Họa sĩ Phạm An Hải: Tôi muốn nghệ thuật trừu tượng gần gũi, dễ giao hòa với người xem

Họa sĩ Phạm An Hải: Tôi muốn nghệ thuật trừu tượng gần gũi, dễ giao hòa với người xem
Họa sĩ Phạm An Hải: Tôi muốn nghệ thuật trừu tượng gần gũi, dễ giao hòa với người xem -0

Với mỹ thuật, tranh trừu tượng có lẽ là thể loại kén người xem, kén người sưu tập; cũng là thách thức gian khổ trên con đường đi tới thành công đối với các họa sĩ. Tuy nhiên, Phạm An Hải là họa sĩ chinh phục được điều khó ấy bằng lối đi riêng, nhiều nhọc nhằn nhưng đã vươn tới vinh quang trong sự mơ ước của nhiều nghệ sĩ: tranh của anh luôn thuộc tốp đầu về giá cũng như lượng tranh sưu tập hàng năm trong đời sống mỹ thuật đương đại.

Họa sĩ Phạm An Hải có cuộc trò chuyện  với phóng viên Nhân Dân về thể thể loại tranh trừu tượng, cùng những suy nghĩ chung quanh công việc sáng tạo nghệ thuật.

 Nhà báo Phan Thanh Phong (PTP): Thưa họa sĩ Phạm An Hải, với công chúng, có vẻ tranh trừu tượng khó tiếp cận. Là người có gần 30 năm theo đuổi,  ghi dấu ấn và thành công ở thể loại tranh này, anh có thể nói một cách dễ hiểu nhất về nó ? 

Họa sĩ Phạm An Hải (PAH): Về trừu tượng, sách vở đã viết rất nhiều. Nhưng một cách dễ tiếp cận hơn, tôi có thể nói thế này: trừu tượng tức là không vẽ vỏ ngoài hình thể, nó đi đến bản chất vận động ở bên trong. Tóm lại, nó có thể gọi là một hiện thực khác, đấy là nôm na, cốt lõi nhất! 

Tranh trừu tượng, tạm chia ra ba loại: trừu tượng cấu trúc, trừu tượng vận động và trừu tượng cảm xúc. Trong mỗi loại hình lại có những nét riêng. Thật ra, nó cũng chồng lấn. Để mà phân định được rõ ràng thì ranh giới cũng hạn chế, nhưng vẫn phân định được. Tuy nhiên, đòi hỏi công chúng hiểu và phân định nó thì không cần thiết. Bởi vì bất kể loại hình nghệ thuật nào, mục đích cuối cùng cũng là  nhằm khơi gợi cảm thụ nghệ thuật trong mỗi con người. Người họa sĩ có thể vẽ lập thể, vẽ hiện thực, cực thực, vị lai, ấn tượng hay hậu ấn tượng hay trừu tượng...vv, nhưng cuối cùng cũng là để đánh thức phần tàng thức trong đầu người xem mà thôi.

PTP: Vậy, như thế nào là biết xem tranh?

PAH: Người biết xem tranh đầu tiên phải có hiểu biết khái niệm cơ bản đã. Như thế nào được gọi là một bức tranh? Một bức tranh, ngày xưa, theo lối cũ sẽ phân định là hình thức và nội dung. Phần nội dung mang tính tư tưởng, đề tài, và phần hình thức là thể hiện đề tài đấy. Nhưng theo tôi, sẽ là điều nhầm lẫn khi tách biệt hai yếu tố ấy. Theo quan điểm của phương Tây, mà tôi thấy đúng, đó là hai yếu tố ấy chỉ là một, nội dung nào thì hình thức đó.

 PTP: Người ta hay nói xem tranh chỉ cần cảm, không cần hiểu, có đúng không?

