Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, giá lương thực và năng lượng tăng cao có thể dẫn tới bạo loạn xã hội tại châu Phi. Hầu hết các nước ở phía nam sa mạc Sahara đang chứng kiến sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế từ năm 2021 và khu vực này chịu tác động lớn hơn khi giá ngũ cốc và nhiên liệu tăng cao.
Báo cáo của IMF về “Triển vọng khu vực cho châu Phi” nhấn mạnh rằng, xung đột tại Ukraine đã kết hợp với những thách thức chính sách lớn nhất của khu vực, như các tác động kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19, các nguy cơ an ninh tại một số nước và các thách thức của biến đổi khí hậu.
IMF cho biết, tăng trưởng GDP của các nước châu Phi năm 2021 là 4,5%, tăng so với dự báo trước đó là 3,7%, nhưng con số này được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,8% trong năm 2022.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực tăng 12,6% trong tháng 2 và tháng 3/2022, mức cao nhất kể từ khi FAO theo dõi chỉ số này năm 1990. Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2011. Trong khi đó, châu Phi phải nhập khẩu tới 85% nhu cầu lúa mì và các nước phụ thuộc lớn nhất là Tanzania, Côte d’Ivoire, Senegal và Mozambique. Tại các nước như Botswana, Lesotho, Mauritius và Cape Verde, nhập khẩu gạo, lúa mì và ngô chiếm hơn 40% nhu cầu.
Nguy cơ mất an ninh lương thực đang rất cao ở các nước có xung đột tại vùng Sahel, Madagascar và CHDC Congo. Cơ quan phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD) cho biết, hơn 29 triệu người ở khu vực này đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực.
Ukraine và Nga vốn là những nhà cung cấp lúa mì chính cho châu Phi cho nên phần lớn các nền kinh tế châu Phi đang chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì các lệnh trừng phạt. Tổng cộng có 35 quốc gia ở châu Phi nhập khẩu lương thực và 22 quốc gia nhập khẩu phân bón từ Ukraine, Nga hoặc từ cả hai nước. Cuộc xung đột cũng gây ra những tác động nghiêm trọng với lĩnh vực du lịch, nhất là ở khu vực Bắc Phi. Hoạt động kinh doanh du lịch dọc các bờ biển ở Địa Trung Hải chịu thiệt hại vì du khách Nga không thể đến nghỉ dưỡng do các lệnh trừng phạt.
Trong báo cáo mới nhất, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết Somalia, Benin, Ai Cập, Sudan, CHDC Congo, Senegal và Tanzania là những quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng gián đoạn thị trường do các lệnh trừng phạt và xung đột ở Ukraine gây ra. Một số quốc gia ở nam Sahara của châu Phi cũng đang phải đối mặt nguy cơ giá lúa mì tăng cao tới 50-85% do tác động của cuộc khủng hoảng đối với các lô hàng ngũ cốc.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo, cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực quốc tế vào thời điểm mà giá lương thực đã ở mức cao trong lịch sử. Người đứng đầu IMF khu vực châu Phi, ông Abebe Aemro Selassie (A.Xê-la-xi) bày tỏ lo ngại về tác động kép của giá lương thực và nhiên liệu, điều đặc biệt được cảm nhận ở phần lớn các nước châu Phi vốn không phải là nước xuất khẩu dầu hoặc khí đốt, sẽ hủy hoại an ninh lương thực trong khu vực, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói, bất công về thu nhập. Điều này cũng có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường đối với “lục địa đen”.