Chelsea và tương lai mơ ước của Abramovich

NDO -

Một đêm đầy khó khăn đang chờ Chelsea ở Madrid. Tuy nhiên, nếu muốn lọt vào tốp các CLB hàng đầu châu Âu như tham vọng của Abramovich, họ phải vượt qua thử thách cực đại này. 

Tỷ phú Roman Abramovich không ngừng chi tiền để nâng tầm Chelsea. (Ảnh: Reuters)
Tỷ phú Roman Abramovich không ngừng chi tiền để nâng tầm Chelsea. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Real, Florentino Perez nói rằng, European Super League (ESL) ra đời để cứu lấy bóng đá, không phải để phá hủy nó. Và khi siêu giải đấu sụp đổ vào tuần trước, trong nỗi thất vọng và tức giận, Bố già của bóng đá châu Âu cáo buộc âm mưu phá hoại đến từ Chelsea.

“Chỉ có 40 người thực sự là fan của Chelsea, còn lại, ai đó đã mang những người khác tới để phản đối”, Perez nói, đồng thời quy trách nhiệm về cái chết của ESL cho một đội trong nhóm Big Six, “Một đội bóng Anh vốn đã không hứng thú và bị thuyết phục bởi sự cần thiết của ESL, rồi họ ảnh hưởng đến những CLB khác, đưa sự sợ hãi len lỏi vào”.

Chủ tịch Real không chỉ đích danh, song nó có thể nhắm vào Man City hoặc Chelsea, hai đội chỉ quyết định gia nhập vào phút chót. Hai đội bóng, được sở hữu bởi Roman Abramovich và Sheikh Mansour, chú trọng đến danh tiếng hơn là lợi nhuận.

Một nguồn tin nói với tờ The Athletic, Chelsea gia nhập ESL chỉ đơn giản vì Abramovich nghĩ rằng đội bóng đương nhiên phải chơi ở đấu trường quy tụ những đội tốt nhất, và khi các CLB lớn lên tàu, The Blues không thể rớt lại phía sau.

Vào năm 2003, tỷ phú người Nga đột nhiên khám phá ra tình yêu với bóng đá khi ngồi tại Old Trafford và xem chiến thắng 4-3 của MU trước Real tại Champions League. Ông lập tức hình dung về việc quản lý một đội bóng và tham gia vào những đêm tráng lệ kiểu đó.

Super League đã mang tới cơ hội như vậy. Tỷ phú người Nga đã tốn cả tỷ bảng trong gần hai thập kỷ để đưa Chelsea vào giới thượng lưu châu Âu. Bây giờ, họ nghiễm nhiên có mặt trong nhóm đó. 

Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với tạp chí Forbes mới đây, Abramovich thừa nhận “sự thực dụng trong các lựa chọn”, để “sẵn sàng cho một sự thay đổi nhằm phục vụ tham vọng dài hạn”.

Cho đến khi vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, nhất là người hâm mộ, Abramovich, người vốn điều hành CLB theo ý thích cá nhân, nhận thức rõ đây là nước đi sai lầm. Ông quyết định rút khỏi ESL chỉ vài giờ sau cuộc biểu tình trước Stamford Bridge, dẫn đến sự sụp đổ của giải đấu hào nhoáng mà Perez ấp ủ.

Như một lần ông chủ của Chelsea nói, “tiền rất quan trọng, nhưng không phải yếu tố chi phối. Vẻ đẹp của bóng đá là tinh thần, sự phấn khích và bầu không khí, ngay cả khi Chelsea chơi ở một đấu trường ít quan trọng như League Cup với một đội bóng nhỏ”.

Hơn hết, sự triệt thoái khỏi ESL không đồng nghĩa với việc Chelsea không còn cơ hội đứng trong tốp đầu châu Âu. Họ vẫn có thể thỏa nguyện, dù con đường này lâu hơn, gian nan hơn một chút. Đó là thông qua sân cỏ, như trận bán kết Champions League với chính Real đêm nay.

Chelsea, đội mới vô địch châu Âu một lần năm 2012, đương nhiên không thể sánh với Real, những người đã biến giải đấu danh giá nhất Lục địa già thành sân khấu của riêng mình với 13 lần đăng quang. Trong đội hình The Blues hiện tại, duy nhất một người từng vô địch Champions League, là Matteo Kovacic. Và anh ta làm điều đó khi khoác áo Real.

Tuy vậy, The Blues không phải đội bóng được lập ra sau khi chiếc máy bay của Abramovich đáp xuống Tây London. Họ cũng có một lịch sử đáng tự hào, bao gồm chiến tích chưa bao giờ thua Real. Ba lần đối đầu trước đây, họ thắng hai (Siêu Cúp châu Âu 1998, lượt về Cúp C2 1971) và hòa một (lượt về Cúp C2 1971). Nếu thầy trò Tuchel bất bại, và chiến thắng lần này, đó là sự tiếp nối quá khứ, đồng thời kiến tạo tương lai. Một tương lai mà Abramovich mơ ước, với đẳng cấp hàng đầu.

Người hâm mộ Chelsea đã lật đổ tham vọng bá quyền của Perez. Bây giờ đến lượt Tuchel và các học trò làm công việc của mình, quật ngã gã khổng lồ Real.