Hỏi: Theo Phó Thống đốc, việc Việt Nam gia nhập WTO có những tác động gì đến lĩnh vực tài chính ngân hàng?
Trả lời: Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực tài chính ngân hàng một cách trực tiếp cũng như gián tiếp.
Về mặt trực tiếp, việc này sẽ tạo thêm cơ hội cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính tín dụng trong nước tiếp cận thị trường tài chính quốc tế đã phát triển ở mức cao hơn. Ðây là cơ hội để học tập và nâng cao trình độ quản trị và cung cấp dịch vụ, phát triển các loại hình và kỹ năng kinh doanh mới mà các ngân hàng trong nước chưa có hoặc có ít kinh nghiệm, như kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, tín dụng thương mại quốc tế, dịch vụ ngân hàng điện tử, quản lý quỹ, môi giới tiền tệ, quản lý rủi ro, v.v.
Các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam cho phép các ngân hàng nước ngoài được đầu tư mua cổ phần của các ngân hàng trong nước. Do đó, đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng trong nước tăng vốn, tiếp thụ kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại về quản lý và hoạt động ngân hàng, vì các ngân hàng nước ngoài được lựa chọn làm đối tác chiến lược đều là các ngân hàng lớn có danh tiếng.
Xét ở góc độ gián tiếp, là tạo cơ hội và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tích cực cạnh tranh thị trường để tồn tại và phát triển, không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng hoạt động ra khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp này (cả trong nước và nước ngoài) sẽ trở thành các khách hàng tiềm năng của ngân hàng. Ngân hàng là nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, ngân hàng và các tổ chức tài chính tín dụng sẽ có điều kiện phát triển tốt khi khách hàng - những người sử dụng dịch vụ của họ làm ăn tốt và phát triển.
Hỏi: Thưa Phó Thống đốc, đó là thời cơ. Vậy các ngân hàng thương mại nước ta còn phải đối mặt với những thách thức nào?
Trả lời: Ðúng là khi mở cửa thị trường tài chính ngân hàng sẽ đặt ra nhiều thách thức về cạnh tranh, khi hệ thống ngân hàng trong nước vốn còn quá nhỏ bé so với các ngân hàng nước ngoài.
Hiện nay, số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam đã khá nhiều, hơn 30 ngân hàng. Tuy nhiên, quy mô về vốn và hoạt động vẫn còn nhỏ bé, do đó hạn chế khả năng mở rộng mạng lưới trong nước và quốc tế, đầu tư phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại để đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ cũng như mở rộng đối tượng khách hàng.
Các ngân hàng trong nước vẫn chỉ tập trung vào các dịch vụ huy động và cho vay truyền thống, chất lượng dịch vụ chưa cao. Trong khi đó, trước sự tham gia thị trường ngày càng sâu rộng của các ngân hàng nước ngoài, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng tăng, các ngân hàng trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ mất dần lợi thế về dịch vụ ngân hàng bán lẻ với mạng lưới các kênh phân phối và cơ sở khách hàng đã có sẵn.
Ngoài ra, mở cửa thị trường tài chính ngân hàng không chỉ buộc các ngân hàng trong nước cạnh tranh thị trường với các ngân hàng nước ngoài mà còn phải cạnh tranh thị trường với các định chế tài chính phi ngân hàng. Nhiều quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, công ty tài chính nước ngoài đang nghiên cứu thị trường Việt Nam, một thị trường được đánh giá là rất nhiều tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong khi mức độ và trình độ cung cấp dịch vụ tài chính còn ở giai đoạn phát triển ban đầu. Các tổ chức này sẽ cạnh tranh thị trường mạnh với ngân hàng về các hoạt động huy động vốn cũng như đầu tư.
Thêm vào đó, với việc mở cửa thị trường tài chính, các ngân hàng trong nước phải đối mặt với nhiều rủi ro thị trường. Chẳng hạn rủi ro về giá, tỷ giá và lãi suất và các rủi ro hệ thống, bắt nguồn từ sự lan truyền của các cuộc khủng hoảng, các cú sốc kinh tế tài chính khu vực và trên thế giới. Rủi ro cũng có thể đến từ các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng do làm ăn thua lỗ, thất bại trong cạnh tranh. Khi có bất cứ một biến động tài chính nào thì những ngân hàng quy mô nhỏ dễ bị tổn thương hơn cả.
Hỏi: Theo Phó Thống đốc, các ngân hàng nước ta cần làm gì để đứng vững và cạnh tranh thành công?
Trả lời: Trước tiên, các ngân hàng cần tăng cường cải cách một cách triệt để, nâng cao năng lực tài chính và hoạt động, thông qua huy động các nguồn đầu tư trong nước, tạo sự liên kết giữa các ngân hàng để hình thành các ngân hàng lớn hơn, lựa chọn các đối tác chiến lược lớn có uy tín để tranh thủ vốn, công nghệ và mạng lưới hoạt động toàn cầu của các ngân hàng này.
Các ngân hàng cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, và mở rộng khách hàng. Dịch vụ ngân hàng là loại hình dịch vụ có tính đặc thù, đòi hỏi uy tín cao. Vì vậy, mỗi ngân hàng cần xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp, một thương hiệu mạnh, tin cậy. Thực tế hiện nay, các ngân hàng chưa chú trọng công tác quản lý rủi ro, kể cả các ngân hàng thương mại nhà nước lẫn các ngân hàng thương mại cổ phần. Do vậy, các ngân hàng nước ta cần từng bước xây dựng cho mình cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả hơn.
Hỏi: Thưa Phó Thống đốc, sau mười năm nữa, hệ thống ngân hàng nước ta có gì thay đổi?
Trả lời: Có thể nói, bức tranh hệ thống ngân hàng ở Việt Nam sau 10 năm nữa sẽ có những thay đổi đáng kể. Ðiều đó sẽ diễn ra do kết quả của quá trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh, quá trình mua bán, sáp nhập và hợp nhất giữa các ngân hàng thương mại cổ phần và sự tham gia ngày càng sâu rộng của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam, cũng như sự hình thành các định chế tài chính mới, khi các thị trường vốn phát triển hơn.
Vì vậy, một điều chắc chắn là thị trường ngân hàng sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, mức độ cạnh tranh cao hơn, với quy mô thị trường có thể tăng từ mức tổng tài sản có của hệ thống ngân hàng chiếm 90% GDP hiện nay lên đến mức 120-140% GDP.
Việc phân chia thị phần giữa các nhóm ngân hàng sẽ phần nào có sự thay đổi. Các ngân hàng nước ngoài có thể tham gia thị trường sâu rộng hơn, dưới các hình thức khác nhau. Các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ là nhóm phát triển nhanh do được lợi thế từ sự đầu tư vốn, kỹ năng quản lý và chuyển giao công nghệ của các ngân hàng nước ngoài.
Các ngân hàng thương mại nhà nước, mặc dù hiện nay đang nắm thị phần lớn nhất, song sau quá trình cổ phần hóa các ngân hàng này, bức tranh về thị phần ngân hàng tại Việt Nam sẽ có thay đổi đáng kể; tuy nhiên về mặt hiệu quả, hệ thống ngân hàng nói chung sẽ hoạt động tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc.