Cánh cò giữa lòng thành phố

Từng đàn cò trắng bay về kiếm ăn tại khu vực Đảo Xanh, quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) tạo nên hình ảnh thanh bình, thể hiện môi trường trong lành ở nơi đây. Tương lai đạt được mục tiêu xây dựng đô thị sinh thái, gia tăng mảng xanh cho cuộc sống của quận Hải Châu là điều hoàn toàn khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
Đàn cò tập trung số lượng lớn tại khu Đảo Xanh. (Ảnh TÀI MINH)
Đàn cò tập trung số lượng lớn tại khu Đảo Xanh. (Ảnh TÀI MINH)

Sinh sôi dưới tán cây ngập mặn

Mới đây, nhóm chuyên gia nghiên cứu-giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng ghi nhận: Tại khu Đảo Xanh có hơn 8 loài cò bay về sinh sống, kiếm ăn; trong đó, quần thể chiếm ưu thế là cò trắng và cò ngàng nhỏ; bên cạnh đó còn có các loài như cò ngàng lớn, cò bợ, cò ruồi, cò lửa đang tập trung với số lượng ngày càng lớn. “Sự xuất hiện của đàn cò giữa lòng thành phố đã tạo ra một điểm đến mới ngắm cảnh, hòa mình vào thiên nhiên của người dân và du khách, góp phần đạt mục tiêu đô thị sinh thái của quận Hải Châu cũng như cả thành phố Đà Nẵng”, chuyên gia Phạm Tài Minh đánh giá.

Từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm là mùa sinh sản của các loài cò. Khu vực Đảo Xanh thuộc chế độ triều của cửa sông ven biển gần bờ. Khi triều xuống, nước rút dần, bãi bồi hiện ra, cò sẽ bay xuống kiếm ăn. Thức ăn của cò là các loài giáp xác, nghêu, sò, ốc, hến, tôm, cua, cá… Do đó, khi nước rút theo chế độ triều thì đàn cò tập trung về đây rất đông. Thời điểm nước lên khiến bãi bồi thu hẹp, cò bay lên cây đậu hoặc di chuyển sang vị trí khác để kiếm ăn.

Thành phần loài cây ngập mặn tại khu vực Đảo Xanh khá đơn giản, gồm bần chua, dừa nước, ráng, ô rô… Trong đó, quần thể bần chua là quần thể chiếm ưu thế. Qua các đợt điều tra, khảo sát, thu mẫu, nhóm chuyên gia ghi nhận tại khu vực sông Hàn, ngã ba sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò có khoảng 85 loài cá thuộc 71 giống, 48 họ và 15 bộ. Trong đó có 15 loài cá có giá trị kinh tế, 2 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam là cá mòi cờ và cá mòi chấm. Kết quả cho thấy, bộ cá vược chiếm ưu thế với 22 họ (chiếm 45,83%), 30 giống (chiếm 42,25%) và 37 loài (chiếm 43,53%); ưu thế sau bộ cá vược là bộ cá chép với 2 họ (chiếm 4,17%), 12 giống (chiếm 16,9%) và 14 loài (chiếm 16,5%), các bộ còn lại có từ 1 đến 7 loài.

Khu hệ cá khu vực điều tra ghi nhận có 3 nhóm sinh thái chính, trong đó nhóm cá nước lợ điển hình chiếm ưu thế với 37 loài (chiếm 44%) tổng số loài, nhóm cá gốc biển với 25 loài (chiếm 29%) và nhóm cá gốc nước ngọt với 23 loài (chiếm 27%) tổng số loài.

Một hệ sinh thái giữa lòng thành phố

Sông Hàn chảy qua địa phận quận Hải Châu, hình thành nên các bãi bồi. Đây được đánh giá là điều kiện lý tưởng cho cây bần chua bén rễ. Kết hợp cùng cảnh quan có đàn cò, các loài chim chóc, không gian một dòng sông “trong tĩnh có động” và ngược lại đã được tạo ra. “Tính bền vững của một đô thị được thể hiện chính ở chỗ đó. Vùng đất ở khu Đảo Xanh hiện nay từng là một khu rừng ngập mặn. Có những tư liệu cho thấy đã từng có cá sấu sinh sống. Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận được một quần thể cây bần chua đang phát triển rất mạnh tại đây. Đó là lý do vì sao các đàn cò, các loài chim bay về quanh Đảo Xanh để kiếm ăn”, chuyên gia Phạm Tài Minh cho hay.

Theo đó, những khu vực có loài cây đước, cây bần chua phát triển sẽ kéo theo nhiều loài ốc, tôm, cá nhỏ, nghêu, sò… sinh sôi. Trong môi trường tự nhiên, chim chóc chỉ chọn nơi có đủ lượng thức ăn và nơi trú ẩn an toàn để sinh sống, duy trì đàn. Khu Đảo Xanh đáp ứng đủ các tiêu chí cần thiết về mặt tự nhiên, không gian cho chim chóc trú ngụ lâu dài. Việc nghiên cứu thành phần loài do nhóm các chuyên gia thực hiện sẽ trả lời câu hỏi “Điều gì để đàn cò quyết định bay về Đảo Xanh?”. Qua hình ảnh cánh cò trắng tụ tập đông để kiếm ăn, một hệ sinh thái giữa thành phố luôn ổn định, an toàn được thể hiện rõ nét.

Với kế hoạch đang thực hiện sẽ xác định được khu vực nào cần khôi phục thì tiến hành trồng các loài cây ngập mặn; khu vực nào cần khoanh vùng thì giữ gìn lại. Sự hồi sinh về sinh thái giữa lòng đô thị mở ra góc nhìn về một sức sống mới, một mảng xanh cần có cho thành phố. Những giải pháp về xây dựng kiến trúc quanh khu Đảo Xanh được định hướng tầm nhìn hơn 10 năm, tạo ra một điểm du lịch sinh thái bền vững; các cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học trên cạn, dưới nước của khu vực Đảo Xanh và vệt cây ngập mặn ven tuyến đường Thăng Long. Nhiều chuyên gia đề xuất phương án trồng phục hồi cây ngập mặn, trong đó chủ yếu là cây mắm và cây bần chua tại những vị trí bãi bồi có tiềm năng; lập địa điểm bảo vệ chim hoang dã tại khu vực vệt cây ngập mặn dưới chân cầu Trần Thị Lý; quy hoạch các khu vực làm cầu đi bộ dưới tán cây ngập mặn để người dân và du khách trải nghiệm, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng.

Một yếu tố quan trọng khác là cần phát triển các tổ cộng đồng tham gia bảo vệ, tuyên truyền, giới thiệu du khách cũng như phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch có sự tham gia của cộng đồng, du lịch trải nghiệm sông nước…; phối hợp với các đơn vị đào tạo, trường học để tổ chức các đợt tuyên truyền, phát động phong trào bảo tồn khu đất ngập nước gắn kết với bảo tồn đa dạng sinh học, vận dụng chương trình giáo dục trải nghiệm của nhà trường.