PAH: Về cơ bản như vậy là đúng. Vì nhiệm vụ của bức tranh là khơi gợi và đánh thức  phần “tàng thức ngủ” trong đầu người xem. Cho nên người xem sẽ tự cảm thấy. Khi đã cảm thấy thì có nghĩa đã hiểu. Vì sao? Nhìn thấy và tín hiệu nó đưa đến để nó đánh thức tàng thức của người ta thì người ta sẽ cảm thấy. Nhưng nếu đòi hỏi mức độ hiểu thì trình độ của người xem phải cao hơn thế. Tức là ngoài chuyện cảm thụ, anh nhận được tín hiệu đấy, anh rung cảm được, nhưng anh lại cần có thêm kiến thức để hiểu rõ, phát hiện được cái hay, cái đẹp của technic này, cái thâm ý sâu xa , dẫn dắt người xem đằng sau cái tranh là cái gì, và tư tưởng, ý đồ của họa sĩ là gì, tính giáo dục của nó như thế nào...vv.  Người mà xem được như thế tức là họ có “nghề” rất cao, chắc chắn họ phải được học, nếu không học không thể xem được. 

Họa sĩ Phạm An Hải: Tôi muốn nghệ thuật trừu tượng gần gũi, dễ giao hòa với người xem -1
 Họa sĩ Phạm An Hải trò chuyện cùng nhà báo Phan Thanh Phong.

PTP: Vậy với một họa sĩ, vẽ trừu tượng có khó hơn các thể loại khác không?

PAH: Tranh trừu tượng cũng dễ dàng như các loại khác, và thậm chí nó còn rộng mở hơn rất nhiều.

PTP: Anh thấy đã có nhiều người hiểu về tranh trừu tượng chưa, cụ thể là với tranh của anh?  

PAH: Nói là hiểu hết, cảm được hết thì chắc chắn là khó, nhưng cũng có một số người hiểu một cách khá sâu sắc, thậm chí có những người còn đào sâu được những vỉa tầng của cái đẹp, những ẩn ý sâu xa. Họ đọc được bức tranh rất giỏi. Gần như những ý định mình đưa ra, mình cài cắm ở lớp sâu, họ đều đọc được. 

PTP: Với một thể loại tranh kén người xem và người sưu tập; người vẽ càng không dễ dàng đi đến thành công, anh đã chinh phục công chúng bằng cách nào?

PAH: Tôi muốn đưa năng lượng tích cực, vui vẻ  vào từng bức tranh. Đấy là điều mà những người xem, người mua họ cảm nhận rất rõ. Đầu tiên là mầu sắc, là trạng thái tình cảm. Mầu sắc của tôi luôn muốn làm cho người ta có cảm giác vui tươi, phấn chấn, thư giãn. Kể cả những bức mình vẽ quằn quại nhất, thì nó vẫn trong cảm giác dễ chịu, và mầu sắc không bị tối tăm,  không  gây sự não nề, mệt mỏi. Đối diện với bức tranh người ta thấy có năng lượng tích cực, vui hơn, phấn chấn hơn và luôn có sự tươi mới. Đấy cũng là một hướng đi mà tôi theo đuổi. Tôi muốn đưa nghệ thuật trừu tượng trở thành sự đơn giản, gần gũi, dễ giao hòa. Trừu tượng của tôi không  phải là cái gì đánh đố, khó hiểu hay kiểu quằn quại, bế tắc như hình dung của nhiều người.Tôi muốn thay đổi cảm giác cho người xem khi tiếp cận với trừu tượng là nó cũng giản dị, dễ cảm nhận, dễ đi vào lòng người, bởi nó cũng tuân theo tất cả những quy luật của các trường phái khác. Nó cũng bình thường, cũng dùng mầu sắc bố cục, diễn tả tình cảm cũng như cảm xúc của tác giả.

PTP: Nghệ thuật của anh có sự ảnh hưởng từ đâu, từ ai?

PAH: Tôi ảnh hưởng khá nhiều, trong từng giai đoạn. Thí dụ, thời kỳ đầu tôi thích Piet Mondrian, Mark Rothko, W. De Kooning... rồi tôi rất thích Frank Kline, giai đoạn biểu hiện thì lại thích Francis Bacon...nhiều lắm ! ( cười)

PTP: Bây giờ anh đã là anh chưa?

PAH: Bây giờ tôi gần như muốn xóa tất cả những sự ảnh hưởng từ các bậc tiền bối, gần như quên đi để tìm ra một lối đi riêng.

 PTP: Lối đi riêng ấy là gì?

