Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, lần đầu tiên Ðại đoàn (Trung đoàn 98 và Trung đoàn 174) được tham gia chiến dịch lớn, mục tiêu tiến công là những cứ điểm kiên cố được chỉ huy Pháp gọi là "Pháo đài không thể công phá". Do tính chất quan trọng của nhiệm vụ và những khó khăn của Ðại đoàn trong tác chiến, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phối thuộc cho Ðại đoàn 316 các đơn vị binh chủng: Ðại đội 752, 755 và 757 sơn pháo; hai đại đội cối 120 và hai đại đội cối 82; tuy nhiên, lượng đạn pháo rất hạn chế. Trong ngày báo cáo kế hoạch chiến đấu, chỉ huy Ðại đoàn và các Trung đoàn 98, 174 đề nghị xin được tăng cường thêm hỏa lực pháo binh. Sau khi cân nhắc, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch đồng ý bổ sung 105 quả đạn pháo cho Trung đoàn 174 khi tiến công cứ điểm A1 và Trung đoàn 98 được tăng cường hai khẩu pháo 75 đi cùng và 30 phút hỏa lực pháo 105 yểm trợ.
Quá trình chiến đấu trong chiến dịch, sự phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị bộ binh của Ðại đoàn và lực lượng pháo binh bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Khi bộ binh tiến công cứ điểm của địch, pháo binh tiến hành pháo hỏa chuẩn bị và chi viện mở cửa đánh chiếm đầu cầu. Khi bộ binh đột phá, thọc sâu, xung phong phát triển chiến đấu, pháo binh tập trung chế áp các hỏa lực và súng cối của địch. Khi bộ binh phòng ngự, chốt giữ cứ điểm đã giành được, pháo binh chuyển sang kiềm chế, chế áp pháo binh địch và chi viện trực tiếp cho bộ binh giữ điểm tựa.
Trong trận tiến công cứ điểm C1 của Trung đoàn 98, sau gần một giờ chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quân ta đã làm chủ cứ điểm. Với thắng lợi này, Trung đoàn 98 đã được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi và được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, vì đã hoàn thành nhiệm vụ nhanh gọn nhất trong toàn Mặt trận.
Sau khi làm chủ cứ điểm C1, Trung đoàn 98 tiến công cứ điểm C2. Ðịch chống trả quyết liệt và huy động lực lượng rất lớn phản kích. Tiểu đoàn 215 tổ chức nhiều đợt tiến công nhưng không chiếm được cứ điểm C2. Nhờ có hỏa lực pháo binh và cao xạ chi viện, kiềm chế hỏa lực pháo binh địch, ngăn chặn địch xung phong; đồng thời hỏa lực của Trung đoàn bắn dồn dập vào trận địa chính của địch, nên chỉ trong nửa ngày chiến đấu, Trung đoàn 98 đã làm chủ cứ điểm C2; sau đó kiên cường bám trụ, chiến đấu đẩy lùi 12 đợt phản công của hai tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu bốn đại đội, diệt và làm bị thương 314 tên, bắt sống bảy tên địch.
Cũng trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðại đoàn 316 còn phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng công binh chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của Ðại đoàn trong chiến đấu tiêu diệt cứ điểm A1; đồng thời tác động tới thắng lợi của đợt ba chiến dịch và thắng lợi chung của chiến dịch.
Thực tiễn, cứ điểm A1 là vị trí có tầm quan trọng bậc nhất, là điểm cao then chốt trong dãy điểm cao phòng ngự phía đông tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Làm chủ được cứ điểm A1, ta có thể uy hiếp mạnh mẽ và phong tỏa khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, khống chế vùng trời, thu hẹp phạm vi thả dù, tiến tới triệt hẳn việc tiếp tế đường không của địch. A1 còn là bàn đạp để đánh vào khu trung tâm Mường Thanh. Do vị trí trọng yếu của cứ điểm A1, Bộ Chỉ huy chiến dịch đánh giá: "Nhiệm vụ trọng tâm của đợt này là tiêu diệt cho được A1"1. Thực hiện quyết tâm đó, Ðại đoàn báo cáo Bộ Chỉ huy chiến dịch kế hoạch đào một đường hầm từ trận địa ta đến dưới hầm địch, rồi dùng một lượng thuốc nổ gần 1.000 kg đánh sập hầm.
