Cầu Kè chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả

NDO -

NDĐT - Huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh với nhiều ưu thế được ưu tiên quy hoạch vùng lúa chất lượng cao hơn 6.000 ha trên tổng diện tích đất sản xuất lúa 11.407ha. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế vẫn không cao bằng các loại cây trồng khác. Từ đó, số diện tích nằm trong quy hoạch vùng lúa chất lượng cao luôn bị phá vỡ, chủ yếu chuyển sang trồng cam sành.

Thu hoạch cam sành.
Thu hoạch cam sành.

Hiệu quả kinh tế của cam sành

Lợi thế của vùng đất ven sông Hậu, từ lâu huyện Cầu Kè đã nổi tiếng với những vườn chôm chôm, măng cụt ở cù lao Tân Quy, xã An Phú Tân. Khoảng 20 năm trở lại đây, xã Tam Ngãi – quê hương nữ anh hùng Út Tịch lại nổi tiếng với các tỷ phú cam sành. Theo thống kê năm 2012 của UBND xã Tam Ngãi, trong 731 hộ trồng cam sành đều cho thu lợi từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trong đó, lời trên 100 triệu đồng/ha/năm có 445 hộ. Đặc biệt có 13 hộ lời hơn một tỷ đồng như: hộ anh Trần Vũ Phong (ấp Bà My); Huỳnh Văn Sang, Huỳnh Văn Lẩm, Huỳnh Văn Liệt, Nguyễn Văn Tẩm, Nguyễn Văn Ức (ấp Bưng Lớn B); ông Hồ Văn Năng, Nguyễn Văn Dương (ấp Bưng Lớn A); ông Nguyễn Bá Điệu (ấp Ngãi Nhì); ông Nguyễn Văn Xê (ấp Giồng Nổi) và ông Võ Văn Ánh (ấp Ngãi Nhất)…

Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, hiện nay, hiệu quả kinh tế của 1 ha đất trồng lúa ba vụ, ước năng suất bình quân mỗi vụ 6 tấn/ha, với giá lúa bán ra 5.000 đồng/kg, chỉ thu được 90 triệu đồng/năm; sau khi trừ chi phí, người trồng lúa chỉ còn lời khoảng 39.000.000 đồng/ha/năm (chi phí cho 1 ha đất sản xuất lúa 17 triệu đồng/ha/vụ). Trong khi chỉ ngồi không cho người khác thuê đất của mình để trồng cam sành cũng được giá 50 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu người dân chỉ cho thuê đất mà không cần phải sản xuất lúa thì thu nhập vẫn cao hơn 11 triệu đồng/ha/năm.

Cầu Kè chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả ảnh 1

Lên liếp trồng cam.

Đối với những người có kinh nghiệm, tự chuyển đổi đất lúa sang trồng cam sành phải có từ 250 triệu đến 300 triệu đồng để chi phí cho 1 ha từ lúc lên liếp cho đến khi cho trái ổn định. Hiện nay, năng suất bình quân của 1 ha cam sành từ 20 - 30 tấn/năm, với giá bán trung bình 20 triệu đồng/tấn, thì giá trị sản xuất thu được trên 01 ha cam sành từ 400 triệu đến 600 triệu đồng/năm. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận của người trồng cam sành từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Như vậy, so với trồng lúa, người trồng cam thu lời thực tế cao hơn từ 3,8 - 7,6 lần so với trồng lúa.

Từ hiệu quả kinh tế của cam sành cao, những năm gần đây, cây cam sành âm thầm, lặng lẽ từng bước thay thế dần diện tích lúa. Điển hình như tại xã Thông Hòa là một trong những xã nằm trong vùng lúa chất lượng cao, cây cam sành vẫn từng bước biến nhiều đồng lúa ngút ngàn trở nên nham nhở “da beo”, đan xen các vườn cam sành non tơ.

Nhà vườn Mai Vũ Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Cam sành Cầu Kè cho biết: Hiệu quả cây cam sành mang lại rất cao, những người trồng cam sành chuyên nghiệp phải thuê đất ruộng để trồng cam sành. Do đất mới lên liếp trồng cam rất tốt, ít bệnh…nên giá thuê đất từng bước nhích dần lên; hiện nay giá thuê đất trung bình là 50 triệu đồng/ha/năm, thời gian thuê đất từ 05-06 năm. Nếu vườn cam thành công, từ năm thứ 03 đến 05 cho thu nhập phải từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Như vậy, sau 5 năm, người thuê đất phải bỏ ra khoảng 500 triệu/ha, cho tiền thuê đất và cả đầu tư vườn cây, thu lại khoảng 1,2 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 500 triệu/ha sau 5 năm. Riêng gia đình ông cũng đã thuê 4ha đất ruộng để trồng cam sành.