PAH: Tôi muốn tạo ra một loại trừu tượng phương Đông, xuất phát trên nền đơn sắc đơn diện của thủy mặc phương Đông. Đơn sắc đơn diện là trên một diện phẳng chỉ một mầu thôi, chứ không phải nhiều mầu như phương Tây. Cái dấu ấn đơn sắc đơn diện và hiện thực của cảm xúc ấy của tôi đã được đánh giá và công nhận. Năm 2015, nhà đấu giá Sotheby’s đã bình chọn tôi là một trong 20 gương mặt tiêu biểu có dấu ấn trong khu vực Đông Nam Á. 

Tôi đã xác lập, định dạng được hướng đi riêng. Chính vì thế bảo tàng  Galeri Petronas KCLL(Malaysia), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, các nhà sưu tập trong và ngoài nước đã sưu tập tranh tôi. Ở Ý, năm 2016 cũng xếp tôi vào những họa sĩ đương đại tốt nhất thế giới.

Nếu nói kiêu căng thì không phải, nhưng tôi có chút tự hào, vì mình đã làm được những điều mà tôi mong muốn, khao khát.

 PTP: Gần 30 năm, trên con đường đã chọn, đã định dạng, nhìn lại, anh thấy mình thay đổi nhiều không?

PAH: Vẫn trên sự nhất quán phong cách nhưng tôi đã khác đi nhiều! Về mặt nghệ thuật, tôi tự thấy mình trước đây còn ngô nghê. Có những bức tranh tôi vẽ 10, 20 năm trước, khi đó thấy đẹp, cất giữ vào kho, nhưng sau này lôi ra nhìn, lại thấy không ưng, có bức tôi vẽ lại.

Bây giờ tôi thấy mình chín chắn và trưởng thành trong nghề hơn trước rất nhiều. Tôi theo đuổi trừu tượng  gần 30 năm. Trong gần 30 năm đó, có những lúc trên trục chính mình lại tạt ngang, nhánh rẽ. Những nhánh rẽ ấy tôi cũng đã đi đến tận cùng, để cuối cùng quay lại đường lớn đã chọn. 

Nhìn lại từ những ngày đầu, sự thay đổi trong tôi không phải là quá khác biệt đến mức không thể nhận ra, nó vẫn xuyên suốt, nhưng nó chín hơn, đầm hơn, sâu sắc hơn. 

Cái đấy,  nhìn tổng thể trên các tác phẩm, mọi người thấy dễ, không khó. Cái khó là cùng một vệt mầu nhưng năm tháng, năng lượng, kinh nghiệm nó quyện vào làm cho từng nét quyệt ấy có sức nặng, sự trầm tích tầng lớp ngày càng nhiều hơn, sâu hơn.

Sức nặng ấy nó vô hình nhưng là cả một quá trình trải nghiệm, trả giá, và trưởng thành, phát triển trong nghề. Tôi tự thấy nghệ thuật của mình 10 năm trở lại đây tốt hơn hẳn trước. 

PTP: Hiện tại chắc anh đã hài lòng với hướng đi đấy?

PAH: Một nghệ sĩ có khát vọng thì không bao giờ tự thỏa mãn. Tôi vẫn đào xới mỗi ngày. Làm việc cật lực. Và chưa bao giờ thỏa mãn hoặc có ý định dừng lại, đặc biệt “thâm canh” những gì mình đã đạt được.

PTP: Nói tới điều này, nhiều ý kiến cho rằng không ít người thành danh rồi, ghi dấu nghệ thuật được rồi, bèn dừng lại, thậm chí vẽ lại chính mình, bán tên hơn là bán tác phẩm. Như vây rõ ràng thiếu trách nhiệm với nghệ thuật, với công chúng.  Anh nghĩ sao về điều này? 

PAH: Tôi nghĩ không phải là họ không có trách nhiệm mà là họ hèn nhát. Họ hèn nhát kiếm chỗ trú ngụ an toàn. Cũng không ít người thì do thực tế chẳng bứt phá được, họ chỉ có thể đến đấy rồi đi ngang, không đủ năng lực để đi lên.

PTP: Có bao giờ anh cũng bị bất lực như thế không?

