* Thưa Thượng tướng, vì sao ta lại chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và chọn Buôn Ma Thuột làm trận then chốt mở đầu?
- Năm 1972, sau thất bại ở miền nam của ba đòn tiến công ở Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Ðông Nam Bộ và trận Ðiện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, Hải Phòng, quân Mỹ - chỗ dựa chủ yếu của quân ngụy, đã rút khỏi nước ta. Sang năm 1973 và 1974, quân ngụy ngày càng suy yếu và chuyển dần vào phòng ngự. Quân ta ngày càng mạnh lên và tiến công quân ngụy mở rộng vùng căn cứ hoàn chỉnh vững chắc và tiến sâu vào lòng địch, cài xen kẽ với địch. Ta đã mạnh lên và giữ thế chủ động. Ngày 8-1-1975, ta giải phóng Phước Long đã chứng minh điều đó. Ðịch không dám phản kích và Mỹ cũng không dám can thiệp. Ðó là một đòn trinh sát vũ trang chiến lược rất quan trọng. So sánh lực lượng đã có sự chuyển biến cơ bản và rõ rệt có lợi cho ta.
Nắm bắt thời cơ trên cơ sở đó, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư quyết định mở cuộc tổng tiến công chiến lược để giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ quyết tâm đó, vấn đề đặt ra là chọn hướng tiến công chủ yếu và đòn tiến công chiến lược của ta bắt đầu ở đâu? Ta chủ trương giải phóng vùng bắc miền nam trước; vì ở đó ta dễ tập trung lực lượng và có đủ cơ sở hậu cần. Vùng bắc miền nam là ở đâu? Ở Huế - Ðà Nẵng thì hơi khó, vì địch còn tương đối mạnh và có điều kiện phản kích thuận lợi. Ở Tây Nguyên thì dễ hơn, chắc thắng hơn và địch không có điều kiện phản kích thuận lợi. Ta lại có đủ dung lượng chiến trường; vừa có rừng núi vừa có cao nguyên và ở cạnh đường vận tải 559.
Ở Tây Nguyên, Plây Cu và Kon Tum là hai nơi ta và địch thường xuyên đối chọi nhau. Hơn nữa ở đây địch còn tương đối mạnh và thường xuyên phòng bị. Buôn Ma Thuột là nơi địch yếu hơn và ít chọi đầu với ta. Ta chọn Buôn Ma Thuột địch ít chú ý hơn và cho rằng ta chưa đủ khả năng đưa quân vào đến đây. Ở Buôn Ma Thuột địch có nhiều sơ hở, địa hình thuận lợi cho các đơn vị lớn hoạt động, dễ phá vỡ và đánh địch phản kích có điều kiện hơn; và có hướng phát triển.
Ðiểm trúng cái huyệt này thì sẽ rung động lớn. Giải phóng được Buôn Ma Thuột sẽ có giá trị rất lớn về mặt chiến lược, không chỉ là bàn đạp để giải phóng Tây Nguyên, tiến xuống đồng bằng ven biển miền Trung mà còn mở ra hướng tiến công quan trọng vào Ðông Nam Bộ và Sài Gòn. Bởi vậy ta chọn Nam Tây Nguyên làm hướng chủ yếu và chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá cho đòn tiến công chiến lược mở đầu.
* Để thực hiện quyết tâm giành thắng lợi trong trận then chốt mở đầu, ta đã làm những gì?
- Chọn Buôn Ma Thuột trên chiến trường Tây Nguyên là hợp lý, thỏa mãn được các điều kiện chiến tranh. Muốn giành được thắng lợi trong trận then chốt mở đầu và giải phóng Tây Nguyên theo quyết tâm chiến lược đó thì mưu kế của Bộ Tổng tư lệnh có một hình thế dàn trận chiến lược rất lợi hại. Mưu kế chiến lược đó của ta là ghìm địch ở hai đầu nam bắc chiến tuyến, buộc Sư đoàn dù và lính thủy đánh bộ của ngụy phải giữ Huế - Ðà Nẵng và Sài Gòn, mà để sơ hở ở Tây Nguyên. Bày binh bố trận như thế, tổ chức một hình thế dàn trận chiến lược như thế; ta đưa Quân đoàn 2 vào tây Huế, đưa Quân đoàn 4 vào bắc Ðồng Nai. Ta có thế trận lòng dân nên mới bày được hình thế dàn trận chiến lược lợi hại như thế. Ðịch sơ hở ở Tây Nguyên tạo điều kiện cho ta đánh Buôn Ma Thuột thuận lợi hơn.
