Nghệ sĩ Tiến Minh - Viết nhạc từ bên trong tác phẩm

NDO -

NDĐT - Không biết từ lúc nào, nghệ sĩ Tiến Minh (Nhà hát kịch Hà Nội) được tín nhiệm sáng tác âm nhạc cho sân khấu và phim truyền hình. Đam mê chính của anh vẫn là hóa thân vào những số phận trên sàn kịch nói, nhưng giờ đây anh lại có thêm một khoảng không của giai điệu, để gửi những suy tư, chiêm nghiệm về những cảnh đời và các vấn đề của xã hội, của thời cuộc...

Nghệ sĩ Tiến Minh và NSƯT Tiến Đạt trong vở “Điệp khúc virus”.
Nghệ sĩ Tiến Minh và NSƯT Tiến Đạt trong vở “Điệp khúc virus”.

Tiến Minh nhớ mãi lần đầu tiên đặt chân vào con đường sáng tác. Đó là năm 2000 khi lên Lào Cai đóng phim video “Tình thắm Sa Pa”, vào vai chính - anh lính biên phòng, yêu cô gái người dân tộc Dao. Bộ phim phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, đạo diễn phim Hoàng Thanh Du đã mời nhạc sĩ viết ca khúc nhưng chưa ưng. “Hôm đó, mấy anh em ngồi nghêu ngao hát với nhau, đạo diễn có nói ra chuyện đó. Tôi bảo để em thử xem. Đêm đó không có đàn, tôi cứ nghĩ “chay” từ giai điệu cho đến lời. Hôm sau hát thử, anh Du thích quá, bảo chú lấy ở đâu ra? Tôi cũng hơi ngần ngại nên bảo em nghe lâu lắm rồi, không nhớ của ông nào. Đến khi anh Du quyết định chọn bài hát này thì tôi nhận là của mình. Anh bảo tôi hòa âm phối khí luôn. Đến phim sau, anh lại đặt tôi viết ca khúc. Anh Du như một người xúc tác quan trọng trong con đường sáng tác của tôi!”, Tiến Minh chia sẻ.

Trước đây, Tiến Minh đã có nhiều năm tự học đàn. Hồi nhỏ thường theo bố mẹ trong Đoàn nghệ thuật Trường Sơn đi khắp nơi, tiếng đàn, tiếng hát đã ngấm vào Tiến Minh. Bố là diễn viên kịch, mẹ diễn chèo, Tiến Minh có cái may mắn được sống trong không khí nghệ thuật suốt thời thơ ấu để nuôi dần ước mơ làm nghệ sĩ. Lớn lên anh quyết định thi vào khoa kịch nói của Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội, phần vì thấy kịch có vẻ dễ hơn nhạc, phần vì mọi người nói học nhạc phải học từ bé, giờ lớn rồi, ngón tay cứng, khó chơi đàn lắm!

Học kịch nhưng đàn hát thì anh vẫn mê! Ở trường, sinh viên cũng được học kỹ về nhạc cảm khi nhập vai trong phim, trên sân khấu, Tiến Minh rất quan tâm đến điều này. Về sau chính anh lại là diễn viên, nên bắt tay vào sáng tác, anh làm bằng con mắt của người ở bên trong tác phẩm.

Đó là những cái ban đầu hấp dẫn để về sau mỗi lần viết nhạc hay ca khúc cho một bộ phim hay vở kịch nào đó, anh lại nghiền ngẫm, tính toán thật kỹ cho sự “ứng hợp” giữa những đoạn nhạc, nốt nhạc với diễn xuất của diễn viên và những tình huống của tác phẩm.

Anh cho rằng, không thể nhạc rung lên một đằng, diễn viên diễn một nẻo. Mà phải bám sát, nâng đỡ theo diễn xuất và những tình tiết, âm nhạc phải là đôi cánh cho người nghệ sĩ và tinh thần tác phẩm. Còn nghệ sĩ thì cũng điều chỉnh, tiết chế để hành động của mình hài hòa với âm nhạc.

Lần đầu tiên Tiến Minh viết ca khúc cho kịch vào năm 2003. Vở “Con yêu” của Nhà hát kịch Hà Nội, vốn là tác phẩm tốt nghiệp ngành đạo diễn của NSND Hoàng Dũng, sau được đưa vào kịch mục của nhà hát. Đã có nhạc sĩ làm nhạc cho vở, nhưng Tiến Minh cảm thấy còn thiêu thiếu. Đưa “Con yêu” vào TP Hồ Chí Minh, anh nói với NSND Hoàng Dũng: “Cháu biết vở của chú chưa có ca khúc. Để cháu tặng chú một bài”! Sau đó, anh viết luôn bài hát “Con yêu”. Buổi diễn đầu ở nhà hát thành phố, ca khúc được đưa vào vở, do chính Tiến Minh thể hiện, NSND Hoàng Dũng ưng ý, “nhận” luôn!

