phương.