PAH: Có chứ! Chuyện bế tắc là thường xuyên trong lúc vẽ. Mỗi một lần bế tắc là một cuộc vật vã. Nếu như mình không thay đổi được, không đào xới lên, không làm mới được, đau khổ lắm!

Mà muốn làm mới được thì phải có tư tưởng. Tư tưởng là cái xuyên suốt, là mạch đi mà mình định ra, muốn đi tới.

Những trường hợp như nói trên thì không cần bàn tới vì họ sẽ bị đào thải nhanh thôi, công chúng yêu nghệ thuật họ sẽ nhận ra trong thời gian rất ngắn!

PTP: Nhưng một thực tế đang diễn ra là không ít những tác giả  như thế vẫn đang được thị trường ưa chuộng, tranh của họ vẫn giá áp đảo, lượng bán hằng năm cũng khủng. Anh có lý giải nào không?

Tranh nhiều người thích không đồng nghĩa là tranh đẹp. 

Họa sĩ bán được nhiều tranh cũng chưa chắc đã là họa sĩ giỏi. 

Chẳng qua họ đáp ứng được thị hiếu thấp đấy thôi. Đấy là nói việc tranh áp đảo về lượng.

Còn vì sao một số người đổ xô mua tranh ai đấy giá ngất ngưởng một cách phi lý? Thực ra, công chúng nghệ thuật hiện nay vẫn còn nhiều người "xem tranh bằng tai”. Thêm nữa, họ không chịu đọc, không chịu học, dẫn đến họ nghĩ tranh của một vài người nào đấy được rỉ tai có thể là kênh đầu tư, kênh trú ẩn an toàn. Cái đấy là vì dân trí, là cái tội của dân trí, chứ không phải vấn đề của sáng tạo. Còn họa sĩ chạy theo việc đó thì cũng tự giết mình thôi. 

Chưa kể, thị trường cũng có không ít người xem việc mua tranh như một cách chơi sang, chơi trội, thể hiện đẳng cấp. Hoặc có những người giải quyết cho bài toán tiêu tiền trừ thuế, quảng cáo doanh nghiệp...vv. 

Tất cả là một bài toán kinh tế khác, không phản ánh giá trị đích thực của tác phẩm và bản chất đích thực, lành mạnh của đời sống sáng tạo.

Họa sĩ Phạm An Hải: Tôi muốn nghệ thuật trừu tượng gần gũi, dễ giao hòa với người xem -0

PTP: Từ trước tới nay, giới chơi tranh, sưu tập tranh của anh là những ai, ở đâu?

PAH: Trước đây nước ngoài chiếm khoảng 90%. Vài năm gần đây bắt đầu có những nhà sưu tập Việt Nam mua nhiều, có thể nói con số đáng kể. Hầu hết họ đều là những nhà kinh tế lớn. Hiện nay tranh của tôi nằm ở tỷ phú Ấn Độ, Pháp, Thụy Sĩ, chủ nhà băng, chủ hệ thống khách sạn, tập đoàn lớn... rất nhiều.

Ở Việt Nam cũng là chủ những tập đoàn lớn.

 PTP: Anh có biết được họ mua tranh của anh mục đích để làm gì không?

PAH: Vừa chơi vừa đầu tư. 

PTP: Vì sao tranh của anh ít thấy ở các các gallery  Việt Nam?

PAH: Ngày xưa nhiều, có đến 10 galery ở Hà Nội. Nhưng từ khi tôi hợp tác với Sotheby’s, họ yêu cầu chỉ được một galery ở Việt Nam, có thể chọn ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Cái này nằm trong hệ thống kinh doanh của họ, họ có những bước đi của họ và tôi nghĩ mình cũng phải chấp nhận. Trong vòng 7, 8 năm làm việc với họ thường giá tranh năm sau cao hơn năm trước. Vậy nên bây giờ tôi chỉ chú tâm mỗi việc ngồi sáng tác thôi.

PTP: Anh thấy giá tranh của thị trường Việt Nam hiện nay như thế nào?