Rồi đến năm 2007, NSND Hoàng Dũng mời Tiến Minh vào Quảng Nam viết nhạc cho vở “2000 ngày oan trái” của Đoàn ca kịch bài chòi Quảng Nam do ông đạo diễn. Sau đó “sản phẩm” của Tiến Minh đều được chọn sử dụng, và NSND Doãn Hoàng Giang bắt đầu “để ý” sự xuất hiện non trẻ của cậu diễn viên vốn gây ấn tượng với những vai phản diện, nhưng lúc này lại mang một tư cách mới.

“Năm 2009, dựng lại vở “Hà My của tôi” cho Nhà hát kịch Hà Nội, ông mạnh dạn “mời anh Tiến Minh cộng tác và chịu trách nhiệm về âm nhạc”. Lúc đó ông cứ tạm gọi là “chịu trách nhiệm” đã, chứ chưa dùng từ “sáng tác”, Tiến Minh mỉm cười nhớ lại: “Từ đó đến bây giờ, vở nào của nhà hát, tôi cũng được mời viết nhạc”.

Cho đến giờ, nghệ sĩ Tiến Minh đã viết nhạc, ca khúc cho hơn 40 phim truyền hình và gần 20 vở kịch. Viết cho phim thì đơn giản hơn về kỹ thuật, vì bản nhạc, bài hát sẽ phát qua sóng truyền hình, có làm thật cầu kỳ thì loa ti-vi cũng không phát được tất cả tần suất âm thanh. Còn cho sân khấu thì ngược lại, phải phối rất kỹ, rất dày, vì các nhà hát hầu như đã sử dụng âm thanh vòng, thiết bị hiện đại, đòi hỏi cao về chất lượng âm thanh và hiệu quả phối khí. Chưa kể, theo diễn tiến của vở, với từng cảnh diễn, từng đoạn chuyển cảnh và sự phát triển các tuyến xung đột, âm nhạc lại càng phải là một mảng riêng cần đầu tư sáng tác, trau chuốt, căn chỉnh.

Anh chia sẻ: “Viết ca khúc độc lập thì cá tính thể hiện được rõ hơn và chỉ có mình quyết định bài hát. Còn làm cho một bộ phim hay vở kịch thì tác phẩm phải phục vụ chủ đề chung, sao cho khi phát sóng, khi biểu diễn, ca khúc phải giúp khán giả ngấm được tinh thần của tác phẩm chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, ca khúc, đoạn nhạc ấy còn phải được sự thống nhất của đạo diễn. Có khi diễn viên cũng đề xuất về ý tưởng, tinh thần đoạn nhạc trong phần diễn của mình”.

Tất nhiên không phải vì thế mà người viết nhạc thành anh “đẽo cày giữa đường”, Tiến Minh tâm sự: “Thích nghi với mọi người, nhưng tôi không “chiều” mà vẫn phải giữ quan điểm và có cách truyền tải của mình. Để những chủ đề lớn, có khi đậm chất chính luận, vẫn phải được thể hiện mềm mại”. Đơn cử như trong phim “Chủ tịch tỉnh” hay “Bí thư tỉnh ủy”, “Gió từ phố Hiến”…, và sắp tới là “Thẩm phán”. Do vậy, với quan điểm này, nhiều bộ phim, anh phải ngồi tranh luận với đạo diễn hàng giờ về ca khúc chủ đề.

Trước đây, mọi người thường truyền tai nhau hoặc bắc cầu nối, giờ thì nhiều nơi mời anh viết nhạc, ca sĩ đặt anh viết ca khúc riêng và còn động viên anh nên ra một album các ca khúc viết cho phim, cho kịch… Nhưng “nghệ sĩ viết nhạc” lại cho rằng, bài hát có thể chỉ vút lên ở một thời điểm nhất định trong tác phẩm mà nó xuất hiện, nhưng nó góp phần giải quyết được cho tác phẩm đó, như vậy là đã xong! Anh còn phải dành tâm trí của mình vào những vai diễn mới. Thực sự, viết nhạc cũng đầy hứng thú, nhưng đó là thứ có thể tạm dừng, tạm thôi được, còn nghiệp diễn thì không thể!