Không muốn chuyển cũng phải chuyển, không muốn cho thuê đất cũng phải cho thuê là trường hợp bất khả kháng của nhiều nông dân có đất lúa ở Cầu Kè hiện nay. Nông dân Hồ Văn Lượng (ấp Trà Ốt, xã Thông Hòa) bức xúc cho chúng tôi biết. Gia đình anh 1,2 ha đất trồng lúa, nhưng từ năm 2013 ruộng trồng lúa của gia đình anh bị các chủ ruộng bao quanh lân cận lên liếp chuyển sang trồng cam sành. Từ đó, việc lấy, xả nước sản xuất lúa hay đưa cơ giới vào làm đất, thu hoạch phải xin “quá giang” sang vườn cam của các hộ xung quanh, rất bất tiện. Không còn cách nào khác, năm 2015, anh phải “bóp bụng” cho hộ trồng cam mướn đất để trồng. Anh không trồng cam vì thiếu kinh nghiệm và chi phí đầu tư lớn. Hơn 20 năm trồng lúa, nay phải rời xa đồng ruộng của mình cũng thấy bùi ngùi. Đành đợi sau 5- 6 năm các vườn cam hết kỳ sản xuất, hết hạn cho thuê, thì lấy đất lại để sản xuất lúa.

Cần điều chỉnh quy hoạch theo hướng hiệu quả

Theo số liệu mà chúng tôi có được, xã Thạnh Phú là vùng chuyên canh trồng lúa 03 vụ/năm, là vùng lúa chất lượng cao và cánh đồng lớn được huyện quy hoạch với diện tích 850ha. Nhưng từ năm 2015 diện tích lúa đã giảm đáng kể, chỉ còn 672ha (giảm 177ha), chủ yếu chuyển sang trồng cây cam sành. Tương tự, xã Thông Hòa với diện tích đất trồng lúa 1.668ha nhưng đến năm 2016 chỉ còn 1.227ha (giảm 541ha), trong này đất chuyển sang trồng cam sành là 488ha. Đến năm 2016, diện tích đất trồng lúa ở Cầu Kè chỉ còn 9.883,17ha (giảm 1.523,94ha so với năm 2010), chủ yếu do chuyển sang trồng cây ăn trái, trong đó cam sành 1.078,23ha.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Văn Đệ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: Khó giữ quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp (đất lúa) nhất hiện nay là do trước đây quy hoạch chưa chú trọng đúng mức đến tính hiệu quả kinh tế. Nên giá trị sản xuất trong vùng quy hoạch (lúa) thường thấp hơn so với trồng các loại cây khác. Đồng thời sau khi có quy hoạch ngành chức năng và địa phương chậm có chính sách hỗ trợ, công bố vùng quy hoạch đến với người dân trong từng xã, ấp nhằm ngăn chặn việc phá vỡ quy hoạch.

Cầu Kè chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả ảnh 2

Sản xuất cây cam giống.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giữa năm 2016, Ủy ban nhân dân huyện Cầu Kè chỉ đạo ngành chức năng rà soát quy hoạch sử dụng đất trên đại bàn huyện. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh. Nguyên tắc quy hoạch chuyển đổi của huyện đưa ra là phải đảm bảo giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác đạt trên 200 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân hộ gia đình tham gia thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác trên cùng diện tích tăng từ 2 - 3 lần so với trước khi chuyển đổi. Cây trồng chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa phải phù hợp với hiện trạng giao thông, thủy lợi nội đồng của địa phương, hạn chế đầu tư vốn và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo mục tiêu này, sau khi lấy ý kiến các ngành chức năng và nhân dân, huyện Cầu Kè quy hoạch lại, đến năm 2020, đất trồng lúa còn 8.415ha, giảm 1.468 ha so năm 2016, để thực hiện chuyển đổi sang trồng cây hàng năm khác, cây lâu năm và chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp. Trong này, chủ yếu chuyển sang trồng cây ăn trái 1.071,25ha (1.056,8ha cây cam). Kiến nghị đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Ủy Ban nhân dân tỉnh cho chủ trương để Cầu Kè chuyển đổi. Đối với diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam sành, sau 5 năm trồng (đến năm 2021), Cầu Kè cam kết sẽ hoàn trả lại hiện trạng đất lúa như ban đầu.

Đồng chí Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cầu Kè, nói: “Sau khi quy hoạch chuyển đổi được tỉnh phê duyệt, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện đúng theo quy hoạch; vùng nào cho phép chuyển đổi cây trồng mới được chuyển đổi; ngược lại vùng nào không được phép chuyển đổi (chỉ sản xuất lúa), mà người dân tự ý chuyển đổi sẽ có biện pháp xử phạt”.