Châu Á trước ngưỡng cửa “lạm phát đình trệ”

“Lạm phát đình trệ” (stagflation) xảy ra khi tăng trưởng kinh tế và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại hoặc giảm xuống, cùng lúc tỷ lệ thất nghiệp và giá hàng hóa tăng cao (lạm phát). Trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm, nhiều chính phủ ở châu Á đang đẩy mạnh những nỗ lực kiềm chế lạm phát, bảo vệ đồng nội tệ.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng gặp khó trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng leo thang. (Ảnh REUTERS)
Người tiêu dùng gặp khó trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng leo thang. (Ảnh REUTERS)

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm 2022 và 2023, đồng thời cảnh báo những rủi ro kinh tế-xã hội do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine dần trở nên hiện hữu, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva (C.Gioóc-giê-va) lo ngại, cuộc khủng hoảng đa tầng mà thế giới đương đầu đang trở nên trầm trọng hơn và nguy cơ đói nghèo lan rộng sẽ khiến những người nghèo nhất chịu tác động nặng nề nhất.

Nguy cơ bất ổn xã hội cũng tăng do giá thực phẩm và năng lượng đồng loạt tăng. Kinh tế toàn cầu vốn chật vật phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và viễn cảnh “lạm phát đình trệ” ở nhiều quốc gia hiện nay đe dọa đảo ngược những thành quả phát triển đã đạt được.

Đầu quý II/2022, Quyền Giám đốc Văn phòng IMF tại châu Á-Thái Bình Dương Anne-Marie Gulde-Wolf (A.Gun-đơ-Úp-phơ) nhận định, châu Á phải đối mặt triển vọng lạm phát đình trệ, với tăng trưởng thấp hơn dự kiến và lạm phát cao hơn. Trước đó, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Á, do nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc giảm tốc. Trong khi đó, lạm phát tại châu Á được cho là sẽ cao hơn nhiều so với mức dự kiến đưa ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, IMF đánh giá, châu Á vẫn là khu vực năng động nhất thế giới và là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu.

Theo IMF, áp lực lạm phát ngày càng tăng của châu Á vẫn ở mức vừa phải so với các khu vực khác, song mức tăng giá ở nhiều quốc gia đã vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Để đối phó với “cơn bão lạm phát”, bên cạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ (nâng lãi suất cơ bản), các chính phủ châu Á lựa chọn nhiều chính sách khác nhau, như Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc thông qua nhiều gói hỗ trợ tài chính bổ sung, Nepal đưa ra lệnh hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ để cải thiện dự trữ ngoại tệ quốc gia hay Indonesia từng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn dầu cọ, bảo vệ người tiêu dùng trong nước.

Một số quốc gia khác cũng áp dụng các biện pháp bảo hộ, như Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì và Malaysia từng tạm ngừng xuất khẩu thịt gà. Nhiều quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc cũng đã thực hiện các biện pháp cắt giảm thuế nhiên liệu nhằm giảm bớt áp lực lạm phát trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.

Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng chính sách cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu, với mức trần là 37%, so mức 20%-30% áp dụng từ tháng 5/2022. Hàn Quốc cũng dự kiến cắt giảm chi ngân sách vào năm tới, trong bối cảnh nước này đang thực hiện “thắt lưng buộc bụng”. Tháng 7/2022, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hàn Quốc, trong tháng 6 đã tăng 6% so cùng kỳ năm 2021, mức tăng mạnh nhất sau mức 6,8% ghi nhận hồi tháng 11/1998 - thời điểm Hàn Quốc đang trong vòng xoáy cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.

Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, từ nay đến cuối năm, chính phủ có kế hoạch dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với bảy mặt hàng thực phẩm thiết yếu, trong đó có dầu ăn, thịt lợn và bột mì. Các biện pháp mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào việc giảm bớt áp lực vốn đang gia tăng đối với chi phí nhập khẩu, thay vì áp đặt kiểm soát giá cả. Bộ Tài chính Hàn Quốc ước tính, gói biện pháp này có thể giúp giảm giá tiêu dùng ở mức 0,1%.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda nhận định, thắt chặt tiền tệ không phải là biện pháp phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang trong tiến trình phục hồi sau dịch Covid-19 và tình trạng giá hàng hóa leo thang làm tăng áp lực suy thoái. BOJ chưa từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế và cam kết tăng trưởng tiền lương sẽ mạnh mẽ hơn. Chính phủ Nhật Bản cũng hướng tới mục tiêu thông qua gói biện pháp hỗ trợ bổ sung vào đầu tháng 9 tới.

Theo Quyền Giám đốc Văn phòng IMF tại châu Á-Thái Bình Dương, hiện là thời điểm khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách khi phải giải quyết áp lực đối với tăng trưởng và đối phó với lạm phát tăng cao. Bà Gulde-Wolf chỉ ra rằng triển vọng kinh tế của các nước trong châu Á không giống nhau, tùy vào mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu và mối quan hệ với các nền kinh tế lớn.

Trên thực tế, chi phí hàng hóa gia tăng ngay cả trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Giờ đây, các doanh nghiệp và gia đình ở châu Á đang đối mặt khó khăn chồng chất khi các đồng tiền châu Á suy yếu so với đồng USD và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất cao hơn, khu vực này phải đối mặt nguy cơ một cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, lạm phát gia tăng trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được và điều quan trọng là các ngân hàng trung ương cần theo dõi tình hình lạm phát của mỗi nước một cách chặt chẽ. Lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nhất đến người nghèo và do đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.