Trận chung kết Champions League mùa trước giữa Chelsea và Man City là dấu hiệu cho thấy bóng đá đã sang trang. Cuộc chơi đỉnh cao ở châu Âu không còn được chủ trì bởi những câu lạc bộ (CLB) giàu truyền thống, mà thuộc về tầng lớp thượng lưu mới giàu có.
Sự trỗi dậy của PSG, Chelsea hay Man City không phải mới xảy ra. Nhưng nó bị kìm hãm bởi lực lượng thống trị cũ như Real hay Barca, những đội vẫn có ảnh hưởng lớn dựa trên danh tiếng vốn có. Cho đến một ngày đại dịch Covid-19 ập đến, phơi bày sự yếu kém trong hệ thống kinh tế bóng đá chuyên nghiệp.
Như đã thấy, Real và Barca phải trả giá cho khoảng thời gian phóng tay để duy trì ánh hào quang. Trong khi đó, những đội được hỗ trợ bởi những ông chủ dồi dào tiền mặt không chỉ có thể chi, mà còn tranh thủ chi rất nhiều để gom về các ngôi sao tốt nhất.
Chelsea chi 97,5 triệu bảng để có Romelu Lukaku từ Inter, đội buộc phải bán để duy trì hoạt động. Man City bỏ ra 100 triệu bảng cho Jack Grealish, không phải vì họ rất cần cầu thủ này, mà đơn giản, họ có tiền để có thể mua.
Cuộc khủng hoảng tài chính khiến Barca không thể giữ chân huyền thoại Lionel Messi, Real chia tay đội trưởng Sergio Ramos. Hai cái tên vĩ đại này giờ là đồng đội của nhau trong màu áo PSG. Được hậu thuẫn bởi tỷ phú Qatar, đội bóng thủ đô nước Pháp đang thiết lập Giải ngân hà ở Parc des Princes. Ngoài Messi, Ramos họ còn có nhà vô địch châu Âu Gianluigi Donnarumma, đội trưởng ĐT Hà Lan Georginio Wijnaldum, đồng thời giữ Kylian Mbappe ở lại.
Bên cạnh đó, những CLB có nền tảng tài chính mạnh mẽ, vận hành cỗ máy kiếm tiền hiệu quả và chi tiêu thông minh cũng nhìn thấy cơ hội trong bối cảnh khủng hoảng. Đầu tiên là các CLB thuộc giải đấu bạc tỷ Premier League.
Trong 3 kỳ chuyển nhượng đã qua kể từ khi đại dịch bùng phát, Premier League vẫn chi hơn 1,6 tỷ bảng để mua sắm cầu thủ. Các giải còn lại ở châu Âu, nhiều nhất là Serie A cũng chỉ chi 255 triệu bảng, chưa bằng một nửa số lẻ của xứ sương mù. Và đội tiêu tiền nhiều nhất thời đại dịch, không bất ngờ, là MU 187 triệu bảng đã được bỏ ra, bao gồm khoản chi phí dành cho Cristiano Ronaldo.
Siêu sao 36 tuổi vẫn còn nguyên sự sắc bén và khát khao chiến thắng. Cú đúp ở trận ra mắt đã chứng minh điều đó. Ronaldo cũng rất hấp dẫn về mặt thương mại. Chỉ trong 2 tuần, doanh thu áo đấu của anh đã thu về 187 triệu bảng. Juventus dĩ nhiên biết giá trị của Ronaldo và hiểu họ vừa đánh mất những gì. Nhưng họ buộc phải nói lời chia tay bởi không thể kham nổi khoản lương 28 triệu bảng dù hợp đồng chỉ còn 10 tháng nữa là hết hạn.
Rodri Baster, người sáng lập công ty đại diện cầu thủ Promoesport, nói rằng đây là khoảng thời gian các CLB phải ưu tiên giải quyết vấn đề tài chính thay vì tiêu chí thể thao. Vậy nên không ngạc nhiên khi Juve, với một đội ngũ thiếu kinh nghiệm, được bổ sung vội vàng một vài cầu thủ theo dạng mượn trước khi mua đứt, vẫn chưa biết mùi chiến thắng sau 3 trận đầu mùa giải mới.
Tại châu Âu, chỉ có một số ít đội dù không có nguồn thu lớn nhưng vẫn hoạt động tốt. Các CLB Đức, đứng đầu là Bayern, là thí dụ tiêu biểu. Tất cả là nhờ chiến lược phát triển bền vững theo đuổi nhiều năm qua. Mặc dù vậy, họ vẫn không thể sánh với những đội siêu giàu.
Trong danh sách ứng viên vô địch Champions League mùa này, đứng đầu là PSG, sau đó là Man City, Chelsea mới đến Bayern. Liverpool, MU là hai đội tiếp theo. Real, Barca, Atletico và Juventus lần lượt là những ứng viên thứ 7, 8, 9 và 10. Một sự phân cực rõ ràng giữa tầng lớp giàu có và các thế lực cũ đang ngày càng trở nên yếm thế.
Người ta thường nói, tiền không mua được danh hiệu. Tuy nhiên, ở một giải đấu như Champions League, tiền thực sự có tiếng nói.