Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952- 2022), ngày 14/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái, tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm".
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo, có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà khoa học…

Khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo hội thảo nhấn mạnh: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3, khóa II (tháng 4/1952) đã thống nhất chủ trương: Tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược, mở chiến dịch tiến công địch trong Thu-Đông 1952 với phương châm: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh… nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, giành dân, phá âm mưu lập "Xứ Thái tự trị" của thực dân Pháp.

Sau gần 2 tháng tiến hành Chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14/10 đến 10/12/1952), ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng phần lớn đất đai và nhân dân các dân tộc trên địa bàn chiến lược, phá được âm mưu chiếm đóng của địch; nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh và Thượng Lào.

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm ảnh 1

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, phát biểu tại hội thảo.

Ban tổ chức hội thảo nhận được 91 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Trong đó, nhiều tham luận đã đi sâu phân tích, luận giải việc mở Chiến dịch Tây Bắc là quyết định mang tính chiến lược.

Gửi đến tham luận với tiêu đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, khẳng định: “Đây là chiến dịch đầu tiên, ta đưa lực lượng quy mô lớn đánh quân Pháp ở vùng rừng núi phía tây của đồng bằng Bắc Bộ. Đó là sự chuyển hướng đúng đắn và phù hợp, thể hiện sự nhạy bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trong chỉ đạo chiến lược”.

Các tham luận tại hội thảo, đã phân tích làm rõ vai trò Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, nhất là trong chỉ đạo đánh giá và nhận định đúng tình hình, quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược đúng đắn, kịp thời, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược. Ta đưa chủ lực tiến công vào địa bàn chiến lược hiểm yếu, nhưng lực lượng địch tương đối mỏng, bố phòng có phần sơ hở; lại là nơi địch không phát huy được thế mạnh về vũ khí, trang bị, khó được chi viện kịp thời; trong khi tác chiến địa bàn rừng núi lại là thế mạnh của quân đội ta. Thực tế của chiến dịch đã chứng minh đó là sự lựa chọn chủ động, chính xác, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến lược, phù hợp với tương quan lực lượng địch-ta và thực tế chiến trường lúc bấy giờ, là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc 1952.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, luận giải những bài học của thắng lợi Chiến dịch Tây Bắc, trong đó bài học về đánh giá tương quan lực lượng, chọn hướng tiến công, sử dụng lực lượng, phương pháp tác chiến, huy động nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến... Những kinh nghiệm trong công tác trinh sát nắm địch, huy động dân công, bảo đảm hậu cần, đánh tập đoàn cứ điểm... Những bài học đúc rút của chiến dịch được vận dụng thiết thực vào sự nghiệp kháng chiến, để quân và dân ta giành được thắng lợi quyết định trong Đông-Xuân 1953-1954, tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhiều tham luận đi sâu nêu bật ý nghĩa của Chiến thắng Tây Bắc, nhất là ta đã phát huy quyền chủ động chiến lược của cuộc kháng chiến trên chiến trường chính Bắc Bộ, các lực lượng vũ trang nhân dân được tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương. Phá được âm mưu lập "Xứ Thái tự trị" để nuôi dưỡng chiến tranh của thực dân Pháp; căn cứ địa Việt Bắc được nối thông với vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh, với vùng Thượng Lào, tạo nên thế trận liên hoàn trong chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Kết quả của hội thảo góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Bắc. Đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng, để vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội “Tinh, gọn, mạnh”, hướng đến năm 2030, xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó, các đại biểu dự hội thảo do Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Yên Bái.