Tổ công binh của Bộ sau khi nghiên cứu ở hai hướng mũi diện và mũi điểm thấy mở đường hầm ở mũi điểm có lợi hơn, vì quãng đường phải đào ngắn hơn, đào được nhanh hơn, giảm khối lượng đất phải chuyển ra ngoài... Hai bộ phận công binh của Bộ và của Ðại đoàn thống nhất làm một, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn 174, do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung làm chỉ huy trưởng. Như vậy, chuẩn bị cho trận đánh cứ điểm đồi A1, lực lượng công binh chiến dịch phối hợp công binh của Ðại đoàn 316 đã đào 27 km chiến hào và giao thông hào. Trong 16 ngày đêm, ta đã đào sâu vào lòng đồi A1 một đường hầm dài 49 m, đặt 50 gói bộc phá và hơn 400 kíp nổ (cứ hơn 2 kg thuốc nổ có một kíp), phải đào 200 m giao thông hào cách địch khoảng 200 m dưới làn hỏa lực của địch.
Ðúng 20 giờ 30 phút ngày 6-5, tại Ðồi A1, Ðại đoàn trưởng Lê Quảng Ba ra lệnh điểm hỏa bộc phá. Một chớp lửa và một tiếng ục nặng nề, trên đồi A1 có nhiều cột khói bốc lên. Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An nhận định: bộc phá đã nổ và ra lệnh nổ súng, đồng thời báo cáo về Ðại đoàn. Ở cứ điểm A1, địch chống cự quyết liệt, các đơn vị ta vừa chiến đấu vừa chấn chỉnh lực lượng, chia làm nhiều hướng tiếp tục xung phong. Ðến 4 giờ 30 phút sáng 7-5, Trung đoàn 174 đã đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ đồi A1, đồng thời tích cực chi viện cho Trung đoàn 98 tiến công cứ điểm A3 và sẵn sàng đánh địch phản kích ở A1; phối hợp Tiểu đoàn 439 đập tan kế hoạch tăng viện của địch cho C2. Chiến thắng ở cứ điểm đồi A1, C2 đã tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức trận tổng công kích vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và các mục tiêu còn lại ở khu trung tâm. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: Việc đào đường hầm đặt và kích nổ thành công khối bộc phá nghìn cân ở đồi A1 "quả là một kỳ công". Kỳ công này là thành quả của sự hợp đồng chiến đấu của lực lượng công binh chiến dịch và công binh Ðại đoàn 316.
15 giờ ngày 7-5-1954, ta mở trận tổng công kích trên toàn mặt trận. 17 giờ 30 phút cùng ngày, Ðờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị bắt sống. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và anh dũng, Ðại đoàn 316 đã góp phần xứng đáng cùng các lực lượng trên toàn mặt trận đập tan tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.
Trước Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðại đoàn 316 cũng đã tham gia một số chiến dịch, có phối hợp, hiệp đồng với các binh chủng khác, song đây là lần đầu tiên, Ðại đoàn tác chiến cùng các đơn vị binh chủng trong một chiến dịch chiến lược, với quy mô lớn, các mục tiêu tiến công đều là những cứ điểm kiên cố, trong điều kiện địch có ưu thế cả về hỏa lực lẫn công sự trận địa. Qua chiến dịch, trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của Ðại đoàn đã phát triển lên một bước mới.
Những thành tựu và cả hạn chế trong tác chiến hiệp đồng binh chủng trong chiến dịch này là cơ sở để Sư đoàn 316 kế thừa và phát huy lên những tầm cao mới trong tác chiến chiến dịch về sau trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Chiến dịch Tây Nguyên hiệp đồng với lực lượng đặc công và tăng - thiết giáp; Chiến dịch Hồ Chí Minh hiệp đồng quân, binh chủng có cả không quân, pháo binh, tăng - thiết giáp…), trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, Sư đoàn 316 là sư đoàn chủ lực của Quân khu 2, nhiệm vụ chính trị là sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu; những bài học kinh nghiệm về tác chiến hiệp đồng binh chủng trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ luôn là nội dung quan trọng giáo dục truyền thống của đơn vị để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn học tập, kế thừa tri thức quân sự, kinh nghiệm tác chiến được đúc kết từ thực tiễn chiến đấu, xây dựng đơn vị của các thế hệ đi trước. Cùng với đó, là bài học về tăng cường mối đoàn kết gắn bó, phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, lực lượng liên quan trong quá trình công tác. Ðây thật sự là một trong những cơ sở quan trọng bảo đảm để Sư đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao.
Phát huy tinh thần chiến thắng Ðiện Biên Phủ, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Ðảng, với Tổ quốc và nhân dân. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; mài sắc ý chí, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; phát huy tinh thần cách mạng tiến công và truyền thống vẻ vang của Sư đoàn Anh hùng. Ðẩy mạnh phong trào thi đua "Ðoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, nêu gương, quyết thắng", xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
1 Võ Nguyên Giáp, Ðiện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb QÐND, H.2000, tr368.