Muốn chắc thắng Bộ Tổng Tư lệnh tăng thêm cho Tây Nguyên hai sư đoàn. Tây Nguyên trở thành một tập đoàn chiến lược mạnh gồm bốn sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, cùng pháo binh, cao xạ, xe tăng, xe thiết giáp, công binh, vận tải, v.v... hùng mạnh được tăng cường, dày dạn chiến đấu có phối hợp với Sư đoàn 3 và ba thứ quân của Quân khu 5.
Ðể thực hiện quyết tâm giải phóng Buôn Ma Thuột, mưu kế chiến dịch là ghìm đầu mạnh của địch, để phá vỡ đầu yếu. Ðể thực hiện mưu kế đó, ta nghi binh lừa địch ở Plây Cu và Kon Tum. Ta dùng vô tuyến điện để nghi binh, sau khi bí mật chuyển hai sư đoàn về Buôn Ma Thuột và điều càng làm cho địch tin hơn là ta dùng Sư đoàn 968 để đánh nghi binh vào tuyến phòng thủ vòng ngoài tây nam thị xã Plây Cu. Sư đoàn 968 đánh thật nhưng mà là thật giả. Sư đoàn 968 đánh tiêu diệt một số đồn nhỏ của địch. Ðịch càng tin, cả cố vấn Mỹ cũng tin như thế.
Sau khi làn sóng điện nghi binh của ta và Sư đoàn 968 đánh một số đồn nhỏ, ta thực hành thế trận chia cắt. Trung đoàn 95A ngày 4-3 đánh cắt đường 19 ở Măng Giang. Sau đó Sư đoàn 3 Sao Vàng đánh cắt đường 19 ở đèo An Khê làm cho tuyến vận chuyển chiến lược từ Quy Nhơn đi Plây Cu của địch bị cắt đứt. Ngày 5-3, Trung đoàn 25 đánh cắt đường 21 từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang. Buôn Ma Thuột cũng bị mất liên hệ chiến lược với Nha Trang. Ngày 7-3, Sư đoàn 320 đánh chiếm Chư Sê và sau đó đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn. Buôn Ma Thuột bị bao vây hoàn toàn; mất liên hệ với Plây Cu và Nha Trang. Mưu kế nghi binh chiến dịch của ta thành công.
2 giờ sáng 10-3-1975, ta bắt đầu tiến công Buôn Ma Thuột bằng pháo phản lực mang vác và đặc công. Tiếng đạn nổ và đèn trong thị xã lúc tắt, lúc sáng, các đoàn xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, cao xạ, và bộ binh lợi dụng tình hình đó tiến vào chiếm lĩnh trận địa, để đến 7 giờ sáng 10-3-1975 ta bắt đầu mở cuộc tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Ta tiến đánh thị xã bằng bốn mũi và một mũi thọc sâu; bốn mũi được xe tăng, xe thiết giáp đi cùng cùng chiến đấu, được pháo binh đi cùng bắn yểm hộ và pháo binh bắn xa bắn chi viện.
Trải qua hơn 30 giờ đồng hồ chiến đấu từ 2 giờ sáng 10-3 đến 11 giờ sáng 11-3-1975, ta giải phóng thị xã và bắt sống chỉ huy là đại tá Vũ Thế Quang và Tỉnh trưởng Nguyễn Trọng Luật. Thị xã 12 vạn dân được giải phóng. Ta thành lập Ủy ban Quân quản do Ðại tá Y Blốc làm tỉnh trưởng. Ðánh chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột ta đã thành công trong trận then chốt thứ nhất.
Biết địch có khả năng phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột, ta chuẩn bị một lực lượng dự bị bằng cách linh hoạt sử dụng Sư đoàn 10, đánh Ðức Lập xong, chuyển về làm đội dự bị cho Buôn Ma Thuột. Ta bố trí sẵn Sư đoàn 10 vừa từ Ðức Lập về để đón đánh địch đi phản kích, ở gần cụm địch còn chống lại ở sân bay Hòa Bình.
Ngày 12-3, trinh sát của Sư đoàn 23 ngụy nhảy xuống gần khu vực Trung đoàn 53 ngụy còn chống cự ở ngoài thị xã. Trinh sát hai bên có tiếp xúc. Ngày 13-3, Sư đoàn 10 bắt đầu đánh Trung đoàn 45 ngụy phản kích, cùng tiêu diệt nốt Trung đoàn 53 còn chống cự. Sau đó địch đổ tiếp Trung đoàn 44 ngụy tăng cường và cứu Trung đoàn 45 của Sư đoàn 23 ngụy. Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 tiếp tục diệt quân địch phản kích và trung đoàn 53 còn chống cự; đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 ở Phước An. Như thế là Buôn Ma Thuột được hoàn toàn giải phóng. Ðánh bại phản đột kích của Sư đoàn 23 ngụy định ứng cứu chiếm lại Buôn Ma Thuột, làm nên chiến thắng trong trận then chốt thứ hai. Hai trận then chốt này tạo thành trận then chốt quyết định là giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột một cách chắc chắn, địch không còn khả năng chiếm lại.