PAH: Giá tranh thị trường Việt Nam tùy tiện, cảm tính, không phản ánh đúng đời sống thực chất của mỹ thuật. Tranh chỉ khi lên sàn đấu giá chuyên nghiệp quốc tế,  giá được xác lập khi lặp lại nhiều lần. Chứ còn chuyện đắt, rẻ tùy hứng, tùy tiện như hiện trạng không nói lên điều gì cả!

PTP:  Là người có sự kết nối với công chúng cũng như tạo sân chơi cho các họa sĩ trên mạng xã hội khá sôi động. Góc nhìn của anh về đời sống mỹ thuật nói chung hiện nay đang như thế nào?  

PAH: Hiện nay lớp trẻ có những người mạnh dạn tìm tòi, có người cũng đã tìm ra hướng đi hay, mới mẻ, hơn hẳn thế hệ trước.

PTP: Anh có thể điểm gương mặt nào không?

PAH: Lớp trẻ  có thể nhắc tới những gương mặt như Phạm Hà Hải, Phạm Bình Chương,Thế Dung, Huy Dũng, Đoàn Xuân Tặng. Trẻ nữa tầm 8x, 9x, cũng manh nha bật lên như Thế Dân.

Về điêu khắc có Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương ,Trần An, Thái Nhật Minh... 

PTP: Lớp nghệ sĩ thành danh, anh thấy thế nào?

PAH: Nói chung đa phần đang dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Chỉ còn vài người vẫn tốt như Đào Châu Hải, Phùng Quốc Trí, Đỗ Hoàng Tường, Hứa Thanh Bình.

 PTP: Còn anh?

PAH: Tôi cũng cảm thấy không thể hài lòng được với mình. Họa sĩ là người khá cô đơn. Có những đêm ngồi trên xưởng tròng trọc, một mình với mình.  Nhiều khi không nghĩ được, không làm được cái mình muốn, mình mong chờ, bức bối lắm!

May là tôi có nhiều cái để  trốn tránh, để thay đổi trạng thái. Thí dụ, bế tắc thì tôi chơi loa đài, nghiên cứu đồng hồ, đồ gỗ, đọc sách, xem phim.

PTP: Mục tiêu trong thời gian tới của anh cụ thể là gì?

PAH: Trước mắt trong vòng 5 năm tới tôi sẽ phấn đấu làm được xưởng vẽ, ít nhất thỏa mãn công năng cho lao động của mình. 

Xưởng vẽ đấy có thể là kiêm luôn phòng bảo tàng cá nhân (mơ thế)!

Còn về mục tiêu  nghề thì cố gắng làm sao để được đánh giá,  lựa chọn ở một mức tốt hơn nữa. 

Vấn đề là phải tìm ra cho mình một cái gì riêng nữa, độc đáo hơn nữa, không biết mình có đủ sức, đủ tài để làm không?

Mong muốn, tham vọng thì có, nhưng làm được hay không cũng phải số trời, bây giờ không nói trước được điều gì ! ( cười)

Tôi làm việc nghiêm túc, có thể nói ngày nào cũng phải đủ 8 đến 10 tiếng , rất khỏe, rất đều. Từng vấn đề nhỏ nhất tôi đều làm rất cẩn thận, không cẩu thả , ngược lại cũng không bị gò, vẫn phải phóng túng trong sáng tác để nó có hơi thở tự nhiên!

PTP: Trân trọng cám ơn những chia sẻ tâm huyết của họa sĩ Phạm An Hải và chúc anh sớm hiện thực những dự định phía trước của mình!
 

Họa sĩ Phạm An Hải: Tôi muốn nghệ thuật trừu tượng gần gũi, dễ giao hòa với người xem -0
Theo đề nghị của hoạ sĩ Phạm An Hải , chúng tôi có chỉnh sửa một vài chi tiết thông tin trong một câu trả lời của bài phỏng vấn.
Trân trọng thông báo với độc giả!

Họa sĩ Phạm An Hải: Tôi muốn nghệ thuật trừu tượng gần gũi, dễ giao hòa với người xem ảnh 5

Ngày xuất bản: 25-1-2021

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH

Nội dung: PHAN THANH PHONG

Ảnh: MẠNH TRƯỜNG

Đồ họa & kỹ thuật: ĐỨC DUY