- Thưa ông, tại sao các nhà khoa học của Bộ môn lại quan tâm đến nghiên cứu thiết kế công nghệ chế tạo các khuôn dập vỏ ô tô trong khi ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước chưa thực sự phát triển?
- Có thể nói, thiết kế, chế tạo các chi tiết vỏ mỏng cỡ lớn, có hình dạng phức tạp, mà điển hình là các chi tiết vỏ ô tô, là vấn đề còn rất mới mẻ ở nước ta. Việc thiết kế quy trình công nghệ dập, thiết kế và chế tạo khuôn mẫu vỏ ô tô có nhiều nét đặc thù và có yêu cầu kỹ thuật cao so với các chi tiết thông thường. Vì vậy, cần có những biện pháp công nghệ thích hợp trong thiết kế và chế tạo.
Hơn nữa, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là phấn đấu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành chế tạo ô tô, xe máy. Do đó, việc nghiên cứu của chúng tôi là rất cấp thiết, có thể coi là bước chuẩn bị không thể thiếu cho sự phát triển của công nghiệp chế tạo ô tô trong nước trong tương lai gần.
- Vậy ngành công nghiệp ô tô trong nước có thể đặt hy vọng gì ở đề tài này?
- Chúng tôi đã xác lập được quy trình công nghệ chế tạo một số chi tiết vỏ xe CH551 như tai sau, tai trước, capo, và trán xe. Chế tạo hoàn chỉnh khuôn dập tạo hình chi tiết tai trước, trán xe và đã tiến hành dập thử trên hai bộ khuôn này, các khuôn và sản phẩm tạo ra đều đạt các yêu cầu kỹ thuật đã định.
Đặc biệt, thông qua việc thực hiện đề tài, chúng tôi có cơ hội tiếp cận và từng bước tiến tới làm chủ một phương pháp thiết kế hiện đại đang được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển. Đó là phương pháp thiết kế ảo.
- Ông có thể nói rõ hơn về phương pháp này?
- Thiết kế ảo được hiểu nôm na là phương pháp sử dụng phần mềm thích hợp để mô phỏng các quá trình công nghệ. Bằng cách thay đổi các thông số đầu vào và dựa trên sự phân tích, đánh giá những kết quả thu được khi mô phỏng, người thiết kế có thể xác định được các thông số tối ưu cho thiết kế của mình trước khi đưa vào sản xuất thử.
Chúng tôi đã khai thác, sử dụng nhiều phần mềm mô phỏng chuyên dụng trong thiết kế kết cấu, cũng như trong gia công chế tạo, như Pro Engineer, ProCast, EdgeCam... để mô phỏng quá trình biến dạng, tìm phương án tối ưu và tiếp đó tính toán thiết kế quy trình công nghệ cũng như các khuôn dập tương ứng. Chính nhờ việc ứng dụng những phần mềm này đã làm cho công tác thiết kế, gia công chế tạo trở nên bài bản, tin cậy hơn, qua đó rút ngắn được thời gian của quá trình nghiên cứu - thiết kế - chế tạo và giảm thiểu đáng kể những chi phí chỉnh sửa, sản xuất thử. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi thiết kế, chế tạo những chi tiết lớn, có hình dáng phức tạp.
- Thưa ông, kết quả của đề tài đã được ứng dụng ở những đơn vị nào?
- Chúng tôi đã chuyển giao công nghệ cho Nhà máy Z551. Kết quả là, các bộ khuôn do đề tài thiết kế và chế tạo đều đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đặt ra và có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của nước ngoài (Nga, Đài Loan). Các sản phẩm dập thử đều thỏa mãn các chỉ tiêu chất lượng đối với sản phẩm mẫu về hình dáng, chất lượng bề mặt và các yêu cầu kỹ thuật khác. Tính ổn định công nghệ theo đánh giá là tốt, tỷ lệ sai hỏng nhỏ hơn 4% và sau hơn một năm sử dụng, hai bộ khuôn vẫn cho ra những sản phẩm ổn định.
Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với các cơ sở ứng dụng để có thể chuyển giao công nghệ dưới bất kỳ hình thức nào.
Địa chỉ liên hệ:
Bộ môn Gia công áp lực, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Số 1 Đại Cồ Việt, Hà Nội
ĐT: 8692430