* Ðề nghị Thượng tướng cho biết ý nghĩa thắng lợi của trận Buôn Ma Thuột đối với Chiến dịch Tây Nguyên và cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975.
- Sau khi mất Buôn Ma Thuột và Sư đoàn 23 phản kích bị đánh bại, tất cả các thủ đoạn tác chiến các hình thức chiến thuật của địch bị đánh bại ở nam Tây Nguyên, gây ra một sự đột biến về chiến dịch, tác động lớn đến chiến lược của địch, buộc địch phải rút lui để co cụm phòng ngự. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu liền ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên. Plây Cu và Kon Tum không đánh mà thắng. Phản ứng dây chuyền đó tạo ra đột biến về chiến dịch; chiến dịch tuy đang thắng lợi nhưng bỗng trở nên thắng lợi rất lớn, thắng lợi một cách đột ngột, rất nhanh, ngoài dự tính của cả hai bên. Sau đó là một thời cơ chiến lược.
Chớp được thời cơ đó, ta đánh địch rút chạy khỏi Plây Cu, Kon Tum phát triển chiến thuật truy kích tiêu diệt quân địch ở Cheo Reo, Củng Sơn và đuổi địch trên đường 7, Sư đoàn 320 đã phối hợp bộ đội địa phương và dân quân du kích tỉnh Phú Yên tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch đến tận bờ biển thị xã Tuy Hòa. Chiến thắng này đã làm hoảng loạn về tư tưởng và thế bố trí chiến lược của địch. Từ những chiến thắng ở Tây Nguyên đã tạo thế cho chiến dịch kế tiếp Huế-Ðà Nẵng được mở ra nhanh chóng giành được những thắng lợi liên tiếp.
Trên đường số 21, Sư đoàn 10 sau khi đánh tan phản kích của Sư đoàn 23 ngụy ở Buôn Ma Thuột, trên đà chiến thắng, được phối thuộc một số đơn vị và xe tăng đã phát triển tiến công, giải phóng quận lỵ Khánh Dương, đập tan "cánh cửa thép" đèo Phượng Hoàng tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 và tiến xuống giải phóng Nha Trang - Cam Ranh. Còn trên đường số 19, Sư đoàn 3 và các lực lượng vũ trang Quân khu 5 tiến công tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 22 ngụy, giải phóng Bình Ðịnh và thị xã Quy Nhơn.
Sau hai đòn chiến lược kế tiếp nhau là Tây Nguyên và Huế - Ðà Nẵng ta đã loại khỏi vòng chiến một nửa lực lượng địch, giải phóng bắc miền nam, một vùng rộng lớn suốt từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tạo ra đột biến về chiến tranh, làm nên một cục diện mới về chiến tranh, địch càng hoang mang, hoảng loạn thực hiện cuộc rút chạy và chỉ còn hơi sức tàn để giữ Sài Gòn. Nắm bắt thời cơ chiến lược Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định giải phóng miền nam trước mùa mưa năm 1975 và điều động toàn bộ các lực lượng vũ trang tiến hành cuộc quyết chiến chiến lược cuối cùng để giải phóng miền nam. Ðây là một cuộc điều hành chiến lược rất nhạy bén và tài tình, đồng thời cũng là cuộc điều động lực lượng lớn nhất trong lịch sử nước ta. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp, toàn quân và dân ta với phương châm "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng".
Tập trung lực lượng lớn hơn nữa và những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc, quân ta vượt qua sự ngăn chặn lâm thời ở Phan Rang và Xuân Lộc, thần tốc tiến tới Sài Gòn thực hiện đòn quyết chiến chiến lược quyết định cuối cùng để giải phóng miền nam. Ðể giải phóng Sài Gòn ta tập trung 15 sư đoàn và các binh chủng hùng hậu bao vây chặt bốn phía và tổ chức một cụm cơ động thọc sâu có xe tăng, nhanh chóng đánh chiếm dinh Ðộc Lập, bắt nội các Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Ðây là đòn quyết chiến chiến lược để kết thúc chiến tranh, giải phóng Sài Gòn. Nhân dân nhiệt tình ủng hộ và cùng hiệp đồng chiến đấu. Giải phóng Sài Gòn là giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 đã giành thắng lợi vô cùng to lớn. Thắng lợi đó là thắng lợi của ba đòn quyết chiến chiến lược Tây Nguyên - Huế, Ðà Nẵng - Sài Gòn; là thắng lợi của tinh thần quyết chiến quyết thắng, của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng ta nhằm giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, thu lại non sông về một mối, tiến lên thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ là độc lập, tự do cho dân tộc, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
* Xin cảm ơn Thượng tướng!